Kinh tế xã hội

Đồng bộ các phương án phòng chống lụt, bão

14:38, 28/08/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Năm 2013, tình hình thời tiết, khí hậu diễn biến phức tạp, bão lũ với tần suất lớn ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Mùa mưa bão năm 2014 đã đến gần, cùng với công tác dự báo tình hình, chủ động mọi tình huống, nhất là tập trung việc đầu tư, nâng cấp các công trình hồ, đập thì công tác đảm bảo thông tin liên lạc, giao thông thông suốt, an toàn được các cấp, ngành chú trọng triển khai.
 
Theo báo cáo của Ban chỉ huy PCLB&TKCN Trung ương, từ năm 2006 - 2013, trước những diễn biến bất thường của thời tiết gây ra lũ, sạt lở, nhất là các tỉnh nằm trong khu vực miền núi phía Bắc đến các tỉnh miền Trung, BCĐ Trung ương đã bố trí ổn định cho khoảng 71.413 hộ có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, trong đó, 26.590 hộ của các tỉnh miền núi phía Bắc đến Nghệ An. Tại Nghệ An, tính đến năm 2014, có 1.290 điểm trượt lở, 268 điểm xói lở bờ sông, 55 điểm lũ quét, lũ ống. Các địa phương nguy cơ gây sạt lở, lũ quét cao gồm các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Đô Lương, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Thanh Chương. Trong đó, tiềm ẩn những yếu tố bất ngờ trong lũ lụt chủ yếu ở các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong. Tuy nhiên, nhờ thực hiện tốt công tác chỉ đạo và ứng phó với các đợt thiên tai, bão lũ, thực hiện nghiêm túc các công điện của Trung ương và tỉnh cũng như sẵn sàng phương án ứng phó với phương châm "4 tại chỗ" nên các ngành GTVT, Viễn thông, Điện lực, Bưu điện đã giảm thiểu được nhiều thiệt hại vì thiên tai, bão lũ.
 
Công nhân Công ty Cây xanh TP Vinh chặt tỉa cây xanh  trước mùa mưa bão
Công nhân Công ty Cây xanh TP Vinh chặt tỉa cây xanh trước mùa mưa bão
 
Trước tình hình trên, tỉnh đã có các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn vùng sạt lở, lũ quét, trong đó đề nghị cấp trên hỗ trợ vốn thực hiện các dự án di dời vùng dễ bị ảnh hưởng thiên tai, hỗ trợ thiết bị phòng chống thiên tai cộng đồng, đầu tư mạng lưới trạm khí tượng thủy văn, tăng cường nhân lực phục vụ việc theo dõi chương trình phòng chống lũ ống, lũ quét…
 
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là đẩy nhanh tiến độ thực hiện xây dựng các dự án, công trình ách yếu để hoàn thành kịp thời công trình hạ tầng kỹ thuật nhằm đảm bảo an toàn cho người dân trong mùa mưa lũ. Ngành GTVT đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền địa phương triển khai đồng bộ các phương án nhằm đảm bảo an toàn giao thông cho người dân và phương tiện đi lại trên tất cả các tuyến đường. Cùng với đó, tập trung ưu tiên nguồn vốn đầu tư duy tu, nâng cấp các đoạn đường thường xảy ra ngập lụt, sạt lở đất, các điểm đen về an toàn giao thông, tiến hành lắp đặt biển báo tại những tuyến đường quan trọng, nơi xung yếu, ách yếu. Mưa, bão diễn biến phức tạp với lượng mưa lớn kéo dài do hoàn lưu hình thành nên ngập lụt ở nhiều nơi gây thiệt hại nặng nề về cơ sở vật chất mạng lưới bưu chính, viễn thông, ảnh hưởng đến việc đảm bảo thông suốt thông tin liên lạc, thư tín, bưu kiện, nhất là trên 2 tuyến đường quan trọng QL7 và QL48.
 
Ngoài ra, để công tác bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp cũng như những sự cố lưới điện trong mùa mưa bão, ngành điện thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra, phát quang, chặt tỉa cây cao vi phạm khoảng cách an toàn đường dây. Bên cạnh đó, chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn, lực lượng Công an và chính quyền các địa phương, phương tiện thông tin đại chúng  tổ chức các đợt tuyên truyền, vận động bảo vệ lưới điện và nâng cao ý thức bảo vệ hành lang lưới điện cao áp.
 
Với tư tưởng phòng là chính, tích cực, chủ động ứng cứu nhanh, thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ", bằng mọi biện pháp hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân trong mùa mưa bão là mục tiêu đặt ra cao nhất cho các cấp, ngành, cả hệ thống chính trị và chính người dân.
 

Xuân Thống

Các tin khác