Mới chỉ 2 ngày sau khi sự cố lần thứ 8 xảy ra (ngày 10/7), đường ống dẫn nước sạch sông Đà lại tiếp tục gặp sự cố lần thứ 9 ngày 12/7. Bộ Xây dựng đã vào cuộc từ trước đó, HĐND TP Hà Nội vừa họp xong cũng đã đề cập rất nhiều đến sự việc này. Tuy vậy dường như sự việc vẫn không có nhiều biến chuyển, và có lẽ cũng chưa phải là lần vỡ cuối cùng…
Cách ngày lại vỡ
Sự cố mới nhất liên quan đến đường ống dẫn nước sông Đà diễn ra vào ngày 10/7, đang lúc HĐND TP Hà Nội đang họp và cũng đang bàn về vấn đề nước sạch trên địa bàn. Khoảng 10h ngày 10/7, đường ống dẫn nước DN1500 từ Nhà máy nước Sông Đà (Hòa Bình) về Hà Nội tiếp tục gặp sự cố tại Km 25 Đại lộ Thăng Long (đoạn gần cầu Đồng Trúc, huyện Thạch Thất, Hà Nội). Ngay sau khi sự cố xảy ra, nhà máy đã huy động gần 200 kỹ sư, máy cẩu xuống hiện trường khắc phục sự cố. Ngày 11/7 đã khắc phục xong sự cố, và cấp nước trở lại. Đây là lần thứ 8, đường ống nước Sông Đà DN1500 bị vỡ.
Chỉ 2 ngày sau, sáng 12/7, trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Tốn - Giám đốc Nhà máy Nước sạch Sông Đà cho biết, khoảng 4h ngày 12/7, tuyến đường ống dẫn nước sạch từ nhà máy nước sông Đà - Hòa Bình lại bị vỡ lần thứ 9 tại Km15 trên Đại lộ Thăng Long (ở địa phận huyện Hoài Đức- Hà Nội). “Hiện tại chúng tôi đang tiến hành đào đất lên mới biết chính xác được vết vỡ to hay nhỏ. Vị trí này là chỗ ống hỗn hợp nên chưa xác định được chiều dài đoạn ống vỡ là bao nhiêu mét. Chúng tôi dự kiến sẽ khắc phục trong đêm nay là xong. Khoảng 1h ngày 13/7 là cho cấp nước trở lại”, ông Tốn cho biết thêm.
Ngày 12/7, hàng chục kỹ sư, công nhân lại được huy động để khắc phục sự cố đường ống dẫn nước sạch sông Đà lần thứ 9 |
Cũng theo ông Tốn, ngay sau khi sự cố xảy ra, nhà máy nước đã cho đóng van lại để khắc phục. Đơn vị huy động 2 máy ép cừ, 50 tấm cừ lasen loại 12m, 3 máy đào, 1 máy cẩu, 4 xe chở đất, 3 máy phát điện, một số máy móc thiết bị khác và khoảng 150 cán bộ công nhân làm việc liên tục cho đến khi khắc phục xong sự cố. Điều đáng nói là sự cố lần thứ 9 này chỉ cách sự cố lần thứ 8 cách đây có 2 ngày, gây bức xúc trong dư luận và hơn 70.000 hộ dân đang sử dụng nước từ nguồn nước này. Lần đầu tiên xảy ra sự cố vỡ đường ống là ngày 4/2/2012, tại KM10+900 trên Đại lộ Thăng Long. Không chỉ vỡ đường ống, chiều 24/6, tại Km25 Đại lộ Thăng Long, một chiếc van khóa nước của đường ống đã bị hỏng khiến nước tràn ra đường, ảnh hướng tới đời sống người dân.
Liên tiếp những sự cố của đường ống dẫn nước sạch sông Đà đã khiến hàng nghìn hộ dân ở Thủ đô lâm vào cảnh khốn khổ. Hơn 70.000 hộ dân ở các khu vực Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai đang sử dụng nguồn nước này đã phải nhiều lần rơi vào cảnh thiếu nước. Điển hình là sự cố lần thứ 6 ngày 26/4, hàng nghìn hộ dân ở các khu vực (Khương Đình, Hạ Đình...) Thanh Xuân, (Định Công) Hoàng Mai rơi vào cảnh thiếu nước trầm trọng. Có khu vực bị mất nước gần nửa tháng.
Chủ đầu tư thiếu trách nhiệm?
