Kinh tế xã hội

Dự thảo Nghị định xăng dầu: Phát huy quyền tự chủ của DN

09:52, 31/08/2014 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Bộ Công Thương vừa chính thức trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu. Trong đó, sự thay đổi căn bản là biên độ điều chỉnh giá và cách áp giá nhằm phát huy quyền tự chủ của DN trong hoạt động kinh doanh.
 
Để hiểu rõ hơn về những thay đổi trong Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 84/2009/NĐ-CP (Nghị định 84) về kinh doanh xăng dầu, phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú về vấn đề này.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú - Ảnh: VGP/Thùy Trang
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú - Ảnh: VGP/Thùy Trang
 
Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 84 được Bộ xây dựng có điểm mới đáng chú ý là tạo môi trường kinh doanh xăng dầu ngày càng cạnh tranh và có tính công khai hơn. Ông có thể nói rõ hơn về các điểm mới này?
 
 
Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú: Dự thảo Nghị định thay thế có nhiều điểm mới. Đầu tiên có thể nói đến việc điều hành giá xăng dầu, Dự thảo quy định tần suất điều chỉnh giá là 15 ngày/lần thay vì 10 ngày/lần như Nghị định 84; giá cơ sở được tính toán trên cơ sở bình quân giá thế giới 15 ngày thay vì bình quân giá thế giới 30 ngày như cách tính cũ. Điều này nhằm tăng cường tính cạnh tranh giá giữa các thương nhân, đồng thời bảo đảm giá bán lẻ trong nước bám sát giá thế giới. 
 
Về biên độ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu, theo Dự thảo Nghị định, khi giá cơ sở tăng dưới 3% DN được tự điều chỉnh giá; tăng từ 3-7% DN được sử dụng Quỹ bình ổn và được tăng hoặc giảm giá bán lẻ; tăng từ 7% trở lên sẽ do Chính phủ quyết định thay vì các biên độ từ 7% trở xuống, trên 7-12%, trên 12% như Nghị định 84. 
 
Đồng thời, Dự thảo Nghị định cũng cho phép thương nhân thực hiện giảm giá bán lẻ ngay khi giá cơ sở giảm, không hạn chế mức giảm, khoảng thời gian giữa 2 lần giảm và số lần giảm. 
 
Nếu như vẫn áp dụng biên độ điều chỉnh giá quy định tại Nghị định 84 quy về con số tuyệt đối sẽ rất lớn, ví dụ, giá bán lẻ xăng RON 92 hiện nay là 23.746 đồng/lít, ứng với mức 7% là xấp xỉ 1.700 đồng/lít, với mức 12% là khoảng trên 2.800 đồng/lít… Nếu thực hiện điều chỉnh giá bán lẻ theo các biên độ này, mức điều chỉnh sẽ gây “sốc” cho nền kinh tế và tâm lý người tiêu dùng. Nhưng nếu áp dụng biên độ quy định tại Dự thảo Nghị định là 3%, tương ứng khoảng trên 700 đồng/lít sẽ ít tác động tới tâm lý người tiêu dùng hơn. 
 
Về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (quỹ BOG) tại Nghị định 84 chưa quy định rõ ràng nguyên tắc, trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp bình ổn giá dẫn đến hiện tượng lạm dụng Quỹ BOG trong công tác điều hành. 
 
Để khắc phục tình trạng này, Dự thảo Nghị định đã quy định rõ nguyên tắc trích lập, sử dụng và quản lý Quỹ BOG được thực hiện khi giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ hiện hành hoặc việc tăng giá ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội và đời sống nhân dân. Đồng thời, Dự thảo Nghị định cũng quy định Chính phủ mới được quyền quyết định bình ổn giá xăng dầu trong nước và giao cho liên Bộ Công Thương-Tài chính chủ trì, phối hợp triển khai thực hiện các biện pháp bình ổn giá trong thời hạn áp dụng biện pháp bình ổn giá. 
 
Bên cạnh đó, nhằm tăng tính cạnh tranh trên thị trường xăng dầu, bên cạnh việc kinh doanh theo phương thức tổng đại lý, đại lý hiện đang quy định tại Nghị định 84, Dự thảo Nghị định bổ sung thêm 2 phương thức phân phối xăng dầu mới là: Phương thức mua đứt bán đoạn và nhượng quyền thương mại.  
 
Theo đó, đưa ra thêm đối tượng là thương nhân phân phối xăng dầu được mua xăng dầu từ nhiều thương nhân đầu mối và đối tượng là thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu hoạt động theo pháp luật về nhượng quyền thương mại. 
 
