Kinh tế xã hội
Công bố Báo cáo môi trường quốc gia 2013
08:27, 19/09/2014 (GMT+7)
Tại Việt Nam, ô nhiễm bụi tại các thành phố lớn vẫn tiếp tục tồn tại ở mức cao; ô nhiễm không khí tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề… ngày càng phức tạp.
Chiều 18/9, Bộ TN&MT tổ chức công bố Báo cáo môi trường quốc gia năm 2013 với chủ đề “Môi trường không khí”, tập trung phân tích các vấn đề liên quan đến môi trường không khí trong giai đoạn 2008-2013.
Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang, tại Việt Nam ô nhiễm bụi tại các thành phố lớn vẫn tiếp tục tồn tại ở mức cao. Các khu vực đô thị là nơi tập trung các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội, đông dân cư, là khu vực có môi trường chịu tác động nhiều nhất. Vấn đề ô nhiễm không khí tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, ô nhiễm khói mù do đốt rơm rạ ở nông thôn… ngày càng phức tạp.
Với mục tiêu cung cấp một cách nhìn tổng quan về chất lượng môi trường không khí, đánh giá các nguyên nhân chủ yếu gây ô nhiễm không khí ở nước ta trong thời gian qua, cũng như đưa ra những khuyến nghị, giải pháp cho các vấn đề này trong thời gian tới, Bộ TN&MT đã chọn “Môi trường không khí” là chủ đề Báo cáo môi trường quốc gia 2013.
Báo cáo được hoàn thiện với sự tham gia góp ý của các bộ, ngành, địa phương và các cán bộ quản lý, các nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường.
Báo cáo môi trường không khí gồm 6 chương, tập trung phân tích những vấn đề liên quan đến điều kiện tự nhiên và kinh tế-xã hội ảnh hưởng đến môi trường không khí; các nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí; đánh giá hiện trạng, diễn biến chất lượng môi trường không khí của giai đoạn từ 2008-2013.
Đồng thời nêu lên những tác động tiêu cực của ô nhiễm môi trường không khí đến sức khỏe con người, hệ sinh thái tự nhiên và làm đẩy nhanh biến đổi khí hậu; đánh giá công tác quản lý môi trường không khí, những kết quả đạt được, những khó khăn chưa được giải quyết; những định hướng trọng tâm công tác bảo vệ môi trường không khí trong 5 năm tới.
Theo Báo cáo, các nguồn thải gây ô nhiễm không khí gồm: Nguồn di động (hoạt động giao thông), nguồn cố định (hoạt động sản xuất công nghiệp, khai thác và chế biến than, nhiệt điện, sản xuất thép, xi măng và vật liệu xây dựng), các nguồn khác như sản xuất nông nghiệp và dân sinh.
Các nguồn thải hiện nay có xu hướng gia tăng cả về số lượng và quy mô. Tuy nhiên, theo đặc thù phát triển của từng vùng miền và quy mô tính chất của từng nguồn thải lên áp lực môi trường không khí cũng khác nhau.
Tại các đô thị và khu công nghiệp, vấn đề ô nhiễm do bụi là đáng lo ngại nhất. Nồng độ thông số bụi có xu hướng duy trì ở ngưỡng cao, đặc biệt ở các trục giao thông, tuyến đường chính và các đô thị lớn. Nồng độ bụi lơ lửng tổng số tại rất nhiều điểm quan trắc xung quanh các khu công nghiệp vượt giới hạn quy định, thậm chí vượt nhiều lần giới hạn cho phép trung bình 24h và trung bình năm.
Để giải quyết các vấn đề ô nhiễm không khí, Báo cáo cũng đưa ra các giải pháp cụ thể, các lựa chọn ưu tiên và thực hiện các lộ trình chặt chẽ. Trong đó chú trọng hoàn thiện các thể chế về môi trường không khí, hệ thống chính sách pháp luật, kế hoạch quản lý môi trường không khí, tiêu chuẩn, quy chuẩn, tổ chức quản lý môi trường, đẩy mạnh các hoạt động quan trắc và kiểm soát nguồn thải.
Các giải pháp tăng cường, kiểm soát và giảm thải bảo gồm nhóm giải pháp nhằm kiểm soát, giảm phát thải khí tự hoạt động giao thông vận tải, sản xuất công nghiệp và dân sinh, đẩy mạnh nhóm giải pháp xanh và các giải pháp hỗ trợ khác như đầu tư tài chính, nghiên cứu khoa học và công nghệ, sự tham gia của cộng đồng và hợp tác quốc tế.
Nguồn: Chinhphu.vn