Kinh tế xã hội

Làm gì để nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh?

09:37, 30/08/2014 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Qua 10 năm thực hiện, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), với thước đo là sự hài lòng của DN đã phần nào tạo “cảm hứng” cải cách ở các địa phương. Tuy nhiên, việc làm thế nào để nâng cao chỉ số này vẫn là vấn đề được mỗi địa phương và giới doanh nghiệp quan tâm.
 
Ngày 29/8, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tổ chức Hội thảo “Thực tiễn tốt trong cải thiện môi trường kinh doanh cấp tỉnh” tại Đà Nẵng.
Quang cảnh Hội thảo.
Quang cảnh Hội thảo.
 
Vì sao xếp hạng PCI kém?
 
Qua 10 năm thực hiện ở nước ta, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh với thước đo là sự hài lòng của doanh nghiệp, đã phần nào tạo “cảm hứng” cải cách ở các địa phương.
 
Đến từ địa phương đứng đầu về PCI năm 2013, ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế TP Đà Nẵng cho rằng, việc nỗ lực nâng cao chỉ số  PCI là quá trình đòi hỏi thời gian dài và cần có sự quan tâm thường xuyên. Để đạt được thứ hạng cao đã khó, việc duy trì sẽ khó hơn, ngay cả địa phương có chỉ số PCI rất cao cũng chịu các bước “thăng trầm” về chỉ số PCI qua các năm. Đà Nẵng cũng đã trải qua việc này.
 
Còn ông Vũ Duy Khiên, Giám đốc Trung tâm Khuyến công- Sở Công Thương kiêm Thường trực Tổ công tác PCI tỉnh Bình Phước cho rằng: Nguyên nhân nhiều địa phương xếp hạng PCI kém là việc thực thi các văn bản chỉ đạo chưa được đồng bộ, trình độ nhận thức cán bộ công chức hạn chế, rà soát các thủ tục hành chính chưa tốt, tồn tại nhiều giấy phép con. Có trường hợp khi báo cáo lãnh đạo tỉnh, mỗi đơn vị (sở, ngành) đều có kết quả thực hiện tốt, giải quyết xong một thủ tục hết khoảng 5,6 ngày. Tuy nhiên, tại chính các địa phương đó, do thiếu sự phối hợp, việc thực hiện liên thông chưa tốt khiến DN vẫn mất nhiều thời gian. Nhiều DN vẫn than phiền (ví dụ một DN kinh doanh xăng dầu xin phép mà có tới hơn chục giấy phép con, thời gian tới 3 tháng…).
 
Vấn đề ở không ít địa phương mà các DN nêu ra là muốn giải quyết vướng mắc “phải qua rất nhiều cầu”, nếu không có “quan hệ” hoặc chi phí không chính thức thì các vấn đề rất khó được giải quyết, hoặc nếu có thì rất chậm... 
 
Tuy nhiên, từ phía DN, ông Nguyễn Diễn, Giám đốc VCCI Đà Nẵng cho rằng: Thực tế có những quy định sửa đổi đã thông thoáng, đơn giản hơn, nhưng nhiều DN còn hành động theo “quán tính”, thiếu hiểu biết về luật pháp khiến chính DN bị lợi dụng và tốn kém những chi phí không đáng có.
 
Tăng cường đối thoại, tạo áp lực cải cách
 
Chia sẻ kinh nghiệm địa phương, ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ cho biết tại Đồng Tháp mô hình “Cà phê doanh nhân” rất phát triển. Thực chất, đây là các buổi đối thoại định kỳ (không phải là một buổi hội thảo chính thức) nhằm tạo ra không gian thân thiện. Ở đó, các DN có thể thoải mái trao đổi những khúc mắc để lãnh đạo địa phương và các cơ quan chức năng trực tiếp giải quyết.
 
Còn ông Vũ Duy Khiên (Bình Phước) lại nhấn mạnh điểm quyết định nhất là nhận thức của lãnh đạo địa phương trong việc xác định tầm quan trọng để cải thiện các chỉ số thành phần “nhạy cảm” như: Chỉ số tiếp cận đất đai, chỉ số gia nhập thị trường, chi phí không chính thức (vì gia nhập thị trường liên quan thủ tục hành chính, kiểm soát chi phí không thức là chính là kiểm soát tham nhũng). 
 
Do đó, kinh nghiệm của Tổ công tác PCI Bình Phước (do Phó Chủ tịch UBND tỉnh đứng đầu) là kiểm tra PCI kết hợp với kiểm tra thực hiện cải cách TTHC và phòng chống tham nhũng; chú trọng kiểm tra bộ phận một cửa; thực hiện liên thông các thủ tục liên quan đến đất đai, xây dựng, các giấy đủ điều kiện đăng ký kinh doanh (giấy phép con)… cũng như chú trọng kiến nghị của đại diện hiệp hội, DN.
 
Ông Nguyễn Phương Bắc, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Ninh, một địa phương nhiều nhiều năm ở trong nhóm “Rất tốt” về PCI cho biết: Năm 2013, tỉnh này đã xây dựng cơ chế giải quyết vướng mắc của DN thông qua ban hành Quy định về trách nhiệm của người đứng đầu trong giải quyết kiến nghị của các tổ chức kinh tế. 
 
Quy định nêu rõ chế độ trách nhiệm và các hình thức khen thưởng, xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước trên địa bàn trong việc thực hiện nhiệm vụ giải quyết phản ánh, kiến nghị của tổ chức kinh tế và các hoạt động hỗ trợ tổ chức kinh tế trên địa bàn; quy định rõ thời hạn trả lời kiến nghị DN (ví dụ, thời hạn 5, 10 ngày, nhiều nhất là 15 ngày kể từ ngày nhận được kiến nghị), đồng thời, nêu rõ quy định xử lý người đứng đầu như phê bình, khiển trách, cảnh cáo nếu gâu khó dễ cho DN...
 
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI khẳng định điều quan trọng nhất của chỉ số PCI là tạo ra động lực và áp lực để lãnh đạo các cơ quan chức năng địa phương phải cải cách, tự nâng cao chất lượng điều hành của mình. Việc đánh giá qua chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI không phải để tạo ra cuộc “chạy đua” giữa các địa phương coi tính PCI xếp hạng cao nhằm lấy thành tích.
 
Tại Hội thảo, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh việc chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn ở những địa phương là cách thức nhanh nhất thúc đẩy cải cách. Thực tế, ngay cả những địa phương đứng đầu cũng chỉ có điểm số ở mức 6,6/10 điểm (địa phương trung bình 5-6 điểm, yếu kém là khoảng 4,5 điểm) cho thấy dư địa cải cách vẫn còn rất lớn. Điều này cũng cho thấy còn rất nhiều việc phải làm để các địa phương, từ cấp xã, huyện, tỉnh nỗ lực cải cách, từ đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Nguồn: Chinhphu.vn

Các tin khác