Kinh tế xã hội

Quản lý Nhà nước về khai thác cát sỏi: Cần một giải pháp hữu hiệu

07:26, 07/05/2014 (GMT+7)

(Congannghean.vn)- Tháng 3/2013, sau khi Công an tỉnh tổ chức truy quét “cát tặc” trên tuyến sông Con, tình trạng khai thác thổ phỉ trên địa bàn huyện Tân Kỳ cơ bản đã chấm dứt. Tuy nhiên, trong khi nhu cầu cát sỏi xây dựng của người dân rất lớn thì tại nhiều huyện vẫn chưa có đơn vị được cấp phép khai thác. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp “làm liều” khai thác hoặc lợi dụng thăm dò mỏ để khai thác, cung cấp cho người dân, lợi bất cập hại. Hoạt động khai thác cát sỏi phải được siết chặt hơn nữa, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp và tránh thất thu nguồn thuế cho Nhà nước.

Chủ yếu là khai thác không phép

“Cú đấm mạnh” của chiến dịch truy quét trong tháng 3/2013 của Công an tỉnh đã tạo ra hiệu ứng tích cực trong công tác quản lý khai thác cát sỏi trên địa bàn tỉnh ta trong một thời gian dài. Tại thời điểm đó, tình trạng khai thác thổ phỉ ở nhiều huyện đã tạm lắng. Riêng tại huyện Tân Kỳ, lực lượng chức năng đã lập biên bản vi phạm tại 17 điểm khai thác cát sỏi trái phép hai bên bờ sông Con, tạm giữ 6 máy húc, 7 máy hút, 43 tàu chuyên dụng khai thác cát sỏi, ban hành xử lý vi phạm hành chính 15 cá nhân, tổ chức vi phạm.

Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên địa bàn Tân Kỳ quý I/2013 là 235 triệu đồng. Sau chiến dịch truy quét, trên địa bàn Tân Kỳ chỉ còn hai doanh nghiệp hoạt động khai thác cát và đều đã được cấp phép, bao gồm Công ty TNHH MTV Cường Hòa và Công ty TNHH TM&DV Hải An; 7 doanh nghiệp khác đang trong thời gian xin thăm dò, cấp phép khai thác.

Bà Hồ Thị Loan - Trưởng phòng TNMT huyện Tân Kỳ cho biết: Sau khi Công an tỉnh tổ chức truy quét và giao lại địa bàn sạch, huyện Tân Kỳ đã làm rất quyết liệt. Ngoài 2 đơn vị được cấp phép, các đơn vị khác buộc phải dừng ngay mọi hoạt động, trình các thủ tục xin thăm dò, tiến tới cấp phép khai thác. Công an huyện thường xuyên phối hợp với UBND huyện và trở thành lực lượng nòng cốt trong việc duy trì địa bàn sạch.

Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Tân Kỳ kiểm tra một đơn vị khai thác cát sạn

“Nhiều lần, chúng tôi phải điều động lực lượng tổ chức tuần tra từ sáng sớm, thậm chí giữa đêm khuya. Cùng với đó là việc UBND huyện tổ chức rào, múc đường vào 9 bến tập kết cát sỏi trái phép. Điều này khiến việc khai thác thổ phỉ gần như không còn xảy ra... Tuy nhiên, nhiều đơn vị “phàn nàn”, tại sao chỉ mỗi Tân Kỳ làm quyết liệt trong khi các huyện khác, dù chưa được cấp phép nhưng không ít đơn vị vẫn tổ chức khai thác? Việc quản lý không đồng bộ trong công tác khai thác cát sỏi trên địa bàn tỉnh cũng gây ra những khó khăn cho Tân Kỳ” - bà Loan cho biết.

Việc thực hiện không nghiêm công tác quản lý khai thác cát sỏi trên địa bàn tỉnh ta suy cho cùng có nguyên nhân khách quan. Theo thống kê, trên địa bàn huyện Đô Lương chỉ có 1 đơn vị được cấp phép khai thác, 7 đơn vị khác được cấp phép thăm dò. Với thực trạng này, người dân Đô Lương thiếu nguồn cát sỏi phục vụ xây dựng, một số đơn vị đang trong thời gian thăm dò đã tổ chức khai thác để cung cấp cho người dân. Còn tại Thanh Chương, đến thời điểm này cũng chỉ mới có 3 doanh nghiệp được phép thăm dò, chưa một đơn vị nào có giấy phép khai thác.

Cần sớm điều chỉnh

Trong khi chờ cấp phép khai thác thì nhiều đơn vị “làm liều” và chính quyền các địa phương tỏ ra “thông cảm” trước tình trạng này. Điều này gây ra nhiều hệ lụy như ô nhiễm môi trường không được khắc phục, bản thân doanh nghiệp được lợi nhưng thất thu nguồn thuế cho Nhà nước, khai thác bừa bãi ảnh hưởng đến dòng chảy, sạt lở đất đai, hao phí tài nguyên... Theo thống kê, trên địa bàn huyện Thanh Chương hiện nay có trên 20 đơn vị đang khai thác dù chưa được cấp phép.

Cuối năm 2013, sau khi thanh tra Sở TNMT vào cuộc, UBND các xã đều đồng loạt cắt hợp đồng cho thuê bến bãi đối với các đơn vị khai thác. Tuy nhiên, các đơn vị này vẫn sử dụng các bến bãi trên “miễn phí” và vẫn tổ chức khai thác cát sỏi với lý do đang trong lộ trình xin cấp phép khai thác. Được biết, các đơn vị này đã thành lập công ty với 22 cổ đông để cùng nhau xin cấp phép khai thác.

Được biết, việc cấp phép mỏ khai thác cát sỏi hiện nay do các ban ngành cấp tỉnh thẩm định, phê duyệt. Để được cấp mỏ, các đơn vị phải được sự chấp thuận của các sở: TNMT, Xây dựng, Công thương, Giao thông, NN&PTNT... Nhiều doanh nghiệp đã xin phép thăm dò để được cấp giấy phép khai thác 2 năm nhưng đến nay vẫn đang phải chờ đợi. Để khấu hao tài sản, đáp ứng nhu cầu của người dân thì các đơn vị này vẫn tổ chức khai thác và hệ lụy để lại là rất lớn. Nên chăng, bên cạnh việc siết chặt công tác khai thác, các cơ quan chức năng cần có sự điều chỉnh hợp lý để vừa đảm bảo nhu cầu của người dân, vừa quản lý được công tác khai thác một cách hiệu quả.

 

TIN LIÊN QUAN

Văn Dũng

Các tin khác