Kinh tế xã hội

'Dở khóc, dở cười' với hình thức mua hàng trả góp

10:25, 02/09/2014 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Với cái gọi là “ưu đãi” trong mua hàng trả góp, khách hàng trả dần hàng tháng, không yêu cầu thế chấp tài sản cũng như việc thẩm định khả năng trả nợ. Gần đây, hình thức mua hàng trả góp phát triển khá mạnh, thu hút được lượng lớn khách hàng. Tuy nhiên, điều cần nói là với mức lãi suất “cắt cổ” mà các điểm bán hàng trả góp dành cho khách hàng đã khiến nhiều người “dở khóc, dở cười”…
 
Mua trả góp chịu lãi suất ngất ngưởng
 
Mua hàng trả góp là một hình thức mua hàng mà trong đó người mua chỉ cần trả trước một phần giá trị của món hàng, số tiền còn lại sẽ được trả theo thỏa thuận có thể kéo dài đến 15 tháng sau, đến khi số tiền được trả hết. Như vậy, mua trả góp thực chất là một hình thức cho người tiêu dùng vay tiền. Với khoản lợi nhuận khổng lồ từ hình thức cho vay tiêu dùng, các cửa hàng bán trả góp mọc lên như nấm tại các đô thị, đủ các mặt hàng điện tử, điện máy, xe máy…, hút một lượng khách hàng rất lớn. Ít người hiểu rằng, việc mua trả góp là phải trả lãi suất cao, bởi số tiền trả hàng tháng bao gồm nhiều khoản: Tiền gốc, lãi, phí chuyển tiền, phí bảo hiểm khoản vay… đẩy lãi suất lên mức “cắt cổ”.
 
Có thể nói, người tìm đến hình thức mua hàng trả góp đa số có khả năng tài chính hạn hẹp, điều kiện kinh tế chưa cho phép có ngay một khoản tiền lớn trong khi cần mua các sản phẩm, mặt hàng cần thiết. Khi tìm đến các ngân hàng, mặc dù lãi suất thấp hơn, nhưng gặp phải thủ tục phức tạp, muốn vay buộc phải chứng minh thu nhập hàng tháng, tài sản thế chấp. Mà nếu vay thế chấp, thì tài sản thế chấp cũng bị kiểm tra khắt khe, kỹ càng. Đánh trúng tâm lý này của người tiêu dùng, các công ty tài chính đưa ra hình thức vay trả góp với thủ tục đơn giản, tiện lợi. Chỉ cần chứng minh thư, sổ hộ khẩu hoặc bằng lái xe để làm thủ tục pháp lý. Sau khi ký kết có thể nhận ngay sản phẩm cần mua sau 15 phút, có khả năng lựa chọn thời hạn cho chịu nợ từ 6 - 24 tháng. Mức trả góp tùy theo khả năng tài chính, không cần thế chấp tài sản và chứng minh tài chính, không cần công chứng giấy tờ. Hồ sơ đăng ký trả góp chỉ cần CMND, sổ hộ khẩu, hóa đơn điện nước. Thủ tục làm không rườm rà, phức tạp như ngân hàng…
 
Nhiều khách hàng đã dở khóc, dở cười khi mua hàng trả góp bởi số tiền phải trả phát sinh rất nhiều so với giá trị thực của mặt hàng họ mua - Ảnh minh họa
Nhiều khách hàng đã dở khóc, dở cười khi mua hàng trả góp bởi số tiền phải trả phát sinh rất nhiều so với giá trị thực của mặt hàng họ mua - Ảnh minh họa
 
Bên cạnh đó, để thu hút khách hàng, các công ty tài chính cũng liên tục đưa ra hàng loạt các gói ưu đãi dành cho đối tượng khách hàng có thu nhập thấp hoặc trung bình. Nhìn vào mức lãi suất ưu đãi, nhiều người tưởng “dễ ăn”. Vậy nên vô tình khách hàng rơi vào “bẫy” của các công ty tài chính. Đến khi nhận ra đây là một khoản lãi suất cao thì hàng đã mua, hợp đồng vay đã được ký, khách hàng bỗng chốc “dở khóc, dở cười” khi tự nhiên phải “móc túi” thêm một khoản tiền lãi tính ra cao đến chóng mặt.
 
Tại Thế giới di động, bán trả góp ở địa chỉ số 78, đường Nguyễn Thị Minh Khai, TP Vinh, khách hàng chói tai vì chiếc loa phóng thanh cỡ lớn phát hết công suất mời chào, lượng khách hàng vào ra rất đông. Anh Nguyễn Văn Minh được nhân viên tư vấn để mua một máy điện thoại SamSung với giá niêm yết là 4.190.000 đồng, kèm theo có 5 gói trả góp từ 6 tháng đến 8, 10, 12, hoặc 15 tháng để khách hàng lựa chọn. Tuy nhiên, lúc lấy hàng, khách hàng buộc phải trả trước 850.000 đồng. Nếu tính gói 6 tháng, phải trả 739.000 đồng/mỗi tháng, sau 6 tháng thì chiếc điện thoại từ giá ban đầu 4.190.000 đồng lên giá 5.284.000 đồng; trả góp 12 tháng, từ 4.190.000 đồng sẽ tăng tới 6.274.000 đồng; trả góp 15 tháng, từ 4.190.000 đồng sẽ đội lên giá 6.850.000 đồng (tăng so với giá bán ban đầu 2.660.000 đồng).
 
Cẩn trọng khi mua hàng trả góp
 
Chúng tôi trực tiếp tìm hiểu quy trình mua hàng trả góp tại một số địa điểm trên địa bàn TP Vinh được biết, chương trình mua trả góp áp dụng với tất cả các sản phẩm điện thoại, máy tính bảng, máy tính xách tay với nhiều loại giá. Tuy nhiên, thật bất ngờ khi biết giá của hệ thống này cao ngất ngưởng. Khi mua chiếc máy tính xách tay nhãn hiệu Dell với giá 15.190.000 đồng, trả trước 5.000.000 đồng, trong thời gian 12 tháng người mua được phía công ty tặng tháng cuối cùng, chỉ cần trả số tiền gốc lẫn lãi trong 11 tháng thì tổng số tiền trả góp và trả trước là 19.872.000 đồng, tương đương mức lãi suất khoảng 4,17%/tháng. Với mức lãi suất trên, nhiều người loay hoay mãi mới trả hết nợ. Như vậy, khi áp dụng hình thức mua trả góp, khách hàng tưởng rằng sẽ được hỗ trợ, nhưng thật sự đang phải trả lãi suất rất cao. Tùy vào số tiền và thời gian vay của người tiêu dùng mà áp dụng các mức lãi suất khác nhau, từ 20 - 70%/năm. Số tiền vay càng lớn, thời gian vay càng dài, lãi suất khách phải trả càng tăng. Nếu người mua sản phẩm có giá càng cao, thời gian trả góp càng dài thì số tiền chênh lệch càng lớn.
 
Lời khuyên của các chuyên gia kinh tế là: Khi quyết định mua hàng trả góp, người mua nên thăm dò, so sánh giá tiền và lãi suất mà cửa hàng áp dụng, vì cùng một chủng loại sản phẩm, đôi khi mỗi cửa hàng sẽ có mức báo giá khác nhau… nhằm tránh rủi ro về tài chính. Thêm vào đó, khi chưa thật sự cần thiết thì hãy nói không với hình thức mua hàng trả góp.
 

P.V

Các tin khác