Kinh tế xã hội
Những làng nghề truyền thống đang có nguy cơ 'chết mòn'
(Congannghean.vn)-Rất nhiều làng nghề truyền thống, từng vang danh một thời ở vùng đất xứ Nghệ đang có nguy cơ bị mai một theo thời gian. Thêm vào đó, sự phát triển của nền kinh tế thị trường khiến những làng nghề này lao đao tìm chỗ đứng. Đó là các làng nghề như nồi đất Trù Sơn (xã Trù Sơn, huyện Đô Lương), làng bánh đa chợ Vịnh (xã Thanh Tường, huyện Thanh Chương), làng nghề mũ lá Hưng Phúc (xã Hưng Phúc, huyện Hưng Nguyên)…
Làng nghề đang bị thách thức bởi thời gian
Hầu hết những làng nghề này có từ lâu đời, một thời gắn bó với đời sống người dân và là nguồn mưu sinh cho rất nhiều hộ dân vùng quê xứ Nghệ. Tuy nhiên, trước “cơn lốc” đô thị hóa, dường như những sản phẩm có nguồn gốc truyền thống không thể “trụ nổi” trước những sản phẩm được sản xuất từ máy móc công nghệ cao.
Nghề làm nồi đất Trù Sơn có từ rất lâu, theo những người dân gắn bó lâu năm với nghề này thì nó ra đời từ những năm Pháp thuộc của thế kỷ trước. Thời đó, hầu hết nhà nào cũng ít nhiều gắn bó với công việc “nhào đất, nắn nồi” và trở thành một nguồn thu chủ yếu. Thế nhưng, hiện nay, khi tìm hiểu về nghề làm nồi đất, thật không khỏi xót xa khi biết rằng con số hộ dân còn trụ được với nó chỉ tính trên đầu ngón tay.
Chị Nguyễn Thị Tâm - một trong những người dân còn làm nghề nồi đất ở làng Trù Sơn cho biết: “Hiện tại, trong xóm này chỉ còn 5 - 6 nhà là còn làm nghề này. Trước người ta thường tranh thủ làm khi rảnh rỗi, chứ bây giờ, dù có rảnh người ta cũng ít làm, mà nếu có làm cũng với số lượng ít, ngày vài chục cái là nhiều lắm rồi”.
Làng nghề bánh đa Thanh Tường cũng đang trong hoàn cảnh tương tự |
Cũng như làng nghề nồi đất Trù Sơn, làng bánh đa chợ Vịnh (xã Thanh Tường, Thanh Chương) cũng đang trên đà bị mai một. Không ai biết chính xác bánh đa chợ Vịnh ra đời vào khoảng thời gian nào. Người ta chỉ biết rằng, từ khi sinh ra, họ đã thấy ông bà mình làm món bánh này, nó cứ tồn tại từ đời này sang đời khác. Tuy nhiên, hiện số hộ làm bánh đa cũng đang giảm dần.
Nghề làm nón, mũ lá ở Hưng Phúc từng tạo được thương hiệu, được nhiều người dân trong tỉnh biết đến, nón lá một thời từng được coi như là “một biểu tượng” tại vùng quê này. Tuy nhiên, vào thời điểm này, chỉ những người lớn tuổi mới bám lấy nghề truyền thống này. Bởi, họ đã có thâm niên với nghề hàng chục năm nay nên không dễ gì bỏ được.
Vì sao làng nghề truyền thống có nguy cơ bị mai một?
Việc các làng nghề truyền thống đang có xu hướng ngày càng thu hẹp, thậm chí đang có nguy cơ biến mất không thể đổ lỗi hoàn toàn cho sự thiếu sự định hướng đầu tư, phát triển từ chính quyền địa phương. Bởi trên thực tế, chính quyền bản địa cũng đã có những chính sách nhằm khuyến khích mở rộng và phát triển mô hình làng nghề cho thế hệ trẻ. Bằng chứng là năm 2004, ở Trù Sơn đã có 5 người dân được mời ra biểu diễn cách thức làm gốm tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.
Hiện nay, chỉ còn vài hộ dân trụ lại với nghề nồi đất ở Trù Sơn |
Cũng tại đây, đã có một cuộc Hội thảo về phục hồi, duy trì và phát triển nghề làm gốm Trù Sơn do Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam phối hợp với Sở VHTT Nghệ An, UBND huyện Đô Lương và Bảo tàng Nghệ An tổ chức. Thậm chí còn có chương trình “Vượt lên chính mình” (năm 2008) của Đài Truyền hình HTV về thực hiện tại làng nhằm giúp người dân thoát nghèo bằng chính nghề làm nồi đất. Tuy nhiên, dường như những chính sách ấy chưa thực sự giúp các làng nghề có điều kiện mở rộng, bởi làng nghề còn mang tính tự phát, thiếu sự định hướng.
Một trong những nguyên nhân thiết yếu lý giải việc các làng nghề không thể trụ vững với thời đại là bởi, trong xu thế công nghiệp hóa, mọi thiết bị, hàng hóa đều được sản xuất ra từ công nghệ hiện đại với nhiều mẫu mã đẹp, chất lượng đảm bảo, sản xuất đồng loạt, nhanh chóng và lợi nhuận cao... Trung bình mỗi ngày, một người thợ thủ công có thể làm cũng chỉ tầm 50 chiếc nồi đất, người làm nón lá chỉ được 2 - 3 cái, người làm bánh tráng thì nhiều hơn chừng 500 - 700 cái. Trung bình một ngày làm việc như vậy, trừ mọi chi phí, mỗi người cũng chỉ kiếm được 50 - 60 nghìn đồng. Trong khi đó, các sản phẩm hiện đại chỉ cần mất một khoảng thời gian rất ngắn là có thể tạo ra hàng nghìn sản phẩm. Rõ ràng, đó là điều mà sản phẩm thủ công truyền thống không thể cạnh tranh nổi.
Khó khăn nữa đối với các làng nghề chính là không tìm được đầu ra cho sản phẩm. Trước kia khi các sản phẩm truyền thống còn hưng thịnh thì còn có các cơ sở doanh nghiệp, đại lý thu mua về rồi phân phối ra nhiều nơi. Còn hiện nay, để tìm được đầu ra hiệu quả và lâu dài là một điều khó khăn. Trường hợp của bà Nghị có lẽ là người may mắn nhất ở làng Trù Sơn vì thỉnh thoảng còn có đơn đặt hàng lâu năm, với mỗi lần nhập từ 200 - 250 cái.
Bàn về việc các làng nghề đang có xu hướng ngày càng bị mai một, nhiều người dân không khỏi xót xa, lo lắng. Những người già trong làng am hiểu về nghề thì ngày càng thưa thớt, trong khi lớp trẻ không mấy mặn mà với mấy cái nghề “đã cũ lại khó hái ra tiền”. Không biết rồi đây, tương lai của các làng nghề truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc sẽ đi về đâu?
Phan Phan