Thương nhân phân phối xăng dầu được mua xăng dầu từ nhiều thương nhân đầu mối, được quyền quy định giá bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của mình theo nguyên tắc, trình tự như thương nhân đầu mối nhưng phải tự xây dựng thương hiệu riêng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về số lượng, giá cả, chất lượng xăng dầu cũng như những đại lý thuộc hệ thống phân phối của mình. Đặc biệt,  họ phải có phòng thử nghiệm (thuộc sở hữu hoặc đồng sở hữu hoặc theo hợp đồng thuê dịch vụ với cơ quan Nhà nước) đủ năng lực kiểm tra, thử nghiệm các chỉ tiêu chất lượng xăng dầu.  
 
Thương nhân nhận quyền bán lẻ được kinh doanh bán lẻ xăng dầu bằng phương thức nhượng quyền thương mại: Nhận quyền từ thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu để bán lẻ xăng dầu tại các cửa hàng sở hữu, đồng sở hữu. 
 
Có ý kiến cho rằng việc DN  được phép tăng giá tối thiểu 10 ngày 1 lần và chu kỳ tính giá là bình quân 30 ngày sẽ được rút xuống 15 ngày trong điều kiện giá thế giới tiếp tục tăng cao thì giá xăng có thể được điều chỉnh tăng 3 lần trong một tháng như trong Dự thảo vẫn là nghiêng theo hướng cho DN, mặc dù biên độ 3% tuy là hẹp nhưng cũng không nên để DN tự tăng giá. Ý kiến ông về vấn đề này thế nào?
 
Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú: Quy định tại Dự thảo Nghị định cho phép DN chủ động điều chỉnh tăng giá bán lẻ trong biên độ từ 3% trở xuống không có nghĩa là DN được tăng giá tùy ý. DN tăng giá phải tuân thủ đúng trình tự, thủ tục, biên độ mà Nhà nước quy định, không được điều chỉnh cao hơn mức giá cơ sở mà Nhà nước công bố… Như vậy, việc điều chỉnh giá của DN vẫn được Nhà nước quản lý, giám sát chặt chẽ qua công tác hậu kiểm. DN điều chỉnh giá sai quy định sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. 
 
Việc tăng cường công khai, minh bạch trong điều hành xăng dầu có được quy định trong Dự thảo Nghị định này không, thưa ông?
 
Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú: Nghị định 84 chưa quy định chế độ công khai, minh bạch thông tin về giá cơ sở, sử dụng Quỹ Bình ổn giá, báo cáo tài chính của doanh nghiệp… dẫn đến việc người dân khó nắm bắt được thông tin về điều hành giá và  ít đồng thuận với việc điều hành giá. Để khắc phục tình trạng này, Dự thảo Nghị định quy định riêng Điều 39 về công khai, minh bạch trong điều hành giá và kinh doanh xăng dầu.  
 
Theo đó, quy định liên Bộ Công Thương-Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp điều hành giá công khai, minh bạch, đúng quy định. Bộ Công Thương có trách nhiệm công bố thông tin về giá thế giới, giá cơ sở, giá bán lẻ xăng dầu hiện hành, số trích lập, sử dụng và số dư Quỹ Bình ổn giá xăng dầu theo hằng quý… Bộ Tài chính có trách nhiệm giám sát việc điều hành giá xăng dầu, giám sát mức trích lập, mức sử dụng Quỹ Bình ổn giá của doanh nghiệp. Doanh nghiệp chịu trách nhiệm công bố thông tin về giá bán lẻ hiện hành, số trích lập, sử dụng, số dư Quỹ Bình ổn giá của doanh nghiệp, công bố báo cáo tài chính trong năm tài chính của doanh nghiệp khi đã được kiểm toán. 
 
Thưa ông, tới đây khi Nghị định mới được ban hành sẽ tập trung giải quyết được những vấn đề gì?
 
Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú: Theo tôi, khi Nghị định thay thế Nghị định 84 được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành sẽ đưa hoạt động kinh doanh xăng dầu tiếp tục vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước và phát huy quyền tự chủ kinh doanh của DN theo quy định của pháp luật.  
 
Đồng thời, giá xăng dầu trong nước sẽ phản ánh kịp thời diễn biến giá xăng dầu thế giới; tần suất, biên độ điều chỉnh giá xăng dầu phù hợp với sự phát triển kinh tế-xã hội, tâm lý người tiêu dùng.  
 
Bên cạnh đó, khi Dự thảo Nghị định được thông qua sẽ góp phần tăng cường tính cạnh tranh, công khai, minh bạch trong kinh doanh xăng dầu; quản lý chặt chẽ hệ thống phân phối xăng dầu, bảo đảm cung ứng xăng dầu trong hệ thống, bảo đảm chất lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường. 
 
Việc khuyến khích phát triển nhiên liệu sinh học nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu có nguồn gốc hóa thạch, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường cũng là điều Dự thảo Nghị định hướng tới.
 
Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Nguồn: Chinhphu.vn

Các tin khác