(Congannghean.vn)-Rộng lớn và đa dạng về đối tượng tiêu dùng, có thể nói, khu vực nông thôn là thị trường giàu tiềm năng. Thế nhưng trên thực tế, hàng Việt Nam, đặc biệt là hàng Việt Nam chất lượng cao vẫn vắng bóng tại các chợ nông thôn vùng cao. Đây cũng là tình trạng chung đang diễn ra phổ biến ở hầu hết các chợ nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Chính sự bỏ ngỏ này đã khiến cho hàng không rõ nguồn gốc, hàng nhập ngoại kém chất lượng xâm nhập một cách tràn lan.
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại khu vực chợ trung tâm Hòa Bình, huyện Tương Dương, những mặt hàng có nhãn mác hàng Việt Nam rất khan hiếm. Dạo quanh một vòng chợ không dễ tìm được các mặt hàng này. Nhưng ngược lại, để mua được những mặt hàng ngoại nhập có xuất xứ từ Trung Quốc hoặc hàng không rõ nguồn gốc, không nhãn mác thì người tiêu dùng lại không mấy khó khăn.
Theo một số người bán hàng tại đây thì các mặt hàng Trung Quốc chiếm tới 60 - 70%. Từ các mặt hàng thông dụng như quần áo cho đến hàng điện tử, điện máy kém chất lượng. Nguyên nhân chính được các chủ hàng ở đây cho biết là giá cả các mặt hàng do Việt Nam sản xuất khá cao, trong khi đó tâm lý của người dân thường chọn mua hàng rẻ, phù hợp với mức thu nhập thấp. Nắm bắt được tâm lý đó, các tiểu thương đã nhập hàng Trung Quốc và một số hàng gia công chất lượng kém, giá thành thấp về tiêu thụ tại các chợ nông thôn.
Hàng Việt về chợ nông thôn đang còn lắm gian nan |
Một tiểu thương bán quần áo tại chợ huyện Con Cuông dẫn chứng: Người dân cũng rất muốn mua hàng Việt, nhưng do giá thành quá cao nên không đủ tiền mua. Người dân ở đây đời sống đang còn nghèo khó nên họ đều lựa chọn các sản phẩm giá rẻ, không cần biết chất lượng thế nào. Ví như một bộ quần áo của Trung Quốc chỉ từ 35.000 đến 100.000 đồng, người tiêu dùng dễ lựa chọn, trong khi đó, nếu là hàng Việt thì phải đến trên 200.000 đồng/chiếc. Mà người nông dân thì chỉ cần chênh lệch 1.000 đến 2.000 đồng là họ sẵn sàng quay lưng ngay.
Sở Công thương tỉnh Nghệ An cũng cho rằng, việc đưa hàng Việt về phục vụ nhân dân ở vùng nông thôn chưa thường xuyên, liên tục, số lượng hàng hóa còn ít nên hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam chưa phủ kín các địa bàn. Mặc dù các doanh nghiệp khi tham gia đưa hàng Việt về miền núi đều được hỗ trợ miễn phí các gian hàng bày bán, điện thắp sáng, quảng cáo, tuyên truyền và các dịch vụ khác. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn không mặn mà tham gia, bởi Nghệ An là tỉnh có địa hình rất phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, chính vì vậy nhiều doanh nghiệp e ngại vì chi phí vận chuyển đến các điểm chợ của các xã vùng sâu, vùng xa là khá lớn.
.