(Congannghean.vn)-Theo thống kê của Chi cục Quản lý đê điều, toàn tỉnh Nghệ An hiện có 479 km đê các loại; trên 60 km kè; 625 hồ đập có tên tuổi, phân cấp… Hệ thống, công trình phòng chống lụt bão tại Nghệ An lâu nay được đánh giá vừa thiếu, vừa yếu so với nhu cầu thực tế, chưa chú ý nhiều đến an toàn vùng hạ lưu. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất, ảnh hưởng đến công tác phòng chống lụt bão hiện nay chính là tình trạng lấn chiếm, xây dựng các công trình kiên cố, sản xuất… trên hành lang bảo vệ đê điều, hồ đập đang diễn ra khá phổ biến. Trong khi đó, chính quyền địa phương các cấp, các đơn vị quản lý tỏ ra bất lực, chưa tìm được biện pháp giải quyết dứt điểm thực trạng này.
“Điểm nóng” Đô Thành, sai một ly, đi vạn dặm
Thực trạng lấn chiếm hành lang bảo vệ lòng kênh Vách Bắc, đoạn đi qua xã Đô Thành (Yên Thành) đã diễn ra từ hàng chục năm nay. Tuy nhiên, chính quyền địa phương qua nhiều thế hệ đã bất lực trước thực trạng này. Trong khi đó, đơn vị trực tiếp quản lý kênh Vách Bắc là Công ty TNHH Một thành viên Thủy lợi Bắc Nghệ An lại giám sát lỏng lẻo để tình trạng này diễn ra ngày càng phổ biến. Từ một vài hộ dân ban đầu, đến nay, việc lấn chiếm đã diễn ra ồ ạt, gây hậu quả nghiêm trọng. Để giải quyết hậu quả này, các ngành từ xã đến tỉnh đã tổ chức nhiều đoàn công tác nhưng vẫn chưa tìm ra lời giải hợp tình hợp lý.
Thời điểm từ năm 1993 - 1995, UBND xã Đô Thành đã tổ chức bán 142 suất đất nằm dọc bờ kênh Vách Bắc, không thuộc vùng quy hoạch xây dựng khu dân cư. Phiếu thu tiền đất được ghi là làm đất ốt quán kinh doanh, số tiền bán đất trên theo thông tin từ UBND xã Đô Thành là đã được nộp vào ngân sách địa phương. Tuy nhiên, cùng với việc xây dựng ốt quán để kinh doanh, các hộ dân lần lượt xây dựng nhà ở kiên cố, nhiều ngôi nhà cao tầng mọc lên ngay sát bờ kênh, biến bờ kênh Vách Bắc thành một khu kinh doanh sầm uất bậc nhất tại huyện Yên Thành. Trong khi đó, chính quyền địa phương bán đất sai quy hoạch, sai thẩm quyền lại mập mờ, không quyết liệt ngăn cản, vô tình tạo điều kiện cho nhiều hộ dân tiếp tục lấn chiếm, xây dựng các công trình kiên cố. Từ 142 suất đất ban đầu, đến nay, các hộ dân đã sang nhượng cho nhau, nâng tổng số suất đất lên 195 suất. Một thời, dọc tuyến kênh này diễn ra cảnh làm ngày, làm đêm, làm vào các ngày nghỉ, nhiều ngôi nhà kiên cố 2 tầng, 3 tầng đã mọc lên trong sự ngỡ ngàng của người dân địa phương, trong khi chính quyền địa phương không tìm hướng xử lý.
Theo một cán bộ Công ty TNHH Một thành viên Thủy lợi Bắc, đây là tuyến kênh phục vụ việc tiêu nước cho huyện Diễn Châu và 1/5 diện tích lưu vực vùng Tây Bắc huyện Yên Thành. Thực trạng này đang khiến việc tiêu nước tại kênh Vách Bắc vài chục năm lại đây gặp rất nhiều khó khăn. Cạnh tuyến đường 33 (đường chạy dọc kênh Vách Bắc) là tuyến kênh tưới 18A, do Công ty TNHH Một thành viên Thủy lợi Bắc quản lý hiện nay cũng có nhiều hộ dân sinh sống tự ý cơi nới vi phạm hành lang bảo vệ kênh, cản trở dòng chảy. Thực trạng này đang khiến sản xuất nông nghiệp tại các xã phía Tây Bắc Nghệ An ngày càng trở nên bấp bênh.
