Theo ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng: Thị trường bán buôn cạnh tranh đến 2017 mới triển khai là chậm, nên lồng ghép làm song song với phát điện cạnh tranh, có thể đến 2015 là thực hiện thị trường bán buôn. Thị trường bán lẻ cạnh tranh cũng không kéo mãi đến 2023, mà năm 2017, 2018 cho vận hành, vừa rút được kinh nghiệm vừa rút ngắn được thời gian. Bởi cái đích cuối cùng của chúng ta là thị trường bán lẻ cạnh tranh, là cấp độ thể hiện sự minh bạch, công bằng, có lợi cho người dân, để đến sau 2023 là lâu quá, mà không có cớ gì phải kéo dài đến thế cả.
Ông Trần Viết Ngãi |
PV: Thưa ông, Bộ Công thương đã nhiều lần đề cập đến và hiện người dân cũng kỳ vọng rất nhiều vào thị trường điện cạnh tranh sẽ tăng minh bạch cho ngành điện. Tuy nhiên, ông có thấy rằng lộ trình đưa ra là quá chậm hay không khi sau 2023 chúng ta mới có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh?
Ông Trần Viết Ngãi: Thị trường phát điện cạnh tranh thì triển khai tương đối tốt. Cách đây 2 năm chúng ta mới thí điểm, số lượng nhà máy tham gia ít, nhưng tới giờ đã tăng khoảng trên 30% nhà máy tham gia. Thứ 2 nữa là ngành điện cũng tranh thủ tối đa các nguồn phát để đảm bảo đủ điện cho hệ thống, chính vì lẽ đó năm nay không thiếu điện mà miền Bắc còn có điện dự phòng khoảng mươi, mười lăm phần trăm, đảm bảo sẽ đưa điện vào nếu như miền Nam thiếu. Trong hai năm vận hành thị trường điện cạnh tranh, như vậy cũng là một tiến bộ. Tuy nhiên, triển khai nhìn chung còn chậm. Chúng tôi đang đề nghị với Chính phủ và ngành điện là mở rộng cho các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ trên 20, 30 MW tham gia, như vậy lượng các nhà máy tham gia sẽ tăng lên.
Mặt khác, chúng tôi cho rằng thị trường bán buôn cạnh tranh đến 2017 mới triển khai là chậm, nên lồng ghép làm song song với phát điện cạnh tranh, có thể đến 2015 là thực hiện thị trường bán buôn. Thị trường bán lẻ cạnh tranh cũng không kéo mãi đến 2023, mà năm 2017, 2018 cho vận hành, vừa rút được kinh nghiệm vừa rút ngắn được thời gian. Bởi cái đích cuối cùng của chúng ta là thị trường bán lẻ cạnh tranh, là cấp độ thể hiện sự minh bạch, công bằng, có lợi cho người dân, để đến sau 2023 là lâu quá, mà không có cớ gì phải kéo dài đến thế cả.
PV: Ông có cho rằng việc EVN đang tiến tới độc quyền lưới điện phân phối có ảnh hưởng gì đến việc triển khai thị trường điện cạnh tranh hay không?
Ông Trần Viết Ngãi: Theo tôi không ảnh hưởng gì cả, vì sau này triển khai sẽ tái cơ cấu, tách khâu phát điện, truyền tải, phân phối ra khỏi EVN. Nhìn khách quan, xét về vận hành, EVN hiện đang làm tốt cả phát điện, truyền tải, phân phối, chỉ khác nhau là về tính minh bạch, giá điện, chỉ số công tơ đo đếm rồi tiết kiệm điện thôi. Sang tháng 8 này chúng tôi sẽ làm một hội thảo lớn về tiết kiệm năng lượng và cũng có phản biện lên Đảng, Nhà nước, Chính phủ về Tổng sơ đồ VII.
PV: Vậy hiện Tổng sơ đồ điện VII có những hạn chế gì?
