Kinh tế xã hội

Xây cầu treo dân sinh: Phải đảm bảo an toàn và hiệu quả

10:13, 02/05/2014 (GMT+7)
Những sự cố xảy ra liên quan tới cầu treo, cầu tạm thời gian gần đây cho thấy còn nhiều bất cập trong công tác quản lý đầu tư xây dựng, chất lượng ở các khâu khảo sát, thiết kế, và bảo trì trong quá trình khai thác. Việc kiểm tra rà soát cầu cũ và thay thế bằng cầu treo mới là việc cấp thiết của Bộ Giao thông vận tải, với 4 mục tiêu là an toàn nhất, nhanh nhất, nhiều nhất và hiệu quả nhất.
 
Theo báo cáo của Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông, Bộ Giao thông vận tải, qua kiểm tra, rà soát các công trình cầu treo, cầu tạm và việc triển khai xây dựng các cầu dân sinh tại các địa phương cho thấy hiện có 1.944 cầu, trong đó trên hệ thống đường xã, thôn xóm, làng bản có 1.833 cầu (chiếm 94%); hệ thống đường huyện có 111 cầu (6%). Thời gian xây dựng đưa vào khai thác cầu trước năm 2000 chiếm 28%, từ năm 2000 đến nay 72%.
 
Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ
 
Ông Khuất Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông cho biết, cầu treo được xây dựng ở vùng dân tộc, miền núi không chỉ đảm bảo an toàn giao thông mà còn góp phần thúc đẩy giao lưu kinh tế, văn hóa giữa các địa phương. Tuy nhiên, thực tế cho thấy có nhiều cầu treo dân sinh đang khai thác nhưng không có đầy đủ biển báo an toàn giao thông và không có hướng dẫn khai thác, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro gây tai nạn giao thông cho người dân.
 
Ông Nguyễn Văn Nhân, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam cho biết, khó thể thống kê được đầy đủ bởi cầu treo, cầu yếu thì nhiều vô kể. Cầu yếu nếu nhỏ thì không đáng ngại nhưng cầu treo thì do địa phương tự thiết kế thi công, khai thác nên cũng còn nhiều vấn đề.
 
“Thực tế việc đầu tư đang có sự khập khiễng. Cầu quốc lộ thì đầu tư nhiều, xây kiên cố nhưng vẫn thiếu, các địa phương vẫn yêu cầu xây tiếp, trong khi cầu treo dân sinh chưa được đầu tư xây dựng đúng mức, mà đây lại là nhu cầu cấp bách của người dân, nhất là ở các địa phương vùng núi”, ông Nhân nói.
 
Theo ông Nguyễn Văn Nhân, không phải các địa phương không quan tâm xây cầu treo cho dân mà là lực bất tòng tâm, huy động vốn khó khăn nên không thể một lúc làm được ngay mà phải chọn lựa những vị trí xung yếu nhất để làm trước, để đáp ứng nhu cầu lớn của người dân.
 
Để đảm bảo an toàn giao thông đối với hệ thống cầu treo, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng đã yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tổng cục Đường bộ Việt Nam rà soát lại toàn bộ hệ thống cầu treo dân sinh trên địa bàn tỉnh, thành phố; tổ chức kiểm định chất lượng các cầu để có phương án khai thác phù hợp; đồng thời rà soát lại thiết kế các dự án cầu treo đang được chuẩn bị đầu tư xây dựng để phù hợp với điều kiện khai thác và đảm bảo an toàn tuyệt đối.
 
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường, giải quyết vấn đề giao thông nông thôn miền núi vẫn là trăn trở từ nhiều năm nay. Miền núi mới chủ yếu đi lại thuận lợi hơn vào mùa khô còn mùa mưa thì rất khó khăn do không có đường sá, cầu, cống.
 
