Kinh tế xã hội
Phát huy hiệu quả từ nguồn vốn vay ưu đãi hộ cận nghèo
13:57, 12/05/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Theo thông tin từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Nghệ An, chính sách cho vay hộ cận nghèo được thực hiện từ giữa năm 2013 đến nay đã phát huy được hiệu quả. Đầu năm 2014, Nghệ An được Trung ương phân bổ 300 tỉ đồng cho vay hộ cận nghèo và đã giải ngân được trên 270 tỉ đồng. Với mức vay tối đa 30 triệu đồng/hộ, lãi suất 0,78%/tháng (từ ngày 1/5 được nâng lên 50 triệu đồng/hộ), đối tượng hộ cận nghèo đang được tiếp sức để thoát nghèo bền vững.
Năm 2013, bà Nguyễn Thị Hằng trú tại xóm 7, Hội Minh, xã Minh Sơn (Đô Lương) được vay 30 triệu đồng. Từ nguồn vốn vay này, gia đình bà mua một con bò, sửa sang chuồng trại và đầu tư phương tiện làm nghề tráng bánh đa, bánh mướt. Sau chưa đầy 1 năm, gia đình bà đã có bê con xuất chuồng với giá 10 triệu đồng. Hàng ngày, hai vợ chồng thức khuya, dậy sớm làm nghề, kiếm thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Cạnh nhà bà Hằng còn có hộ ông Nguyễn Công Đình cũng được vay 30 triệu đồng. Ông đầu tư mua bò lai sin, sắm phương tiện phát triển nghề mộc. Đến nay, bê con sắp xuất chuồng, có giá trên 12 triệu đồng, nghề mộc cũng ngày càng “đắt khách”, cuộc sống đã bắt đầu đổi thay.
“Mình không phải là người lười biếng nhưng quả thật không có vốn để đầu tư phát triển kinh tế. May có nguồn vốn vay ưu đãi dành cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình tôi mới có cơ hội thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu. Mong sẽ có thêm nhiều hộ gia đình được tiếp cận nguồn vốn này” - ông Đình chia sẻ.
Sau gần 1 năm vay vốn, hộ ông Nguyễn Công Đình đã phát triển kinh tế hiệu quả |
Tâm sự của ông Đình cũng là nguyện vọng của gần 1 trăm nghìn hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh ta. Năm 2013, NHCSXH Nghệ An giải ngân được 310 tỉ đồng từ nguồn trung ương cho vay hộ cận nghèo. Đến nay, hầu hết các hộ dân được thụ hưởng đều sử dụng đúng mục đích và phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, nguồn vốn hỗ trợ này chưa thấm vào đâu so với nhu cầu vay vốn của các hộ dân. Theo thống kê, tính đến thời điểm cuối tháng 9/2013, toàn tỉnh có gần 97 nghìn hộ cận nghèo. Đa phần các hộ này đều có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo (khoảng 2,9 nghìn tỉ đồng), một con số quá lớn so với thực tế phân bổ từ ngân sách trung ương. Điều này cũng gây khó khăn cho công tác triển khai. Tuy nhiên, với phương châm làm chặt chẽ từ cơ sở, tiếp tục ủy thác cho các tổ chức hội, việc bình xét đối tượng thụ hưởng được các địa phương triển khai đồng bộ. Hộ nghèo khi thoát nghèo và thuộc diện hộ cận nghèo nếu có nhu cầu vay vốn phải hoàn trả nguồn vốn cho vay hộ nghèo. Điều này đã phân luồng được nhu cầu thực tế, đáp ứng cơn “khát vốn” thực sự của các hộ gia đình. Từ cách làm này, nhu cầu thực tế đã giảm, áp lực về nguồn vốn được giảm tải.
Sau khi được phân bổ ngân sách cho vay hộ cận nghèo, hầu hết các địa phương đều triển khai bình xét cho vay hiệu quả. Cộng với nguồn ngân sách chuyển từ cho vay hộ nghèo sang vay hộ cận nghèo, chỉ tính đến cuối tháng 4/2014, nhiều huyện trên địa bàn Nghệ An đã vượt kế hoạch đề ra cho cả năm. Theo thống kê, một số đơn vị vượt kế hoạch như: Kỳ Sơn (gần 33%), Hưng Nguyên (trên 11%), Đô Lương (gần 9%)... Tính chung toàn tỉnh, dư nợ thực hiện vượt trên 89% so với kế hoạch đề ra cho cả năm (kế hoạch cả năm là 310,555 tỉ đồng, đến cuối tháng 4 đã thực hiện được 587,149 tỉ đồng).
Ông Trần Khắc Hùng, Giám đốc NHCSXH tỉnh Nghệ An cho biết: “Việc vượt kế hoạch trong chương trình cho vay hộ cận nghèo là một dấu hiệu tích cực xuất phát từ thực tế khách quan nhiều hộ nghèo không có nhu cầu vay vốn. Kết quả này đem lại giá trị tích cực, tạo thêm nguồn để hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững. Do một lượng tiền được chuyển từ cho vay hộ nghèo nhưng không có nhu cầu sang cho hộ cận nghèo nên đến thời điểm này, dư nợ thực tế tăng so với kế hoạch. Có thể khẳng định, các hộ cận nghèo đã sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích và đem lại hiệu quả cao. Với nguồn vốn vay trung và ngắn hạn, các hộ dân chủ động đầu tư vào các mô hình phát triển kinh tế xoay vòng và thu hồi vốn nhanh. Vì vậy, chỉ sau gần 1 năm, các hộ dân đều cho thấy hiệu quả. Với việc Ngân hàng Nhà nước vừa ra Quyết định số 34/QĐ-HĐQT về nâng mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo từ 30 triệu đồng lên 50 triệu đồng, chúng tôi hy vọng, sẽ có thêm nhiều hộ được tiếp cận nguồn vốn vay và sẽ có cơ hội thoát nghèo bền vững”.
Văn Dũng