Kinh tế xã hội
Tăng cường chống sản xuất, kinh doanh phân bón giả
15:07, 18/09/2014 (GMT+7)
Phó Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương) Đỗ Thanh Lam cho biết, để công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm trong vận chuyển, kinh doanh phân bón hiệu quả, cần triển khai đồng bộ và quyết liệt nhiều biện pháp.
Thực tiễn trong sản xuất nông nghiệp chỉ rõ, phân bón là yếu tố quan trọng, cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng, tăng màu mỡ cho đất. Và sản xuất phân bón là cần thiết để đảm bảo nông dân được quyền lựa chọn sản phẩm phù hợp cho cây trồng. Song, những năm qua, trên thị trường đã xuất hiện nhiều loại phân bón giả, điều này không chỉ ảnh hưởng đến năng suất cây trồng mà còn đe dọa an toàn môi trường, mất cân bằng sinh thái, ô nhiễm đất, ô nhiễm nước vùng nông thôn. Do đó, yêu cầu cấp bách đặt ra hiện nay là phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động sản xuất phân bón, chất lượng phân bón, quy định cụ thể để dần loại bỏ những loại phân bón kém chất lượng, đảm bảo quyền lợi của người nông dân.
Tính đến hết năm 2013, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) đã kiểm tra 4.689 vụ, phát hiện xử lý 1.483 vụ vi phạm, xử phạt hành chính 14,5 tỷ đồng, tịch thu 813.881 kg, 11.830 gói và 1.165 chai phân bón các loại. Phân bón giả, kém chất lượng được lực lượng QLTT phát hiện chủ yếu tại các tỉnh An Giang, Vĩnh Long, Long An, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang...
Quý I/2014, lực lượng QLTT đã phát hiện xử lý 88 vụ vi phạm, xử phạt hành chính 1,26 tỷ đồng, tịch thu 88.642 kg, 153 chai, lọ trị giá hơn 183 triệu đồng với các hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng, phân bón quá hạn sử dụng... 6 tháng đầu năm 2014 đã xử lý 131 vụ, với số tiền xử phạt hành chính 1,32 tỷ đồng, chủ yếu là các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên.
Phân bón giả không thể nhận biết bằng mắt thường, phải qua kiểm định, nhưng thời gian kiểm định kéo dài nên không xử lý được kịp thời |
Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Thanh Lam khẳng định: Phân bón là loại hàng hóa đặc thù, đã sử dụng bón cho cây trồng thì không thể thu hồi lại được. Do vậy, khi người nông dân mua phải phân bón giả kém chất lượng đem sử dụng và thiệt hại thì không giám định được chất lượng để làm căn cứ xử lý. Hơn nữa, do nhu cầu sử dụng cao của người dân mà nạn phân bón giả đã có dịp hoành hành, các vi phạm chủ yếu là sản xuất kinh doanh phân bón có chất lượng thấp hơn mức đã công bố, quá hạn sử dụng, vi phạm về nhãn hàng hóa, không niêm yết giá bán... Các đối tượng vi phạm rất đa dạng, từ các đại lý buôn bán nhỏ lẻ đến các doanh nghiệp lớn, cá biệt có cả doanh nghiệp nhà nước. Các loại phân bón giả, kém chất lượng chủ yếu là urê, kali và NPK. Trong đó, hành vi vi phạm phổ biến là thiếu hàm lượng các chất dinh dưỡng so với tiêu chuẩn công bố.
Cũng theo ông Đỗ Thanh Lam, thời gian qua, lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý nhiều vụ việc. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm trong vận chuyển, kinh doanh phân bón vẫn diễn ra, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của gần 15 triệu hộ nông dân, gây bức xúc dư luận xã hội.
Trong thời gian qua, Cục QLTT đã kiểm tra, kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm trên thị trường nội địa, đồng thời tham mưu, kiến nghị và ban hành nhiều văn bản chính sách trong công tác QLTT phân bón. Bên cạnh đó, Cục đã tích cực tham gia các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật liên quan tới việc phát triển sản xuất, đấu tranh chống sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng đồng thời đề nghị các doanh nghiệp trong lĩnh vực này phối hợp trên các vấn đề: cung cấp thông tin về các đối tượng vi phạm về phân bón; hỗ trợ giám định xác định phân bón giả, kém chất lượng; thông tin, tuyên truyền phổ biến pháp luật nâng cao nhận thức; bồi dưỡng, đào tạo kỹ năng nhận biết phân bón giả, kém chất lượng...
Cũng theo Phó Cục trưởng Đỗ Thanh Lam, công tác chỉ đạo của Cục cũng đặc biệt quan tâm tới nội dung chống sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng, coi đây là nhiệm vụ quan trọng của lực lượng QLTT nói chung và các Chi cục QLTT các tỉnh, thành phố nói riêng.
Tuy nhiên, ông Lam cũng chỉ ra một số khó khăn, thách thức mà QLTT phải đối mặt như, thiếu quy định thẩm quyền QLTT, không thống nhất mức xử phạt đối với một số hành vi vi phạm về phân bón... hay việc chỉ đạo, phân công nhiệm vụ chủ trì, kiểm tra xử lý vi phạm về phân bón của UBND tỉnh không thống nhất giữa các địa phương (nơi giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nơi giao Sở Khoa học và Công nghệ...); quy trình lấy mẫu, kiểm nghiệm phân bón mất nhiều thời gian; lực lượng QLTT mỏng, thiếu kinh nghiệm, số cán bộ được cấp chứng chỉ lấy mẫu phân bón còn ít... Hơn nữa, hoạt động kiểm soát mới chỉ dừng ở việc kiểm tra điều kiện kinh doanh nguồn gốc nhập khẩu của phân bón mà chưa đi sâu vào kiểm tra chất lượng...
Do đó, theo ông Lam, để khắc phục các hạn chế trên, thời gian tới, cần triển khai đồng bộ và quyết liệt nhiều biện pháp trong công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm trong vận chuyển, kinh doanh phân bón. Theo đó, trước mắt cần tập trung tiếp tục kiến nghị, đề xuất nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách về phân bón, bao gồm: kiến nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định 163/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực hóa chất, phân bón và vật liệu nổ công nghiệp về thẩm quyền của lực lượng QLTT; tiếp tục hoàn thiện “Đề án chống buôn lậu và sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng”; theo dõi, đôn đốc 7 tỉnh duyên hải miền Trung từ Quảng Nam đến Bình Thuận triển khai quyết liệt đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát chống sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng để sơ kết rút kinh nghiệm tiếp tục thực hiện tại các địa bàn trọng điểm.
Cùng với đó là tập trung vào công tác tổ chức kiểm tra, kiểm soát, tăng cường công tác quản lý địa bàn để nằm chắc diễn biến, tình hình và thống kê, đánh giá các quy định pháp luật về phân bón, chủ động kiểm tra, xử lý vi phạm và phối hợp với cơ quan chức năng liên quan: cơ quan công an, thanh tra chuyên ngành Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ... Ngoài ra, cần làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền cũng như phối hợp chặt chẽ với các Hiệp hội, doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh phân bón.
Nguồn: dangcongsan.vn