Kinh tế xã hội
Cảnh giác với thủ đoạn 'tiếp thị lừa'
09:06, 01/09/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Theo phản ánh, thời gian gần đây, trên địa bàn TP Vinh xuất hiện một số đối tượng dùng thủ đoạn tinh vi nhằm lừa đảo người dân bằng việc tiếp thị các sản phẩm như máy lọc nước, thuốc lọc nước... Những chiêu lừa đảo rất kín kẽ, có trình tự hợp lý và đặc biệt có sự phối hợp nhuần nhuyễn của một đường dây lừa đảo chuyên nghiệp.
Thủ đoạn đánh vào tâm lý “nhẹ dạ cả tin” của người dân
Bà Nguyễn Thị H., chủ một ki-ốt bán báo, tạp chí, văn phòng phẩm ở đầu đường Lê Hồng Phong kể lại: “Vào khoảng gần trưa ngày 26/8, có 2 người, 1 đàn ông trạc 35 - 40 tuổi và 1 phụ nữ tầm hơn 30 tuổi (đậm người), nói giọng Bắc tự xưng là nhân viên Công ty máy lọc nước Kangaroo, đến để xin cho dán bảng quảng cáo giá các sản phẩm của công ty. Nếu tôi đồng ý thì sẽ nhận được 3.000.000 đồng/tháng và họ hứa trả hết trong 1 năm. Sau khi trò chuyện, 2 người xin được dán báo giá các sản phẩm để khách đến mua báo thấy, nếu ai có nhu cầu thì giới thiệu và nếu bán được sản phẩm sẽ được trả số tiền bằng 20% giá trị sản phẩm bán được.
Bảng báo giá mà đối tượng lừa đảo cung cấp cho bà H. |
Ngày hôm sau (27/8), có 1 phụ nữ tự xưng là Lan, nhân viên y tế (35 - 40 tuổi, cao trên 1m60, da trắng) đến xem và mua báo. Nhìn thấy bảng báo giá, Lan nói rằng nhà mới mua 1 máy lọc nước nhưng đắt hơn so với bảng báo giá và nhờ bà H. gọi cho giám đốc hãng bán để đặt hàng. Tiếp đến, Lan cho bà H. số điện thoại, địa chỉ nhà và đặt hàng máy lọc nước giá 5.800.000 đồng. Lan còn nhờ bà H. mua giúp 10 gói thuốc lọc nước với giá 20.000 đồng/gói.
Ngay sau đó, bà H. gọi cho giám đốc theo số điện thoại được ghi ở bảng báo giá với tên Tư vấn khách hàng Hotline (được hướng dẫn bởi 2 người tự xưng là nhân viên Công ty máy lọc nước Kangaroo) và nhận được câu trả lời là sẽ đưa hàng vào cuối giờ trưa mai, vì hôm đó công ty tổ chức 15 năm thành lập ở huyện Diễn Châu. Anh ta còn mời bà H. tới tham dự và nói rằng sẽ được nhận một máy điện thoại Iphone trị giá 14.000.000 đồng.
Ngày hôm sau, 2 người tự xưng nhân viên trên lại tiếp tục đến, “đề nghị” bà làm đại lý bán hàng cho Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng công nghệ và môi trường (tên như trong bảng báo giá, có dấu và tên giám đốc là Nguyễn Văn Năm). Trên gói lọc nước có ghi giá 25.000 đồng nhưng để lấy lòng tin của bà H., họ báo giá bán buôn cho bà chỉ 20.000 đồng. Hôm đó, “tình cờ” chị Lan cũng gọi điện cho bà H. nhờ mua 500 gói thuốc lọc nước và hứa sẽ trả tiền sau vì đang bận đi đám tang.
Qua trao đổi với bà H., 2 nhân viên trên nói rằng phải mua trước 12 giờ trưa, vì nếu không họ sẽ đưa hàng đi Hà Tĩnh. Mặc dù bà H. đã đề xuất là chị Lan sẽ chuyển khoản cho công ty nhưng họ liên tiếp từ chối, nói rằng chỉ nhận tiền mặt và tìm mọi cách thuyết phục bà H. đưa họ về tận nhà lấy tiền hoặc vay mượn hàng xóm. Rất may khi về đến nhà, được con gái cảnh báo đó là chiêu trò lừa đảo nên bà H. đã không “sập bẫy”. Sau đó, bà gọi cho giám đốc nói rằng không có đủ tiền nên không thể mua sản phẩm thì giọng anh ta chùng xuống.
Sau khi ổn định tinh thần, bà H. gọi tới số chị Lan, khách hàng, 2 người tự xưng là nhân viên và giám đốc công ty máy lọc nước nhưng không lần nào liên lạc được.
Riêng 10 gói thuốc lọc nước mà chị Lan đặt mua được 2 nhân viên đưa đến vẫn còn nằm tại cửa hàng, mặc dù trước đó, chị Lan đã hẹn hôm sau sẽ đến lấy.
Mạo danh thương hiệu, địa chỉ và con dấu để lừa đảo
Theo nguồn tin xác thực, về vụ việc lừa đảo liên quan đến Kangaroo, ông Đặng Đức Dũng, Giám đốc Sáng tạo của Tập đoàn Kangaroo khẳng định, không có chuyện người của tập đoàn vì muốn tăng doanh số mà dùng thủ đoạn. Ông Dũng cho biết: “Thực tế, chúng tôi đã gặp nhiều trường hợp bán hàng giới thiệu là máy lọc nước của Kangaroo nhưng thực ra lại là của một hãng khác hay hàng Trung Quốc sản xuất để lừa khách. Rất có thể trong trường hợp này, các đối tượng lừa đảo đã lợi dụng uy tín của Kangaroo”. Ông Dũng cho hay, nếu người dân nào đã từng gặp phải, có thể liên hệ với Kangaroo để xác minh xem đó có đúng là sản phẩm của hãng hay không.
Về việc bán sản phẩm lọc nước với giá thấp, ông Đinh Văn Kiếm, Trưởng phòng Hành chính, Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng Công nghệ sinh học và Môi trường khẳng định: “Các đối tượng đã dùng địa chỉ, số điện thoại của chúng tôi in trên bảng báo giá giả để lừa đảo bán hàng. Công ty chỉ cho phép các cộng tác viên của công ty đi tuyên truyền và bán lẻ các sản phẩm của công ty sản xuất theo đúng báo giá có dấu đỏ. Các cộng tác viên không được phép đi đặt quảng cáo, hoặc mở đại lý ở bất cứ đâu và họ phải có thẻ cộng tác viên, có ảnh, số thẻ, số chứng minh nhân dân”.
Đại diện Công ty Công nghệ hóa sinh Việt Nam cho biết, trước tình trạng bán hàng giả danh gây tổn hại đến uy tín, công ty đã có đơn gửi cơ quan Cảnh sát điều tra làm rõ vụ việc để bảo vệ uy tín của công ty, đồng thời bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.
Hồng Hạnh