Kinh tế xã hội

Áp trần cho giá sữa: Hơn 10 triệu người dùng sữa được hưởng lợi

11:10, 09/05/2014 (GMT+7)

Như vậy, giá sữa sẽ chính thức được áp một mức trần tối đa. Bộ Tài chính nhận định rằng việc áp trần này không những giúp bình ổn thị trường, mà sẽ đem lại lợi ích cho hơn 10 triệu người tiêu dùng sữa.

Theo Bộ Tài chính, cơ quan quản lý sẽ công bố mức giá tối đa áp dụng trong 12 tháng và yêu cầu các công ty phải công bố, đăng ký giá sữa. Trao đổi với Báo CAND, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) khẳng định tính khả thi của biện pháp bình ổn giá này còn thể hiện ở tính thời điểm áp dụng. Với thực tế giá sữa và quản lý nhà nước về giá sữa, đã đến thời điểm chín muồi cho việc nhà nước áp dụng biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa.

Kết quả thanh tra đối với năm doanh nghiệp vừa qua cho thấy doanh nghiệp còn có nhiều khả năng, dư địa để vừa tiết giảm chi phí, vừa duy trì lợi nhuận hợp lý, để góp phần bình ổn giá sản phẩm này, không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường của doanh nghiệp. “Thứ nhất, biện pháp này đã được tính toán, cân nhắc kỹ trên phương diện đã có đầy đủ cơ sở pháp lý. Thứ hai, việc bình ổn giá sữa sẽ góp phần mang lại lợi ích cho hơn 10 triệu người tiêu dùng có liên quan đến sản phẩm sữa, vì một thế hệ trẻ em phát triển toàn diện hơn. Thứ ba, biện pháp này cũng dung hòa được lợi ích của người tiêu dùng và doanh nghiệp. Người tiêu dùng hưởng lợi từ việc bình ổn giá. Doanh nghiệp tìm cách tiết giảm chi phí để tăng lợi nhuận, giảm giá bán, mở rộng thị phần, mở rộng đối tượng sử dụng sản phẩm sữa, ông Nghĩa khẳng định.

Về lộ trình thực hiện, Chính phủ thống nhất chủ trương là quản lý giá tối đa trong thời hạn 12 tháng và đăng ký giá trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày công bố quyết định bình ổn giá. Theo đó, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi có trách nhiệm đảm bảo giá bán không cao hơn mức giá bán tối đa, đối với những sản phẩm đã công bố và thực hiện đăng ký giá theo quy định. Dự kiến đối với những sản phẩm còn lại, doanh nghiệp căn cứ tương quan hợp lý về giá bán của sản phẩm này với sản phẩm đã được công bố giá tối đa, để xác định giá bán tối đa, gửi cơ quan có thẩm quyền quản lý giá và làm căn cứ để thực hiện việc đăng ký giá theo quy định.

 

Sữa sẽ sớm được áp trần giá bán tối đa.

Trong khi giá sữa đang “loạn cào cào”, chỉ 1 chiều tăng không có giảm, thì việc bình ổn giá là sự mong chờ của cả thị trường. Song, với người tiêu dùng, dù cách thức quản lý, bình ổn gì, họ cũng chỉ mong giá sữa sẽ giảm. Tuy nhiên, không ít ý kiến tỏ ra lo ngại về việc áp giá trần. Ngoài một vài ý kiến băn khoăn về việc có thể sẽ vi phạm Luật canh tranh, thì cũng không ít người nghi ngại về tính khả thi của biện pháp này.

Từ phía Bộ Tài chính, thông tin cho biết ngay sau khi có Nghị quyết của Chính phủ, cơ quan này đã cập nhật thông tin, số liệu mới nhất làm cơ sở để xác định giá bán tối đa. Các xác định này được thực hiện đối với một số sản phẩm chuẩn, từ đó hình thành phương pháp xác định giá tối đa đối với các sản phẩm còn lại, cả giá ở khâu bán buôn lẫn giá ở khâu bán lẻ. Tiếp đó, Bộ Tài chính sẽ ban hành quyết định công bố giá bán tối đa và thực hiện việc đăng ký giá đối với sản phẩm. Mức giá tối đa giảm bao nhiêu, giảm như thế nào, còn phụ thuộc vào thực tế thị trường, nhưng các mức đưa ra là từ 50-70 nghìn đồng là có cơ sở. Việc quản lý sẽ thống nhất, tạo được mặt bằng bình ổn, khắc phục được diễn biến tăng giá bất thường của sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi trong thời gian qua. Với cách tính giá tối đa đó, người tiêu dùng có lợi, mà doanh nghiệp thì vẫn bù đắp, tiết kiệm được chi phí, duy trì được lợi nhuận hợp lý, đảm bảo được hoạt động kinh doanh bình thường. Tiếp sau đó sẽ có những biện pháp quản lý thích hợp đảm bảo các doanh nghiệp sữa tuân thủ nghiêm quy định về giá tối đa, vừa đảm bảo được chất lượng sản phẩm

Nguồn: cand.com.vn

Các tin khác