Kinh tế xã hội

Đặt tên doanh nghiệp: Tôn vinh hay xúc phạm danh nhân?

14:54, 26/10/2014 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Hàng loạt ý kiến không đồng tình với quy định “cấm dùng tên danh nhân đặt cho doanh nghiệp”…
 
Diễn đàn Cạnh tranh Quốc gia tổng hợp lại quan điểm của cơ quan soạn thảo, những người nghiên cứu lịch sử, văn hóa cũng như giới luật sư và doanh nhân xung quanh Thông tư số 10/2014/TT-BVHTTDL hướng dẫn đặt tên doanh nghiệp phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Theo thông tư của Bộ VHTTDL, doanh nghiệp không được lấy tên danh nhân Lý Thường Kiệt như thế này
Theo thông tư của Bộ VHTTDL, doanh nghiệp không được lấy tên danh nhân Lý Thường Kiệt như thế này
Căn cứ của Bộ
 
Trong bài báo đăng trên trang nhất số ra ngày 24/10, báo Tuổi Trẻ dẫn lời bà Ninh Thị Thu Hương - Phó cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở thuộc Bộ VHTTDL cho biết Bộ soạn thảo Thông tư căn cứ trên Nghị định số 43/2010/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp.
 
Việc cấm dùng tên danh nhân đặt tên doanh nghiệp đã được quy định tại khoản 3, điều 14 Nghị định này.
 
Theo bà Hương, việc xác định những ai là “danh nhân” mới đang trong quá trình Chính phủ yêu cầu Bộ VHTTDL đề xuất để Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền khác sẽ quyết định xem ai là danh nhân không được doanh nghiệp đặt tên. Khi nào mà vẫn chưa có văn bản xác định những ai là “danh nhân” thì doanh nghiệp chưa bị ràng buộc bởi điều khoản không lấy tên danh nhân đặt tên doanh nghiệp.
 
Bà cũng nói thêm thông tư quy định chỉ áp dụng cho những trường hợp doanh nghiệp đặt tên sau này, các doanh nghiệp đã đặt tên rồi thì không phải sửa đổi.
 
Tuy nhiên, các ý kiến phản biện đã chỉ ra nhiều điểm “chưa ổn” trong Thông tư này. Tựu trung lại, lập luận của các ý kiến này là một quy định cấm như vậy liệu có cần thiết, trong khi “danh nhân” gồm những ai thì chưa được làm rõ.
 
Đặt tên danh nhân thì có hại gì?
 
Đây là câu hỏi của GS Ngô Đức Thịnh (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Việt Nam) trên Tuổi Trẻ. Ông chia sẻ: “Tôi chưa hiểu và chưa tìm ra logic về mặt văn hóa ở những điều khoản quy định ấy”.
 
Tương tự, GS.TSKH sử học Vũ Minh Giang (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết trong lịch sử, chúng ta đã từng biết những doanh nghiệp: Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, nhà máy cơ khí Quang Trung, Lê Lợi...
 
Ý kiến cả hai vị chuyên gia trên và của LS Nguyễn Hồng Thái (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) đều cho rằng doanh nghiệp muốn tôn vinh danh nhân thì mới đặt tên. Việc đó cũng không ảnh hưởng đến uy tín của danh nhân, mà còn là cách để tôn vinh những danh nhân đó, quảng bá hình ảnh đất nước, các địa danh lịch sử nổi tiếng, truyền thống lịch sử dân tộc.
 
Trên thế giới, việc đặt tên theo các danh nhân vẫn được cho phép với ý nghĩa rất tích cực đó là danh nhân là những người mẫu mực của cả dân tộc vì vậy là tấm gương để tất cả mọi người noi theo, LS Nguyễn Hồng Thái cho biết trên Infonet.
 
Cũng có quan điểm ủng hộ việc cấm đặt tên doanh nghiệp trùng tên danh nhân, giặc ngoại xâm, người có tội với dân tộc… Tuy nhiên, trên báo Dân Việt, LS Trần Hữu Huỳnh, nguyên Trưởng ban Pháp chế VCCI (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) đặt câu hỏi “chỉ cấm với một loại đối tượng là doanh nghiệp thôi thì có ích gì?”
 