Ông Trần Viết Ngãi: Hiện UNDP có ý kiến phản đối vì chúng ta đưa tỷ trọng quá nhiều nhà máy nhiệt điện than. Ô nhiễm là một phần, cái chính là không có than và chúng ta phải đầu tư rất nhiều hạ tầng cơ sở, như xây cảng chẳng hạn… Mặc dù trữ lượng than Quảng Ninh còn nhiều, nhưng khai thác, đầu tư xây dựng cơ bản để mở thêm lò là làm rất chậm, trong suốt 7, 8 năm vừa qua mới làm được mỏ Khe Chàm 3 với công suất 2 triệu tấn/năm. Muốn mở thêm vài chục mỏ nữa anh phải có trên chục tỷ USD, trong khi than bây giờ bán là lỗ, ngành than không có tiền đầu tư. Thủy điện coi như cũng đã khai thác hết… Từ nay đến năm 2020, theo Tổng sơ đồ VII phải đạt được 330 tỷ - 360 tỷ kWh điện, tức là gấp 3 lần bây giờ. Nếu không làm được là thiếu điện, trong khi chỉ còn mấy năm nữa, chúng ta sẽ phải xử lý ra sao. Tuần sau chúng tôi sẽ triệu tập hội đồng khoa học để phản biện sâu hơn, kỹ hơn về tổng sơ đồ này và đưa ra các phương án thay thế.
Giá điện có tác động trực tiếp tới chỉ số giá tiêu dùng |
PV: Nếu dựa vào nhiệt điện than quá nhiều là một lựa chọn chưa hợp lý, vậy trong tương lai, Việt Nam nên lựa chọn nguồn điện nào thay thế?
Ông Trần Viết Ngãi: Theo tôi là đẩy mạnh năng lượng tái tạo, năng lượng gió lên. Gió là một tiềm năng rất lớn của Việt Nam, mặc dù chỉ vận hành được khoảng 50 – 60% thời gian. Nếu có một nguồn điện gió khoảng hàng chục nghìn MW chẳng hạn thì sẽ gánh đỡ cho than rất nhiều, chỉ phải phát điện than vào mùa không có gió.
PV: Tuy nhiên có trở ngại là hiện giá điện gió rất cao.
Ông Trần Viết Ngãi: Giá cao thì hiện thế giới cũng phải chịu thôi, nhiều nước còn phải bù giá cho điện gió nữa. Tuy nhiên, giá cao là do suất đầu tư, do thiết bị. Bấy lâu nay Tuy Phong (Bình Thuận), Phú Quý chẳng hạn, đã sản xuất ra điện gió rồi, nhưng anh nhập toàn bộ thiết bị của nước ngoài, thuê chuyên gia nước ngoài, thuê cả công nhân vận hành nước ngoài chứ chưa tự làm được. Chúng ta có thể hạ suất đầu tư bằng cách cái trụ đỡ tua – bin mình chế tạo trong nước. Dù nó có cao 50 - 70 m đi nữa thì hiện cột điện, cột ăng ten truyền hình chúng ta làm được hết cơ mà, cớ gì cái cột đó không làm được. Thứ nữa anh sản xuất cái cánh quạt, chỉ mua cái tua bin thôi... giá sẽ giảm ngay, sẽ không còn là mười mấy cent như bây giờ nữa. Quan trọng là chúng ta phải mở ra một đột phá, một cuộc cách mạng mới về tầm nhìn năng lượng. Các nước phát triển như Nhật, Đức, Pháp, Mỹ đều đi như vậy. Mà Việt Nam là vùng nhiệt đới, tiềm năng gió rất nhiều.
Thứ hai theo tôi là tăng thêm các tổ máy điện nguyên tử, không phải 2 tổ nữa mà 4 đến 6 tổ, đưa điện nguyên tử lên khoảng trên 10.000 MW. Chỉ có vấn đề là về công nghệ phải chặt chẽ, nếu không sự cố như của Fukushima (Nhật) hay Chernobyl (Nga) thì rất nguy hiểm. Thứ ba nữa là mua khí hóa lỏng (LNG), tạo ra khí để chạy các nhà máy điện khí. Hàn Quốc, Singapore cũng sử dụng rất nhiều điện này. Đây là mấy hướng cần phải nhìn tới chứ không phụ thuộc quá nhiều về nhiệt điện than. Tôi cho rằng về than chúng ta hơi viển vông. Bể than sông Hồng vạch ra mấy trăm tỷ tấn, nhưng giờ vẫn chưa biết nó nằm ở đâu, loại than gì. Thêm nữa công nghệ hóa than thành khí rồi đưa lên để chạy nhà máy điện là công nghệ cực khó, chỉ có Úc, Mỹ làm được thôi, mà phải có từng loại than, chứ không phải loại nào cũng hóa khí được. Hiện ngành điện nói riêng và năng lượng nói chung của chúng ta còn nhiều vấn đề, cần có tầm nhìn mới hoàn toàn.
PV: Thưa ông, hiện nay khu vực phía Bắc của chúng ta vẫn đang sử dụng một phần điện mua của Trung Quốc. Nhiều ý kiến lo lắng tình hình biển Đông có thể ảnh hưởng đến cấp điện. Theo ông, ngành điện có xử lý được nếu tình huống xấu xảy ra hay không?
