(Congannghean.vn)-Đã hơn 5 năm nay, tuyến đường sắt Cầu Giát - Nghĩa Đàn đã ngừng hoạt động do nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa không còn. Thế nhưng mỗi năm, Nhà nước đang phải chi gần 10 tỉ đồng để bảo dưỡng và sửa chữa con đường cũng như trả lương cho hơn 30 công nhân.
Cách đây vài chục năm, khi tuyến đường 46 nối các huyện miền Tây với QL1A chưa được nâng cấp và phương tiện chưa phát triển như bây giờ, tuyến đường sắt Cầu Giát - Nghĩa Đàn là tuyến giao thông quan trọng phục vụ nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân, doanh nghiệp.
Trước đây, mỗi ngày có hai chuyến tàu đi qua tuyến đường này, nhưng cách đây 10 năm, chỉ còn tàu hàng chạy và 5 năm gần đây thì tất cả các chuyến tàu đã dừng lại. Được biết, tuyến đường này dài 32 km, điểm đầu là ga Cầu Giát, điểm cuối là trung tâm huyện Nghĩa Đàn.
Tuyến đường sắt Cầu Giát - Nghĩa Đàn đang bị bỏ hoang |
Toàn tuyến có 3 ga chia làm 4 cung. Nguyên nhân là do tuyến đường không được nâng cấp thường xuyên, tốc độ chạy chỉ đạt 15 km/h nên người dân dần chuyển sang các phương tiện khác có tốc độ nhanh hơn. Trước thực trạng tuyến đường không phát huy hiệu quả, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã quyết định dừng khai thác tuyến đường vào năm 2009.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Do không còn được sử dụng nên tuyến đường đã xuống cấp nghiêm trọng, cây cối, cỏ mọc um tùm, có những đoạn không còn nhìn thấy đường ray. Những thanh tà vẹt gỗ bị mối mọt ăn hoặc mục nát do phơi mưa nắng, đường ray, ghi hoen gỉ nên rất khó đảm bảo tàu có thể hoạt động trên tuyến đường này. Một điều ngạc nhiên nữa là các điểm chắn tàu vẫn được duy trì, chốt gác vẫn có người túc trực, barie vẫn sẵn sàng dù chẳng để làm gì. Những chốt này được nhân viên biến thành nơi ăn ở, sinh hoạt như của gia đình.
Tuy không được đưa vào sử dụng nhưng Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam vẫn không từ bỏ tuyến đường và chỉ đạo Công ty TNHH MTV QLĐS Nghệ - Tĩnh thường xuyên duy tu, bảo dưỡng để đảm bảo tuyến đường có thể phục vụ tàu chạy với tốc độ 15 km/h. Thực hiện nhiệm vụ cấp trên giao, công ty vẫn thường xuyên duy tu, bảo dưỡng và “nuôi” trên 30 công nhân để phục vụ tuyến đường.
Theo thống kê thì tổng kinh phí duy tu, sửa chữa tuyến đường năm 2013 là hơn 7,4 tỉ đồng, năm 2012 là 6,2 tỉ đồng, chưa kể tiền lương cho hơn 30 cán bộ, nhân viên. Hiện nay, công ty cũng đã khảo sát và tiến hành sửa chữa một số đoạn đường bị hư hỏng, dự kiến chi phí có thể lên tới gần 10 tỉ đồng.
Hiện nay, các trạm cân lưu động được đặt rải rác khắp các tuyến quốc lộ quan trọng để xử lý nghiêm những trường hợp quá khổ, quá tải nên cước vận tải đang tăng cao. Miền Tây Nghệ An có lợi thế về khoáng sản, lâm sản, nông sản nên chắc chắn doanh nghiệp, người dân sẽ có nhu cầu vận tải hàng hóa bằng đường sắt nếu giá cả và thời gian vận chuyển hợp lý. Ngành Đường sắt Nghệ An cần sớm có giải pháp để khai thác tuyến đường này, tránh lãng phí ngân sách Nhà nước.