Kinh tế xã hội

Trả tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người giúp việc: Liệu có khả thi?

14:07, 06/05/2014 (GMT+7)

(Congannghean.vn)- Nghị định quy định một số điều của Bộ luật Lao động về lao động là người giúp việc gia đình sẽ có hiệu lực từ ngày 25/5/2014, trong đó quy định về chủ sử dụng phải đóng BHXH, BHYT đối với người giúp việc gia đình. Theo những người chủ sử dụng và chính người giúp việc thì Nghị định này khó đi vào cuộc sống vì rất ít lao động ký hợp đồng cụ thể với chủ và cũng chưa quan tâm tới việc tự đi nộp bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế.

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành nghị định 27/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động là người giúp việc gia đình. Theo đó, từ ngày 25/5, người sử dụng lao động giúp việc gia đình sẽ phải ký kết hợp đồng lao động với các nội dung theo quy định. Nghị định quy định quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người sử dụng lao động, người giúp việc gia đình trong việc thực hiện hợp đồng lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thời gian làm việc, nghỉ ngơi, kỷ luật lao động, an toàn lao động… theo quy định của Bộ luật Lao động.

Theo quy định mới, nội dung hợp đồng lao động phải ghi rõ thỏa thuận về tiền lương, điều kiện ăn ở của người giúp việc, tiền tàu xe về nơi cư trú khi chấm dứt hợp đồng lao động đúng hạn, trách nhiệm bồi thường do gây thiệt hại về tài sản của người sử dụng lao động, các hành vi nghiêm cấm… Tiền lương bao gồm cả chi phí ăn, ở của người giúp việc gia đình do hai bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định. Đặc biệt, trong trường hợp người sử dụng lao động yêu cầu người giúp việc làm việc ngoài thời gian ghi trong hợp đồng lao động, làm việc vào ngày nghỉ lễ, ngày Tết… thì phải trả tiền lương làm thêm giờ theo quy định.

Về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm một khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế cho lao động giúp việc gia đình cùng lúc với kỳ trả lương để người lao động tự lo bảo hiểm. Trong trường hợp người giúp việc gia đình bị ốm, bị bệnh, chi phí khám, chữa bệnh do người lao động chi trả. Thời gian nghỉ việc do bị bệnh, bị ốm, người sử dụng lao động không phải trả lương.

Tranh minh họa

Nghị định thể hiện nhiều điều khoản có lợi và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người giúp việc vốn lâu nay chịu nhiều thiệt thòi, nhưng để triển khai và để nghị định đi vào cuộc sống chắc chắn sẽ cần một thời gian dài. Nghị định không bắt buộc chủ sử dụng phải đóng bảo hiểm xã hội cho người giúp việc, việc đóng bảo hiểm hay không tùy vào sự thỏa thuận của hai bên và bản thân người giúp việc không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Điều này vô tình tạo điều kiện cho chủ sử dụng và người lao động không bị vướng bận vào quy định phải trả bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. Chỉ cần chủ sử dụng phân định rạch ròi đâu là tiền lương, đâu là tiền bảo hiểm là coi như hoàn thành nghĩa vụ bảo hiểm với người lao động, người lao động đóng bảo hiểm hay không thì tùy. Việc ký hợp đồng với người giúp việc cũng không phải theo mẫu nhất định mà tự thỏa thuận nên việc thay đổi những quy định của nghị định là khó tránh khỏi và những thay đổi này thường sẽ bất lợi cho người giúp việc. Chủ sử dụng cũng có thể không ký hợp đồng với người lao động mà không chịu bất kỳ chế tài xử lý nào.

Mặt khác, tuy chịu một số thiệt thòi về bảo hiểm y tế, xã hội, môi trường làm việc và các chế độ khác nhưng về thực tế, người giúp việc đang nhận lương cao hơn lương cơ bản rất nhiều. Theo nghị định mới, người giúp việc đang lo bị giảm lương. Tại TP Vinh, người giúp việc đang nhận lương từ 2,5 triệu đến 3 triệu đồng/tháng, chưa kể các chi phí khác như ăn ở, đi lại…, trong khi lương cơ bản theo vùng của Nghệ An là 1,9 triệu đồng/tháng.

Nếu phải đóng thêm bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (21% lương theo hợp đồng) và các khoản khác theo nghị định thì các chủ sử dụng sẽ “lách luật” bằng cách giảm lương, giảm chi phí giúp việc. Chị Nguyễn Thị Hoài ở xã Hưng Lộc, TP Vinh cho biết: Tôi là giáo viên mầm non mới ra trường, đi làm chỉ được trả lương 2 triệu đồng/tháng nhưng phải thuê giúp việc 3 triệu đồng/tháng, tính thêm ăn ở và chi phí khác phải đến 4,5 triệu đồng/tháng. Nếu phải chi trả đúng theo nghị định thì chắc tôi phải nghỉ dạy về chăm gia đình, con cái vì chi phí giúp việc gấp đôi số tiền tôi làm ra”.

Chị Phạm Thị Hạnh - một người giúp việc lâu năm ở cùng xã tâm sự: “Nghe về nghị định cũng mừng nhưng khó lắm chú ơi. Tôi đi làm đã hơn chục năm nay nhưng đã bao giờ được ký hợp đồng lao động đâu, đi giúp việc toàn nghèo khó cả nên có được trả tiền bảo hiểm cũng để tiêu thôi”. Nhiều chủ nhà và giúp việc cho rằng, mối quan hệ giữa chủ nhà và giúp việc quan trọng là cách ứng xử với nhau chứ có hợp đồng chưa chắc đã tốt.

Rõ ràng, nghị định được ban hành là hợp lý để đảm bảo quyền lợi của mỗi bên, nhưng để triển khai nghị định cần một lộ trình dài và sự vào cuộc của các cơ quan chức năng.

Ngọc Hùng

Các tin khác