Ông Trần Viết Ngãi: Hiện chúng ta mua của Trung Quốc chủ yếu cấp cho các tỉnh Đông - Tây Bắc, mua khoảng hơn 300 - 400 MW, nhưng năm nay đã giảm, còn khoảng trên 200 MW, là một con số rất nhỏ. Tôi cho rằng việc này cũng không ảnh hưởng, vì chúng ta mua của một doanh nghiệp bên đó, chứ không liên quan gì đến Chính phủ. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đề nghị EVN chỉ đạo các công ty điện lực địa phương tăng cường mua điện của các nhà máy thủy điện nhỏ không nối lưới quốc gia, để cấp điện cho các địa phương, qua đó giảm lượng điện mua Trung Quốc.
Còn một điều nữa, cực kỳ quan trọng là nhà nước cần cho ngành than vay vốn để xây dựng nhà máy nhiệt điện Na Dương 2. Nhà máy này dùng than mà không nơi đâu dùng được cả, có độ cháy rất cao, khai thác ra rồi mà anh không dùng nó cũng tự cháy trong không khí. Hiện tổ máy thứ nhất đang vận hành rất tốt. Lượng than này cũng rất lớn, có thể dùng 50 - 70 năm nữa. Đầu tư thêm vài nghìn tỷ đồng nữa xây dựng tổ máy thứ 2 sẽ giải quyết được mấy vấn đề: chủ động điện cho các tỉnh khu vực Đông - Tây Bắc, giảm được lượng điện mua Trung Quốc và tận dụng được lượng than rất tốt, giá rẻ.
PV: Vừa qua ngành điện có xảy ra sự cố tại trạm 500kV Hiệp Hòa (Bắc Giang), sử dụng thiết bị của Trung Quốc, cộng với thông tin một tỷ lệ rất lớn dự án điện là do nhà thầu Trung Quốc thực hiện. Đây có phải là một mối lo đối với ngành điện của chúng ta hay không?
Ông Trần Viết Ngãi: Việc xảy ra sự cố với máy biến áp 500kV cũng là điều bình thường. Máy này sản xuất tại Trung Quốc, nhưng công nghệ là của G7, chất lượng vẫn tốt. Còn về các dự án điện do Trung Quốc làm nhà thầu thì chỉ chiếm khoảng 20 - 25%. Hiện nhiề dự án cũng đang chọn nhà thầu khác, như Sông Hậu, Long Phú, Duyên Hải 3, Vĩnh Tân 4 cũng không phải Trung Quốc. Hiệp hội cũng đã kiến nghị là không nên cho nhà thầu Trung Quốc làm nữa. Chất lượng tôi chưa nói, nhưng nhà thầu Trung Quốc vào thường tự họ làm hết, không cho thầu phụ Việt Nam làm gì cả, kể cả cơ khí, thiết bị phi tiêu chuẩn… Công nhân họ làm cả phần xây phần lắp, đến quét rác, bảo vệ, nấu ăn. Trong khi đó các nước G7, châu Âu… thì chỉ đưa chuyên gia và công nghệ sang, còn tất cả phần lắp đặt, xây dựng, phần cơ khí là nhà thầu trong nước làm, tận dụng được lực lượng kỹ sư, công nhân lành nghề của ta.
PV: Xin trao đổi với ông một câu cuối cùng liên quan đến giá điện. Ông có nhận định gì về giá điện năm nay?
Ông Trần Viết Ngãi: Trước đây, EVN có quan điểm tăng giá điện để dành cho tái đầu tư, nhưng giờ nhìn đi nhìn lại thì không thể có đủ lợi nhuận để làm điều đó được. Việc đi vay là không tránh khỏi, lợi nhuận chỉ đủ để làm vốn đối ứng. Ví dụ vay 1 tỷ USD ưu đãi để đầu tư, thì đối ứng 20% - 30% cũng phải 200 - 300 triệu USD, tức 4.000 - 6.000 tỷ đồng rồi. Mà EVN phải đi vay hàng chục tỷ USD, đó là một gánh nặng rất lớn với EVN. Tôi cho rằng việc điều chỉnh biểu giá, mà thực chất khiến giá điện giảm vừa qua là một động thái tốt của EVN, cho thấy EVN không chỉ biết tăng giá điện. Theo quan điểm của chúng tôi, trong năm nay vẫn chưa tăng giá điện. EVN vẫn có khả năng cân đối được.
.