Lý do là hiện nay, rất nhiều đường phố, trường học, bệnh viện… mang tên danh nhân. Giả sử, nếu trên đường phố, trường học hay bệnh viện đó có xảy ra các vụ việc tai tiếng thì việc phải nhắc tên đường, trường, bệnh viện đó vẫn phải xảy ra chẳng khác gì với doanh nghiệp cả.
 
Nhiều bài báo cùng nhắc đến việc tên Sài Gòn cũng không được phép dùng để đặt tên cho công ty vì tên đất nước, địa danh trong các thời kỳ bị xâm lược bị cấm sử dụng. Trong khi, ai cũng biết thương hiệu nổi tiếng của bia Sài Gòn.
 
LS Trần Hữu Huỳnh cho rằng, với doanh nghiệp họ phải bỏ tiền đầu tư, kinh doanh thì chuyện phản ứng của người tiêu dùng với cái tên của họ là rất quan trọng. Do vậy, xét về kinh doanh, việc doanh nghiệp đặt tên phản cảm là không hợp lý ngay với chính bản thân họ. Hãy để cho thị trường tự điều chỉnh, người đặt tên doanh nghiệp theo kiểu chơi ngông, chơi trội, lố bịch, phản cảm sẽ bị trả giá.
 
Thế nào là danh nhân?
 
LS Nguyễn Quang Ngọc, Đoàn luật sư Hà Nội cho rằng Thông tư gây khó khăn rất nhiều cho doanh nghiệp mà giới luật sư cần phải bàn luận.
 
Cụ thể, Thông tư chưa trả lời được những câu hỏi cần thiết: Thứ nhất, thế nào là danh nhân, và những ai trong lịch sử nước ta được coi là danh nhân? Thứ hai, thế nào là những địa danh trong thời kỳ bị xâm lược? Thứ ba, những doanh nghiệp đã đặt tên rồi thì họ có phải đổi tên hay không? Nếu buộc phải đổi tên thì chi phí đổi tên ấy do ai chi trả?
 
“Trong chừng mực nào đó, tôi thấy đây là hành vi ứng xử thiếu văn hóa với cộng đồng doanh nghiệp của cơ quan nhà nước”, ông Ngọc được Tuổi Trẻ dẫn lời.
 
Luật sư Hà Hải (Đoàn luật sư TP.HCM) thì cho rằng đây là một quy định cảm tính. Thực tế cho thấy các doanh nghiệp hiện không biết tên nào là tên danh nhân và không được dùng, vì không có một danh sách tên danh nhân nào để tham khảo cả. Tiêu chí xác định ai là danh nhân cũng không có.
 
“Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy phép đăng ký kinh doanh cũng được, từ chối cấp phép cũng được. Hoàn toàn không có cơ sở pháp lý để trả lời cho doanh nghiệp”, vị này nêu thực trạng.
 
Từ góc độ pháp lý, luật sư này nhận định quy định này hạn chế quyền tự do của doanh nghiệp mới thành lập, gây khó khăn cho doanh nghiệp đã và đang hoạt động trong việc định dạng thương hiệu, cạnh tranh với doanh nghiệp trong và ngoài nước.
 
Trên báo điện tử Bizlive, bà Hoàng Thị Ngát, Giám đốc công ty TNHH Ngát Phương (Nam Định) cũng bày tỏ lo lắng, việc đưa thêm những quy định này tạo điều kiện cho các đơn vị sở ngành địa phương nhũng nhiễu, làm khó cho doanh nghiệp. 
 
Đồng thời cho rằng, Bộ đã ra quy định cấm phải đính kèm danh sách những tên không được phép đặt để hướng dẫn doanh nghiệp.
 
Cũng báo này đưa ý kiến chuyên gia Ngô Trí Long: "Đây là tư duy nguyên tắc, máy móc, khô cứng. Những vấn đề này thực chất là rào cản đối với doanh nghiệp".

Nguồn: Chinhphu.vn

Các tin khác