Kinh tế xã hội
Giảm tải cho người nghèo, khuyến khích tiết kiệm điện
(Congannghean.vn)- Theo dự thảo Thông tư hướng dẫn giá bán điện năm 2014 của Bộ Công thương, giá bán lẻ điện sinh hoạt, hộ nghèo và hộ chính sách xã hội sẽ được áp dụng giá của bậc 1 (993 đồng/kWh) cho 50 kWh đầu tiên. Những người thuê nhà cũng được ký hợp đồng trực tiếp với ngành điện mà không phải mua lại của chủ nhà. Theo hướng dẫn giá bán điện mới này thì những người nghèo, người phải thuê nhà sẽ hưởng lợi, còn những người không tiết kiệm sẽ gánh chịu chi phí lớn khi mức tăng có thể lên lới 159%.
Vừa qua, Bộ Công thương cùng ngành điện đã xây dựng xong cơ cấu biểu giá bán lẻ điện trình Thủ tướng Chính phủ. Theo biểu giá thì giá bán lẻ điện được quy định chi tiết cho từng nhóm khách hàng sử dụng điện, bao gồm: Sản xuất, kinh doanh, hành chính sự nghiệp, sinh hoạt. Giá bán lẻ điện các cấp điện áp (từ 110 kV trở lên, từ 22 kV đến dưới 110 kV, từ 6 kV đến dưới 22 kV và dưới 6 kV) áp dụng cho các nhóm khách hàng sản xuất, kinh doanh, hành chính sự nghiệp. Giá bán lẻ điện cho nhóm khách hàng sử dụng điện sinh hoạt gồm 6 bậc có mức tăng dần nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
Giá bán lẻ điện sinh hoạt dùng công tơ thẻ trả trước được áp dụng khi điều kiện kỹ thuật cho phép đối với nhóm khách hàng mua điện tạm thời và mua điện ngắn hạn sử dụng điện cho mục đích sinh hoạt. Hộ nghèo theo tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ quy định được hỗ trợ tiền điện cho mục đích sinh hoạt, mức hỗ trợ hàng tháng tương đương tiền điện sử dụng 30 kwh tính theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 hiện hành. Hộ chính sách xã hội theo tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ quy định và có lượng điện sử dụng cho mục đích sinh hoạt trong tháng không quá 50 kwh được hỗ trợ tiền điện tương đương tiền sử dụng 30 kwh tính theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 hiện hành. Kinh phí hỗ trợ tiền điện cho các hộ nghèo và hộ chính sách xã hội được trích từ nguồn ngân sách Nhà nước...
Hộ nghèo và người thuê nhà sẽ được hưởng lợi từ Thông tư hướng dẫn giá bán điện 2014 - Ảnh minh họa |
Cũng theo dự thảo Thông tư của Bộ Công thương, đối với trường hợp cho sinh viên và người lao động thuê nhà đăng ký tạm trú từ 12 tháng trở lên thì chủ nhà hoặc đại diện người thuê trực tiếp ký hợp đồng mua, bán điện. Trường hợp thời hạn thuê nhà dưới 12 tháng thì chủ nhà phải trực tiếp ký hợp đồng mua, bán điện. Trường hợp người thuê nhà không ký hợp đồng trực tiếp với bên bán điện thì chủ nhà cho thuê có trách nhiệm thu tiền điện của người thuê nhà theo đúng giá bán lẻ điện trong hóa đơn tiền điện hàng tháng do đơn vị bán lẻ điện phát hành, cộng thêm 10% cho tổn thất, chi phí chiếu sáng và bơm nước dùng chung. Thông tư này dự kiến sẽ được ban hành và có hiệu lực sau khi có quyết định của Thủ tướng về cơ cấu biểu giá bán điện năm 2014.
Theo thông tư này thì những người nghèo, người đi thuê trọ sẽ được giảm tải khá lớn trong chi phí tiền điện. Từ lâu nay, những người thuê trọ chịu rất nhiều thiệt thòi khi phải chi trả tiền điện theo quy định của chủ nhà trọ. Tại các phòng trọ gần Đại học Vinh, sinh viên, người thuê trọ đang phải trả tới 4.000 đồng/kWh, trong khi giá điện Nhà nước quy định ở mức 1.508 đồng/kWh. Điều này dẫn đến việc những người thuê trọ không chỉ gánh tiền điện cho chủ mà chủ nhà còn thu lợi từ việc thu tiền điện với giá trên trời. Từ lâu, đối với những người phải đi thuê nhà trọ, câu chuyện giá điện cao đã không còn lạ lẫm.
Và họ, những đối tượng vốn đã nghèo sẽ lại càng nghèo thêm vì phải gánh thêm khoản tiền điện cao hơn mức bình thường. Với việc thông tư nói trên của Bộ Công thương, nếu đi vào thực tiễn, hy vọng giá điện đến tay người thuê trọ sẽ công bằng hơn. Giá điện bán lẻ cũng đánh mạnh vào những đối tượng sử dụng điện nhiều, gây lãng phí khi từ mức ba đã tăng 110%, mức sáu là 159%. Những người giàu có xu hướng sử dụng điện sinh hoạt sẽ phải gánh chịu một khoản lớn tiền điện nếu không có cách sử dụng điện hợp lý. Đây là động thái nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm của Nhà nước trong khi nguồn năng lượng điện vẫn đang khan hiếm.
Ngọc Hùng