“Vừa rồi Bộ Giao thông Vận tải đã trình Chính phủ xây dựng đề án tổng thể làm cầu dân sinh cho miền núi. Ban đầu nếu tính để đảm bảo phục vụ nhu cầu đi lại tối thiểu thì cũng cần xây dựng xấp xỉ gần 5.000 cây cầu. Sau đó tính toán gút lại đối với những khu vực thiết yếu hơn thì cũng cần khoảng 2.500 cầu, phải xây dựng trong nhiều năm. Cuối cùng, tính đến các khu vực ưu tiên cho đồng bào thiểu số ở miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên thì gút lại còn 186 cầu”, Thứ trưởng chia sẻ.
 
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường khẳng định, chỉ làm cầu treo thì mới có cách làm nhanh và giá thành rẻ, từ 1 đến 3 tỷ đồng/cây cầu. Những cầy cầu cấp bách nhất cho đồng bào thiểu số sẽ được triển khai trong hai năm 2014 – 2015. Bộ cũng đã giao cho các cơ quan chuyên môn thiết kế định hình đối với cầu treo dân sinh và giao cho các doanh nghiệp có nguồn lực mạnh thi công. Nguồn vốn tổng thể cũng đang trình để Chính phủ phê duyệt, trong đó đưa ra nhiều giải pháp thu hút vốn như trái phiếu Chính phủ, huy động nguồn vốn trong và ngoài nước và nguồn ODA có thể dành ra để xây dựng cầu.
 
Về thiết kế và chất lượng cầu, ông Khuất Minh Tuấn, cho biết, tải trọng và khổ cầu chiếm đa số là các cầu được thiết kế tương đương với tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn loại A hoặc loại B. Ngoài ra còn một số cầu được thiết kế với tải trọng thấp (cho người đi bộ 100 - 300 kg/m2, các loại tải trọng này chưa có tiêu chuẩn thiết kế). Do đó, ông Khuất Minh Tuấn cho rằng cần thiết phải ban hành bổ sung tiêu chuẩn thiết kế cầu treo trên hệ thống đường giao thông nông thôn, đường dân sinh để thống nhất về nội dung tiêu chuẩn thiết kế và tải trọng khai thác.
 
Theo Bộ Giao thông Vận tải, để đảm bảo hiệu quả đầu tư, tuổi thọ và an toàn khai thác của công trình cầu, trước khi quyết định đầu tư xây dựng cầu cần điều tra, đánh giá cụ thể về nhu cầu giao thông thực tế trong khu vực, sự phù hợp của phương án cầu treo dân sinh với điều kiện địa hình, địa chất, thủy văn thực tế nhằm đảm bảo hiệu quả đầu tư xây dựng và an toàn trong khai thác. Bên cạnh đó, cầu treo dân sinh có tải trọng không lớn, do đó phải có các giải pháp để hạn chế tải trọng trong quá trình khai thác như hạn chế chiều cao tĩnh không cầu để các phương tiện có tải trọng nặng không thể đi lên cầu, bố trí đầy đủ biển báo quy định rõ về tải trọng xe, số lượng người cho phép lên cầu, tuyên truyền cho đồng bào dân tộc hiểu để tự giác thực hiện.
 
Ông Nguyễn Tăng Cường - Giám đốc Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung (đơn vị được giao thiết kế, triển khai thi công 186 cầu treo dân sinh trên địa bàn vùng dân tộc, miền núi thuộc 28 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên) cho biết, sẽ có bộ thiết kế mẫu hợp chuẩn chất lượng, tiêu chuẩn để trình Bộ và các cơ quan chức năng phê duyệt cả thiết kế và đơn giá định mức cho từng chủng loại cầu treo dân sinh, trên cơ sở đó sẽ áp dụng rộng rãi đại trà trên phạm vi cả nước. Đây là giải pháp hiệu quả, vừa kiểm soát được chất lượng vừa rút ngắn được thủ tục hành chính, đồng thời đẩy nhanh được tiến độ thi công, đáp ứng nhu cầu đi lại cho người dân miền núi.

Nguồn: dangcongsan.vn

Các tin khác