Kinh tế xã hội
Cửa hàng tiện ích: Ngoại lấn lướt, nội bẹp dí
15:50, 02/09/2014 (GMT+7)
Thiếu tư duy chiến lược, tầm nhìn trong ngắn và dài hạn và không có cơ quan tư vấn, phản biện... các cửa hàng tiện dụng trong nước “nép mình” trước các đối thủ ngoại. Thậm chí, có chuỗi cửa hàng đã phải đóng cửa.
Doanh nghiệp Việt yếu thế
Nằm ngay ngã tư một con phố lớn của Hà Nội, nhưng nếu chú ý quan sát, ít ai biết siêu thị mini này là thành viên của chuỗi cửa hàng tiện ích do một doanh nghiệp trong nước đầu tư. Nhìn bên ngoài, siêu thị mini này không có điểm gì nổi bật so với các cửa hàng tạp hoá thông thường. Có lẽ người ta chỉ nhận ra sự khác biệt nhờ dòng chữ trên biển hiệu bằng tiếng Anh "Mart" và máy tính tiền có in hoá đơn.
Vào bên trong, các sản phẩm được sắp xếp khác chật chội, người tiêu dùng không thể tự chọn đồ, thường yêu cầu để nhân viên bán hàng tìm giúp, chưa kể tới việc giá cả luôn cao hơn so với các tạp hóa. Thực sự, cửa hàng tiện ích này không hề tiện ích với người tiêu dùng.
Nhiều năm qua, chuỗi cửa hàng tiện ích vẫn loay hoay định hình thị trường, nhiều chuỗi đã thất bại nặng nề. Năm 2006, những cửa hàng tiện ích đầu tiên mang thương hiệu Việt là G7 Mart do Trung Nguyên đầu tư xuất hiện. Tham vọng của ông chủ Đặng Lê Nguyên Vũ là sẽ mở rộng hệ thống cửa hàng này lên con số 9.500, trên toàn quốc.
Mô hình bán lẻ trong nước còn thiếu kinh nghiệm và vốn |
Mục tiêu của G7 Mart là hỗ trợ mạnh mẽ chiến lược phát triển thương hiệu Việt và trở thành hệ thống phân phối nội mạnh, đủ sức làm đối trọng với các tập đoàn phân phối nước ngoài. Sau nhiều năm không đủ sức vận hành, các cửa hàng gắn biển G7 lần lượt đóng cửa và giờ chỉ còn trong ký ức của người tiêu dùng.
Một số doanh nghiệp bán lẻ trong nước đang nỗ lực giành lại thị phần trong lĩnh vực này. Năm 2008, từ cửa hàng thực phẩm an toàn tiện lợi đầu tiên Co.op Food, đến nay, Saigon Co.op đã có hơn 60 cửa hàng trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh lân cận.
Chuỗi cửa hàng của Satrafood cũng lên tới con số 42, trong đó khoảng 80% mặt hàng là thực phẩm chế biến, thực phẩm đông lạnh, rau củ quả và hải sản tươi sống; 20% còn lại là các mặt hàng hóa mỹ phẩm, hàng tiêu dùng.
Theo đánh giá của các chuyên gia, các cửa hàng tiện lợi trong nước kém hơn hẳn về số lượng hàng hóa, giá cả cũng như phương thức kinh doanh, chưa thực sự tìm ra lối đi cho riêng mình, vẫn đang loay hoay giữa các mô hình bán lẻ tạp hóa, cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini.
Ngoại đổ bộ
Trong khi đó, mật độ các cửa hàng tiện lợi nước ngoài mở tại khu vực trung tâm TP.HCM ngày càng dày đặc. Các tập đoàn nước ngoài thường có tiềm lực lớn, mở rộng nhanh và ồ ạt, chiếm nhiều vị trí tốt. Nhiều cửa hàng tiện lợi còn hoạt động 24/24 giờ, đây là điều mà đơn vị trong nước chưa thực hiện được.
Thành lập từ giữa năm 2005, chuỗi cửa hàng Shop & Go đến từ Singapore đã mọc lên nhanh chóng và trở thành chuỗi cửa hàng tiện lợi đứng đầu về quy mô với 111 cửa hàng tính đến tháng 8/2014. Theo kế hoạch, công ty này sẽ tiếp tục mở rộng hệ thống cửa hàng tiện lợi trên phạm vi toàn quốc.
Chuỗi cửa hàng tiện lợi nở rộ ở TP.HCM |
Khai trương cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam vào tháng 12/2008, đến nay, Circle K (công ty của Mỹ) đã có hơn 70 cửa hàng tại TP.HCM. Không thua kém Shop & Go, mục tiêu của Circle K là trở thành chuỗi cửa hàng tiện lợi được ưa chuộng nhất tại Việt Nam. Hiện nay, Circle K đã có hơn 6.000 cửa hàng trên toàn nước Mỹ và hơn 14.000 địa điểm trên thế giới
Một thương hiệu khác từ Nhật Bản là FamilyMart cũng đang có hơn 50 cửa hàng tại TP.HCM. FamilyMart đang mở rộng mô hình kinh doanh, đặc biệt là ở thị trường các nước châu Á với chủ trương trở thành chuỗi cửa hàng tiện lợi số một tại châu lục này.
Hệ thống Big C với thương hiệu Big C Express cũng liên tục mở cửa hàng trong thời gian gần đây.
Theo ông Trần Nguyên Năm - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), số cửa hàng tiện lợi vận hành theo chuỗi đúng nghĩa và có thương hiệu ở Việt Nam mới chỉ tính hàng trăm. Hệ thống phân phối trong nước thành chuỗi chưa đủ sức làm nòng cốt cho thị trường. Thị trường bán lẻ vẫn bị chi phối bởi các kênh truyền thống, như chợ và hơn 1 triệu cửa hàng quy mô nhỏ hộ gia đình. Thị trường bán lẻ hiện đại ở Việt Nam chỉ ở mức trên dưới 20%, thấp hơn so với các nước trong khu vực.
Ông Phạm Đình Đoàn, Tập đoàn Phú Thái cho rằng, với số vốn khoảng 10 tỷ đồng thì không thể đầu tư được hệ thống cửa hàng tiện ích. Lấy dẫn chứng từ hệ thống của Phú Thái, số vốn tối thiểu cho mỗi cửa hàng cũng phải lên tới 80.000 USD, với hệ thống như vậy 300 cửa hàng đầu tiên là không có lãi, chính vì thế phải cần nguồn vốn là 30 triệu USD. Thất bại của nhiều doanh nghiệp nhỏ do thiếu tư duy chiến lược, tầm nhìn trong ngắn và dài hạn và không có cơ quan tư vấn, phản biện.
"Cửa hàng tiện lợi phải thành chuỗi, quy mô đủ lớn, chính vì thế cần phải cân nhắc kỹ lưỡng, không có đầu tư xong lỗi vài chục tỷ thành ra mệt mỏi", ông Đoàn đưa ra lời khuyên.
Theo các chuyên gia, con số khoảng 1.000 cửa hàng tiện lợi và siêu thị nhỏ trên cả nước hiện nay còn quá nhỏ so với kênh bán lẻ truyền thống khoảng 300.000 cửa hàng tạp hoá và hơn 2.000 chợ trải khắp các tỉnh thành. Mảnh đất cửa hàng tiện lợi hiện nay khá màu mỡ, nếu các nhà đầu tư trong nước không nhanh chân, thị phần này sẽ lại thuộc về tay nước ngoài như siêu thị, trung tâm thương mại đã gặp phải.
Nguồn: vef.vn