Ông Lê Xuân Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Đô Thành cho biết: Đây là vấn đề do lịch sử các đời lãnh đạo xã trước đây để lại. Khi dân nhận đất, họ bắt đầu xây dựng lều quán, nhà bán kiên cố và đến khoảng năm 2002 thì xuất hiện các ngôi nhà kiên cố. Chính quyền địa phương lúc đó cũng chỉ áp dụng các biện pháp phân công ca trực, tuyên truyền, cảnh báo, lập biên bản… Tuy nhiên, nhà họ làm ngày làm đêm, làm ồ ạt, khi đã xây dựng xong nhà cửa, xã không đủ thẩm quyền để cưỡng chế. Các cấp ngành đã tổ chức rất nhiều cuộc họp với người dân để tìm hướng giải quyết nhưng xem ra rất khó. Tuyến kênh này đi qua xã Đô Thành khoảng 2,4 km, tổng diện tích người dân đã mua khoảng 4 ha. Hiện nay, địa phương không còn quỹ đất để tái định cư, không có kinh phí đền bù, không đủ sức giải quyết. Hy vọng, các cấp cao hơn sẽ vào cuộc tháo gỡ…
Thực trạng lấn chiếm lòng kênh Vách Bắc tại xã Đô Thành |
Cũng theo ông Dương, sau nhiều cuộc họp, người dân sống dọc tuyến kênh Vách Bắc đã đề xuất phương án để họ được yên ổn sinh sống, làm ăn với phương châm nhà nước và nhân dân cùng góp sức xây dựng kè, tránh tình trạng lấn chiếm thêm và bảo vệ tuyến đê này. Tuy nhiên, kinh phí để xây dựng kè bờ kênh không hề nhỏ và nguyện vọng trên của người dân có nguy cơ chỉ tồn tại trên giấy. Việc thông thoáng kênh Vách Bắc, đảm bảo tiêu thoát nước cho một vùng rộng lớn tại huyện Yên Thành tiếp tục là bài toán chưa có lời giải.
Thông báo số 177/TB-UBND, ngày 30/6/2014 của UBND huyện Yên Thành cũng đã chỉ ra những vấn đề “nóng” tại tuyến kênh Vách Bắc. UBND xã Đô Thành thời điểm đó giao đất trái thẩm quyền, vi phạm pháp luật về bảo vệ đê điều và công trình thủy lợi; dân sử dụng sai mục đích, lấn chiếm lòng kênh; Công ty TNHH Một thành viên Thủy lợi Bắc Nghệ An chưa kiên quyết, chưa đề xuất kịp thời với cấp có thẩm quyền khi công trình bị xâm hại. Những việc làm sai trái của cả chính quyền và người dân địa phương tại xã Đô Thành đã để lại hậu quả nặng nề, UBND huyện Yên Thành cũng tự nhận khuyết điểm khi chưa tìm ra biện pháp giải quyết dứt điểm và đã tham mưu cho UBND tỉnh 3 phương án xử lý: Bố trí tái định cư, giữ nguyên hiện trạng và di chuyển hành lang thoát lũ. Tuy nhiên, đây được coi là những giải pháp không khả thi, bởi để giải quyết hậu quả này, xem ra cần cái nhìn có chiều sâu và cần một nguồn kinh phí “khủng”. Điều này đến nay vẫn khiến các ban ngành chức năng đau đầu.
Báo động tình trạng lấn chiếm đê, kè ngăn lũ và các kênh tiêu
Tuyến đê đi qua địa bàn xã Đặng Sơn (huyện Đô Lương) có tổng chiều dài khoảng 1,6 km. Trên tuyến đê này, cả trong và ngoài đê có tới hàng trăm hộ dân làm nhà, sinh sống cạnh chân đê, trên mái đê. Trong quá trình sinh sống, để thuận tiện đi lại, người dân đã biến mặt đê thành đường đi, đổ bê tông và lấn chiếm, xây dựng nhà cửa sát con đường này. Mái đê còn được người dân trưng dụng xây dựng các công trình phụ, hố để phân, trồng cây… Theo một cán bộ UBND xã Đặng Sơn, dọc tuyến đê này hiện nay có trên 200 hộ dân sinh sống, nhiều hộ sống từ thời điểm trước năm 1980, nhiều hộ được cấp sổ đỏ ở vị trí ban đầu khá xa so với chân đê nhưng quá trình sinh sống họ lấn chiếm, dần dần tiến sát chân đê. Theo lý giải của người dân xóm 6, sở dĩ người dân ở đây sinh sống sát chân đê là do họ đã ở đây từ rất lâu đời, trước khi có Luật Đê điều ra đời. Đất đai chật hẹp, dân cư ngày càng đông đúc, nay lấn chiếm một ít, ngày mai một ít trong khi không thấy chính quyền địa phương, các ban ngành chức năng can thiệp nên họ được nước lấn tới. Theo ghi nhận của phóng viên, nhà văn hóa xóm 6, xã Đặng Sơn cũng được xây dựng sát chân đê. Theo mốc thời gian ghi trước mái nhà văn hóa xóm 6 thì ngôi nhà này được xây dựng năm 2005, tức là 1 năm trước khi Luật Đê điều ra đời (năm 2006).