Sáng 12/7, khi biết thông tin đường ống nước sông Đà gặp sự cố lần thứ 9, bà Nguyễn Thị Đông, SN 15 ngõ 271/12 Bùi Xương Trạch, Thanh Xuân tỏ ra vô cùng bức xúc: "Không hiểu TP Hà Nội đã có ý kiến với chủ đầu tư như thế nào? Với tư cách là một cử tri ngay trước khi HĐND TP Hà Nội họp chúng tôi đã có ý kiến rất cụ thể về vấn đề nước sạch, cụ thể là về đường ống dẫn nước sông Đà này. Không thể để người dân chúng tôi bỏ tiền ta mua nước sinh hoạt mà cứ phải thấp thỏm trông chừng đường ống nước kiểu này. Liên tục xảy ra sự cố, không có nước sinh hoạt lại chỉ có người dân chúng tôi là khổ".
Sau lần vỡ thứ 6 ngày 26/4, Bộ Xây dựng đã vào cuộc xác định rõ nguyên nhân. Sau hơn 2 tháng, trên cơ sở kết quả kiểm tra, quan trắc, đo đạc, thí nghiệm, phân tích, tính toán của đơn vị kiểm định, nguyên nhân trực tiếp gây vỡ tuyến DN1500 được Bộ Xây dựng xác định do chất lượng của ống không đồng đều. Tại một số vị trí ống có hiện tượng bong rộp, tách lớp và một số chỉ tiêu cơ lý không đảm bảo dẫn đến suy giảm khả năng chịu lực cục bộ của đường ống. Thiếu các yêu cầu kỹ thuật đối với việc sản xuất, thi công lắp đặt ống theo tiêu chuẩn áp dụng. Bộ Xây dựng đã phân định trách nhiệm liên quan đến sự việc này liên quan đến đơn vị tổng thầu thiết kế; nhà sản xuất ống composite; các nhà thầu thi công; nhà thầu giám sát và chủ đầu tư, Ban quản lý dự án…
Dư luận đòi hỏi phải quy rõ trách nhiệm chất lượng kém của đường ống nước sạch sông Đà |
Phát biểu tại kỳ họp HĐND TP Hà Nội trong ngày 10/7, ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã nói: "Trong trường hợp VINACONEX không đủ năng lực và điều kiện thực hiện, TP sẽ chỉ đạo Công ty Nước sạch Hà Nội phối hợp với các doanh nghiệp đủ năng lực tài chính thu hút xã hội hóa đầu tư tuyến dẫn nước từ Hòa Lạc về đường vành đai 3. Ngoài ra, TP cũng đã chỉ đạo Công ty Nước sạch Hà Nội lập dự án triển khai đầu tư xây dựng Nhà máy nước mặt sông Hồng tại huyện Đan Phượng”.
Tuy nhiên, dư luận đang đặt câu hỏi rằng, tại sao với một vụ việc cụ thể, đã có những phân tích đánh giá rất rõ về nguyên nhân mà trong bản kết luận, Bộ Xây dựng chỉ phân định trách nhiệm một cách hết sức chung chung, không hề có một dòng nào về kết luận trách nhiệm cụ thể, hướng xử lý. Ngay trong ngày 12/7, PV đã nhiều lần liên hệ với ông Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục Giám định chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) để tìm hiểu cụ thể vấn đề nhưng ông Hải không bắt máy.
Hơn 70.000 hộ dân các quận Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai đang sử dụng nguồn nước này và cử tri TP Hà Nội đang mong chờ những hành động cụ thể, quyết liệt từ phía UBND TP Hà Nội để giải quyết triệt để vấn đề, đồng thời phải xác định trách nhiệm thuộc về ai để xử lý nghiêm, không thể cứ tái diễn người dân gánh chịu hậu quả, mà không thấy ai có lỗi.
Ông Nguyễn Văn Tốn, Giám đốc Nhà máy Nước sạch Sông Đà:
Trao đổi về hướng khắc phục lâu dài để không ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân, ông Tốn cho biết, hiện Công ty đang triển khai đầu tư hệ thống đường ống thứ 2. Đường ống thứ 2 này sẽ cấp nước song song với đường ống hiện nay. Đường ống này sẽ sử dụng vật liệu đảm bảo an toàn và đã được kiểm định. Khi đường ống thứ 2 được đưa vào sử dụng sẽ đảm bảo cung cấp nước thường xuyên được cho người dân nếu đường ống thứ 1 gặp sự cố.
|
.