Kinh tế xã hội

Xăng hết tăng giá sốc, nhưng sẽ đắt hơn

13:28, 21/09/2014 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Thị trường xăng dầu tới đây sẽ có tính cạnh tranh cao hơn, hạn chế chuyện tăng giá đột biến, có nhiều mức giá bán khác nhau và người tiêu dùng có quyền lựa chọn giá bán hợp lý nhất.
 
Mức tăng không còn gây "sốc"
 
Ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, cho biết, Nghị định 83/CP-TTg về kinh doanh xăng dầu, thay thế Nghị định 84, có hiệu lực từ ngày 1/11 tới. Nghị định này có nhiều điểm mới để thị trường xăng dầu Việt Nam vận hành theo cơ chế thị trường, tiệm cận với thị trường xăng dầu khu vực và thế giới.
 
Điểm mới quạn trọng nhất, ngoài 3 đối tượng tham gia thị trường chính trước đây là đại lý, tổng đại lý và cửa hàng bán lẻ, thì Nghị định 83 đã thừa nhận và bổ sung thêm 2 đối tượng tham gia là thương nhân phân phối và thương nhân nhận quyền.
 
Trong đó, thương nhân phân phối sẽ được mua xăng dầu từ nhiều đầu mối và quyết định giá bán. Khi Nghị định 83 có hiệu lực, chắc chắn sẽ có nhiều tổng đại lý, đại lý sẽ xin chuyển thành thương nhân phân phối vì được chủ động và tự quyết nhiều hơn. Nhờ vậy, thị trường xăng dầu có tranh mạnh mẽ hơn, hạn chế hiện tượng các DN "nhìn nhau" tăng giá như thời gian qua.
 
Giá xăng sẽ hết tăng sốc, nhưng thời gian tới khi thuế nhập khẩu tăng, rất có thể giá xăng sẽ đắt đỏ hơn hiện tại
Giá xăng sẽ hết tăng sốc, nhưng thời gian tới khi thuế nhập khẩu tăng, rất có thể giá xăng sẽ đắt đỏ hơn hiện tại
 
Ngoài ra, Nghị định 83 đã điều chỉnh biên độ giá, để giảm bớt tình trạng giá xăng dầu tăng quá mạnh, gây tác động tiêu cực đến tâm lý tiêu dùng.
 
Trước đây, Nghị định 84 cho phép biên độ giá tăng trong phạm vi 7% trở xuống thì DN mới được điều chỉnh giá bán, chẳng hạn như hiện nay, giá bán lẻ xăng dầu trong nước khoảng 24.000 đồng/lít, nếu áp dụng biên độ điều chỉnh 7% thì mỗi lần tăng khoảng 1.600 đồng/lít. Mức tăng nhiều như vậy sẽ gây "sốc" cho nền kinh tế và tâm lý người tiêu dùng, ảnh hưởng đến kiểm soát lạm phát.
 
Để khắc phục vấn đề trên, Nghị định 83 quy định, nếu các yếu tố cấu thành làm cho giá cơ sở tăng trong phạm vi 3% trở xuống thì DN được điều chỉnh giá bán và giữa 2 lần điều chỉnh phải cách nhau ít nhất 15 ngày. Qua theo dõi quy luật giá xăng dầu thế giới cho thấy, hàng năm giá thế giới tăng trong khoảng 5-7%. Mức tăng 3% tương ứng với 700-750 đồng/lít mỗi lần điều chỉnh, phù hợp với sức chịu đựng của nền kinh tế và khả năng của người dân.
 
DN xăng dầu ngoại "lăm le" đổ bộ
 
Để đảm bảo ổn định thị trường xăng dầu, ông Ruệ cho hay đã đề nghị không trích lập và xả Quỹ bình ổn liên tục. Quỹ chỉ được sử dụng khi nào giá xăng dầu tăng đột biến, chẳng hạn trên 7% thì mới xả. Bên cạnh đó, thuế xăng dầu nhập khẩu phải giữ ổn định trong vòng từ 6 tháng đến 1 năm. Trong 11 yếu tố tác động đến giá xăng dầu, hiện có 9 yếu tố ổn định, chỉ có 2 yếu tố không ổn định là thuế nhập khẩu và tỷ giá ngoại tệ. Nếu ổn định được thuế thì chỉ còn yếu tố tỷ giá, như vậy giúp giá xăng dầu trong nước ổn định kéo dài.
 
Mở cửa, các DN ngoại lăm le đổ bộ vào thị trường xăng dầu Việt Nam
Mở cửa, các DN ngoại lăm le đổ bộ vào thị trường xăng dầu Việt Nam
 
Mặc dù vậy, ông Ruệ cũng băn khoăn rằng thuế nhập khẩu xăng dầu của Việt Nam vẫn khá thấp. Theo cam kết gia nhập WTO, Việt Nam được giữ thuế nhập khẩu xăng dầu ở mức 40%, còn với AFTA là 35%. Song, thời gian qua, chúng ta vẫn chỉ áp ở mức 0%-12%, nên dư địa còn nhiều, sắp tới sẽ nâng lên bình quân 20% là phù hợp nhằm đảm bảo nguồn thu và tương đương với các nước như Lào, Campuchia... Nếu vậy, chắc chắn giá xăng dầu sẽ không thể ở mức thấp.
 
Cũng theo ông Ruệ, theo cam kết từ 2018-2020 thị trường xăng dầu Việt Nam sẽ mở cửa. Hiện có rất nhiều DN nước ngoài quan tâm tới thị trường xăng dầu Việt Nam, số lượng DN này còn đông hơn cả những DN bán lẻ nước ngoài quan tâm đến thị trường bán lẻ Việt Nam. Họ tìm hiểu cụ thể từ chính sách cho đến việc kinh doanh xăng dầu và chờ đợi khi nào mở cửa sẽ đổ bộ vào Việt Nam.
 
Với các DN nước ngoài, họ có thể gặp khó khăn trong việc thuê đất, xây dựng cửa hàng... , nhưng với DN trong nước thì chuyện này dễ giải quyết hơn. DN Việt Nam đầu tư cửa hàng, có thể bán lại cho phía nước ngoài, và khi đó, "cuộc chơi" sẽ gây cấn hơn, cạnh tranh sẽ trở nên gay gắt. Các DN Việt Nam sẽ khó có thể "sống sót" trước khả năng cũng như kinh nghiệm quản trị tốt, vốn lớn của các đối thủ "ngoại. Tuy nhiên, chắc chắn người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi.
 
Thị trường xăng dầu mở cửa, chất lượng xăng dầu mới là yếu tố quyết định, chứ không phải giá cả. Nếu chỉ chạy theo giảm giá mà không kiểm soát, để chất lượng xăng dầu đi xuống thì người tiêu dùng sẽ tẩy chay - theo ông Ruệ. Hiện các cửa hàng, đại lý chỉ mua từ một đầu mối nên chất lượng xăng dầu thế nào, đầu mối phải chịu trách nhiệm. Thời gian tới, khi thương nhân phân phối được mua xăng dầu từ nhiều đầu mối về trộn với nhau để có giá bán tốt nhất, chất lượng có thể bị buông lỏng. Khi đó, DN sẽ khó tồn tại.
 

Nguồn: vef.vn

Các tin khác