Kinh tế xã hội
Tự chủ đại học và chuyện 'phi trí bất hưng'
15:46, 31/08/2014 (GMT+7)
Cùng với các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang có những chỉ đạo quyết liệt và rốt ráo đối với vấn đề tự chủ đại học. Và đó không phải sự trùng hợp ngẫu nhiên về mặt thời điểm…
Trong tuần qua, lãnh đạo Chính phủ đã liên tiếp chủ trì các cuộc họp trực tiếp bàn hoặc có đề cập đến vấn đề tự chủ đại học.
Trong phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8 diễn ra ngày 28/8, các thành viên Chính phủ đã thảo luận về cơ chế thí điểm giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học công lập và đồng ý tăng thêm tự chủ cho 4 trường trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Ngay trước phiên họp Chính phủ, ngày 26/8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp về vấn đề này, với sự tham dự của các Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Vũ Đức Đam.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa ra những quan điểm chỉ đạo sâu hơn, rõ hơn về tự chủ đại học. Rằng đối với giáo dục đại học, việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường được coi là khâu quyết định, là yếu tố đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Mục đích cao nhất là nâng cao chất lượng đào tạo, tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng cho nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Chủ trương giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường Đại học đã được thể hiện trong các văn bản, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, trong Luật Giáo dục Đại học. Quan điểm, chủ trương là như vậy, nhưng trên thực tế, so với yêu cầu, việc thực hiện chủ trương giao quyền tự chủ cho các trường đại học còn chậm.
Trong khi đó, như nhận định của Thủ tướng trong bài viết nhân dịp đầu năm mới 2014, những động lực mà những cải cách trước đây tạo ra đã không còn đủ mạnh để thúc đẩy phát triển. Đây là lúc chúng ta cần có thêm động lực để lấy lại đà tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững. Và như Thủ tướng đã chỉ ra tại cuộc họp ngày 26/8, đối với sự phát triển bền vững của đất nước, yếu tố con người có ý nghĩa quyết định, sức mạnh con người là ở trí tuệ.
Giải phóng nguồn lực trí tuệ
Trong bối cảnh đó, Nghị quyết số 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, với quyết tâm tạo những động lực mới cho sự phát triển của đất nước.
Bên cạnh những giải pháp mang tính “cấp kỳ” mà doanh nghiệp có thể cảm thấy ngay tác dụng, như những giải pháp về cắt giảm thời gian thực hiện các thủ tục thuế, hải quan, đất đai, xây dựng, khởi sự kinh doanh…, Nghị quyết còn đề cập đến những giải pháp dài hơi và mang tính nền tảng.
Đó là phát triển nguồn nhân lực, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, cùng với hoàn thiện thể chế, hòan thiện kết cấu hạ tầng. Cũng nên nhắc lại, đây chính là một trong ba khâu đột phá chiến lược đã được Thủ tướng đã làm rõ hơn tại bài viết nêu nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ nhiệm kỳ mới.
Nghị quyết 19 chỉ rõ, phải mở rộng quyền tự chủ tuyển sinh, tự chủ tài chính, tự chủ về chương trình, nội dung đào tạo và khảo thí cho các cơ sở giáo dục, đào tạo.
Như vậy, sự quan tâm của Chính phủ, của Thủ tướng đối với vấn đề tự chủ đại học, cùng thời điểm với những chỉ đạo mạnh mẽ về cải thiện môi trường kinh doanh, không hề là trùng hợp ngẫu nhiên. Tất cả những chỉ đạo trải rộng trên nhiều lĩnh vực đó đều hướng về một cái đích: Nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia.
Tương tự, những vấn đề nóng nhất trong giáo dục phổ thông như đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông, thi cử… cũng được lãnh đạo Chính phủ hết sức quan tâm, được đưa ra bàn thảo tại cuộc họp chiều 26/8 của Ủy ban Quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo và ngay sau đó, phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8.
Và cũng tại phiên họp Chính phủ, Thủ tướng đã đồng ý về chủ trương xây dựng cơ chế, chính sách đặc biệt đối với Viện Khoa học công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc (V-KIST). Đây là một Viện được xây dựng theo mô hình Viện KIST của Hàn Quốc, đã đóng góp phần vô cùng quan trọng cho quá trình nước này cất cánh từ một nước nghèo khó đi lên công nghiệp và hiện đại hóa.
Điểm lại những vấn đề trên, đủ thấy rằng Chính phủ, Thủ tướng đã đi vào những giải pháp thực sự cụ thể, mang tính đột phá, những “cái chốt” đối với phát triển giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ. Cuộc sống đang đòi hỏi, đang cần những giải pháp đó, bởi khi chúng ta đã chấp nhận cạnh tranh với thế giới thì hiệu quả của những giải pháp sẽ được “đo lường” rất sòng phẳng bởi các đối tác quốc tế. Những giải pháp chung chung sẽ là không đủ.
Lê Quý Đôn – người duy nhất được gọi là nhà bác học của Việt Nam thời phong kiến – đã từng đúc kết rằng “phi trí bất hưng” trong một mệnh đề nổi tiếng. Văn bia tiến sĩ khoa đầu tiên được dựng tại Văn Miếu cũng khẳng định: Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn…
Có thể so sánh một cách hình tượng: Nếu những giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh nhằm giải phóng mọi nguồn lực vật chất, kinh tế, thì những giải pháp về giáo dục đào tạo, về khoa học công nghệ nhằm giải phóng mọi nguồn lực về trí tuệ để góp phần tạo động lực phát triển mới cho đất nước. Quá trình giải phóng đó cũng chính là quá trình dân chủ hóa, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân.
Nguồn: Chinhphu.vn