Kinh tế xã hội
10 năm chờ đợi vụ chống bán phá giá đầu tiên
10:33, 21/09/2014 (GMT+7)
Sau 10 năm có các quy định pháp lý, đã có rất nhiều nghi án bán phá giá vào Việt Nam không được chứng minh và xử lý. Vì thế, thành công đầu tiên trong vụ điều tra chống bán phá giá thép không gỉ là bài học hữu ích cho DN Việt sử dụng công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ chính mình.
10 năm ngóng đợi
Ngày 5/9/2014, Bộ Công thương đã có Quyết định số 7896/QĐ-BC áp dụng biện pháp chống bán phá giá với mức thuế từ 3,07% - 37,29% đối với một số sản phẩm thép không gỉ nhập khẩu từ Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Đài Loan. Cụ thể, thép không gỉ cán nguội nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ chịu mức thuế chống bán phá giá từ 4,64 đến 6,87%; từ Malaysia là 10,71%; nhập từ Đài Loan từ 13,79 đến 37,29%, từ Indonesia là 3,07%.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam tiến hành điều tra và áp thuế chống bán phá giá kể từ năm 2004, khi pháp luật của Việt Nam có các quy định về chống bán phá giá.
Theo bà Phạm Châu Giang, Trưởng phòng điều tra các vụ kiện phòng vệ thương mại của DN trong nước, Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương, thép không gỉ vốn là sản phẩm phức tạp có nhiều tiêu chuẩn khác, chủng loại và mã hàng khá lớn, nhiều tiêu chí sắp xếp; có giá trị nhập khẩu cao, lên tới 250 triệu USD/năm; việc điều tra cùng một lúc lại ở nhiều nước, khiến cho cơ quan điều tra không tránh hỏi những khó khăn, bỡ ngỡ. Tính từ khi khởi xướng điều tra đến lúc kết thúc mất tới 14 tháng.
Bà Giang kể, việc chọn DN sản xuất thép không gỉ tại nước ngoài để điều tra cũng gặp rất nhiều khó khăn, bởi có DN sản xuất nhưng không trực tiếp xuất khẩu mà bán qua vài trung gian, sau đó mới xuất vào Việt Nam. Vì vậy, để tìm ra các DN này không hề dễ dàng. Bên cạnh đó, hệ thống kế toán giữa Việt Nam và các nước cũng khác nhau, rồi DN Trung Quốc chỉ sử dụng tiếng Trung... là những rào cản mà cơ quan điều tra phải vượt qua.
Bộ Công thương đã có quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép không gỉ nhập khẩu từ Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Đài Loan |
"Tuy nhiên qua vụ việc này, đội ngũ điều tra đã trưởng thành. Thời gian đầu để tính toán được biên độ bán phá giá của 1 DN sản xuất thép không gỉ, các điều tra viên phải mất tới 2 tháng, nhưng đến nay thì đã rút xuống chỉ còn từ 3-4 ngày", bà Châu Giang cho biết.
Ông Lê Sỹ Giảng, chuyên gia về điều tra chống bán phá giá, cho rằng, kết luận điều tra của vụ kiện chống bán phá giá thép không gỉ được đánh giá tương đương với chất lượng của các nước châu Âu. Đây là nền tảng tốt, để hỗ trợ các DN trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác về điều tra chống bán phá giá, trong tương lai.
Theo ông Giảng, các DN Việt Nam vẫn rất ngại va chạm về pháp lý trong thương mại quốc tế. Vụ việc trên là bài học thực tiễn hữu ích cho DN sản xuất trong nước sử dụng công cụ phòng vệ thương mại để tự bảo vệ chính mình. Với thành công của vụ điều tra chống bán phá giá thép không gỉ, các DN sản xuất sản phẩm này trong nước sẽ tránh được những thiệt hại kép, tạo môi trường cạnh tranh công bằng, để sản xuất trong nước có cơ hội phát triển, hạn chế cạnh tranh về giá, về khả năng chiếm lĩnh thị trường của hàng nhập khẩu.
Còn những nuối tiếc
Từ vụ điều tra này, Luật sư Phạm Lê Minh, Công ty luật ATIM, tư vấn, khi thấy các dấu hiệu như sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước giảm so với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa nhập khẩu cùng loại tăng mạnh, giá của hàng hóa nhập khẩu giảm trong thời gian dài, thì cần phải coi đấy là những yêu tố ban đầu của hiện tượng bán phá giá. Qua đó nên xem xét, tham vấn cơ quan điều tra. Nếu chính xác, cần xác định sơ bộ thiệt hại của sản xuất trong nước, xác định sơ bộ biên độ phá giá sản phẩm, khi đầy đủ chứng cứ sẽ tiến hành khởi kiện.
Thành công đầu tiên trong vụ điều tra chống bán phá giá thép không gỉ là bài học hữu ích cho DN Việt sử dụng công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ chính mình |
Tuy nhiên một số DN cho biết, với mức thuế chống phá giá áp cho DN Trung Quốc từ 4,64 đến 6,87% và Indonesia 3,07% là khá thấp, Trong khi các vụ kiện chống bán phá giá với nhiều sản phẩm của Việt Nam trước đây thường bị đưa lên đến trên 100%.
Luật sư Minh cho rằng tiếc nuối lớn nhất trong vụ điều tra này chính là biên độ phá giá đối với DN sản xuất, xuất khẩu từ Trung Quốc còn thấp.
Theo Công ty TNHH Posco VST và Công ty Cổ phần Inox Hòa Bình, giá thép không gỉ nhập khẩu từ các nước trên thấp hơn 25% so với sản phẩm trong nước, thậm chí thấp hơn giá thành tại chính thị trường của họ. Posco VST và Inox Hòa Bình yêu cầu áp thuế chống bán phá giá bình quân 20% đối với sản phẩm thép không gỉ nhập từ Trung Quốc, Malaysia, Indonesia và Đài Loan.
Tuy nhiên, bà Châu Giang cho biết, các nước phương Tây vẫn chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường đầy đủ. Vì vậy, khi điều tra chống bán phá giá, họ thường lấy 1 nước thứ 3 ra để điều tra thay thế. Khi đó họ muốn áp mức thuế bao nhiêu cũng được, tùy thuộc vào họ chọn nước nào để điều tra thay thế. Còn giữa Việt Nam với Trung Quốc và các nước Asean do đã có sự công nhận lẫn nhau là nền kinh tế thị trường, cho nên khi điều tra chống bán phá gía, theo quy định của WTO phải sử dụng các chứng cứ do những DN nước này cung cấp.
"Các DN của Trung Quốc chuẩn bị rất kỹ lưỡng về số liệu. Chúng tôi nhận thấy biên độ phá giá của DN Trung Quốc như vậy là chưa phù hợp, nhưng cũng không thể làm khác được", bà Châu Giang cho hay.
Nguồn: vef.vn