Đúc kết từ thực trạng này, người dân xã Đặng Sơn cho biết: Thực tế là, luật và các văn bản dưới luật về quản lý đê điều chưa theo kịp cuộc sống, nhiều hộ dân đã sinh sống ổn định cạnh thân đê trước khi Luật Đê điều ra đời. Đó là một thực tế khách quan, hiện nay các cấp ngành chức năng dù đã nhiều lần khảo sát nhưng rất khó tìm hướng giải quyết. “Họ đã lấn chiếm thân đê, hành lang đê, mái đê, nếu chiếu theo luật thì rất nhiều hộ dân vi phạm nhưng quả thật, người dân các xóm này đã sinh sống ở đây từ rất lâu đời. Năm 2012, xã cũng đã tổ chức cưỡng chế một vụ vi phạm lấn chiếm đê điều nên tình trạng xây mới trong vài năm lại đây không còn phát sinh” - bà Trần Thị Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Đặng Sơn cho biết. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, tại thời điểm đầu tháng 7/2014, ngay sát mái của tuyến đê này, thuộc địa bàn xóm 6, một ngôi nhà mới đang được xây dựng nhưng không có sự can thiệp của chính quyền địa phương. Cũng tại huyện Đô Lương, dọc tuyến kênh xuất phát từ cầu bara Đô Lương đi các huyện Yên Thành, Diễn Châu… tình trạng lấn chiếm, xây dựng nhà cửa, các công trình trái phép cũng đang diễn ra khá phổ biến. Nhiều ngôi nhà kiên cố, cao tầng, cả nhà nghỉ, dù đã bị chính quyền địa phương “tuýt còi” nhưng không hiểu vì sao sau đó lại ngang nhiên mọc lên trong sự ngỡ ngàng của người dân.
Thực trạng cũng đang diễn ra tại tuyến đê 5 Nam đi qua các xã Nam Trung, Nam Kim, Nam Cường, Nam Phúc, Khánh Sơn (Nam Đàn). Đây là tuyến đê cấp 4, do địa phương quản lý, được xây dựng từ năm 1945, có tác dụng ngăn lũ cho một vùng rộng lớn tại các địa phương vùng trũng của huyện Nam Đàn. Theo ghi nhận của phóng viên, trên tuyến đê này có tới hàng trăm hộ dân sinh sống, xây dựng nhà cửa và các công trình kiên cố. Tại một số điểm đi qua xã Nam Trung, người dân còn trưng dụng mặt đê làm sân phơi, điểm tập kết gỗ, mái đê làm điểm phơi nguyên vật liệu… vừa ảnh hưởng tầm nhìn vừa tiềm ẩn nguy cơ hư hỏng công trình ngăn lũ này.
Theo ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đê điều Nghệ An, việc lấn chiếm đê điều chủ yếu xảy ra tại các tuyến đê do địa phương quản lý. Quá trình sinh sống, người dân tự ý lấn chiếm thân đê, hành lang đê điều trong khi chính quyền địa phương không theo dõi sát sao, khi phát hiện không kiên quyết xử lý khiến người dân được đà lấn tới. Cũng theo ông Hiếu, một số địa phương còn cấp cả bãi tập kết cát sỏi lên các công trình kè chống sạt lở khiến nguy cơ hư hỏng kè rất cao. Các ban ngành chức năng đã khuyến cáo các đơn vị được cấp phép không được chất cát sỏi quá cao, tránh trường hợp sụt lún kè nhưng xem ra, các đơn vị được cấp phép vẫn làm ngơ. Thông tin từ Chi cục Thủy lợi Nghệ An cũng cho biết, các đầm nuôi tôm tại xã Nghi Quang, Nghi Hợp (cống Thượng Xá); dọc sông Cấm; sông Vinh (gần Cửa Tiền), tình trạng lấn chiếm cũng diễn ra khá phổ biến. Tại xã Quỳnh Thắng, đến thời điểm này còn có 54 hộ dân xây dựng nhà cửa thấp hơn so với cao trình thiết kế của hồ Vực Mấu… Với thực trạng đang diễn ra, công tác tiêu nước trong mùa lũ lụt năm nay dự kiến sẽ đứng trước rất nhiều khó khăn, thử thách.
Về phương án giải quyết thực trạng lấn chiếm đê điều hiện nay, theo ông Hoàng Nghĩa Hiếu không phải là việc có thể giải quyết trong ngày một ngày hai. Việc các hộ dân ở sát chân đê là một thực tế đã tồn tại từ rất lâu đời. Muốn lấy lại đất phục vụ công trình phòng chống lụt bão, tiêu thoát nước phải đền bù thỏa đáng, bố trí tái định cư, hỗ trợ việc làm, nhà ở… có nghĩa là rất tốn kém trong khi không tìm đâu ra kinh phí, ngân sách. Tuy nhiên, nếu không giải quyết thực trạng này thì hậu quả khôn lường, công trình ngăn lũ, tiêu thoát lũ sẽ đứng trước nguy cơ vỡ, ách tắc dòng chảy, ảnh hưởng đến cả hạ lưu lẫn vùng thượng lưu. Về lâu về dài, các ban ngành chức năng cần tìm ra các phương án hữu hiệu, tránh để “mất bò mới lo làm chuồng”.
.