Kinh tế xã hội

Cần chấm dứt tình trạng 'rác' quảng cáo tràn lan

09:03, 11/05/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu thông tin quảng cáo các loại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ ngày càng gia tăng. Những tiện ích của thông tin quảng cáo là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, mặt trái của tình trạng quảng cáo, giới thiệu sản phẩm không tuân thủ theo các chế tài quy định của pháp luật đã bộc lộ khi trong thời gian qua, tình trạng rác quảng cáo, rao vặt xuất hiện tràn lan vừa phản cảm, vừa gây mất mỹ quan, ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường đô thị. 
 
Dạo qua các tuyến đường ở TP Vinh, không khó để nhìn thấy những tấm quảng cáo, rao vặt được in, dán tràn lan, tùy tiện. Tình trạng này diễn ra khá phổ biến ở mọi nơi: Từ các cột điện, trạm xe buýt, trạm điện thoại công cộng đến tường nhà. Ở đâu người đi đường cũng có thể bắt gặp những vết sơn in nham nhở, băng rôn, các tờ rơi quảng cáo với đủ loại nội dung thông tin, giới thiệu dịch vụ. Nào là tuyển nhân viên, trung tâm gia sư nhận dạy kèm, bán đất, khoan cắt bê tông, hút hầm cầu vệ sinh…, ai có nhu cầu, liên hệ số điện thoại 098…, 090…, 091… Nhiều tờ quảng cáo đã bị mưa nắng làm mục nát, có tờ bị xóa, vẽ bẩn được dán chồng lên nhau. Không ít bức tường vừa mới được quét vôi hay sơn lại rất sáng sủa nhưng không được bao lâu đã thấy xuất hiện đầy rẫy những dòng quảng cáo, rao vặt. Loại quảng cáo, rao vặt “chui”, trái phép kiểu này không tốn nhiều kinh phí nên thường được sử dụng rộng rãi, mọi lúc, mọi nơi. Chỉ cần một ít sơn hoặc một tờ giấy A4 có in sẵn nội dung là có ngay một mẩu quảng cáo.
 
Thanh niên tình nguyện ra quân gỡ bỏ “rác” quảng cáo trên các tuyến phố
Thanh niên tình nguyện ra quân gỡ bỏ “rác” quảng cáo trên các tuyến phố
 
Chi phí rẻ, không tốn quá nhiều công sức, thông tin dễ dàng “đập” vào mắt người đi đường là những lý do chính khiến cho “rác” quảng cáo xuất hiện tràn lan và rất khó kiểm soát. Một số tổ chức đoàn thể ở các khối phố như: Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ đã tổ chức bóc, gỡ, cạo sạch những tờ rơi, dòng quảng cáo được dán, viết bừa bãi. Tuy nhiên, khi các dòng chữ cũ vừa mới được cạo sạch thì không lâu sau đó, những dòng chữ, tờ rơi quảng cáo mới lại được viết, dán đè lên. Thậm chí, để đối phó với việc bị cạo số điện thoại, một số đối tượng còn dùng cả bình sơn xịt “công nghệ cao” để “đóng dấu” lên các bức tường, cột điện thông tin dịch vụ có kèm số điện thoại. Những quảng cáo “rác” sử dụng chất liệu sơn phun trực tiếp này thường rất khó xóa và có thể “bền vững” với thời gian.
 
Những quảng cáo rác xuất hiện tràn lan trên các tuyến đường vừa phản cảm vừa gây mất mỹ quan đô thị tồn tại dai dẳng bấy lâu nay nhưng vẫn chưa có biện pháp thực sự hữu hiệu để chấm dứt triệt để. Theo nhiều người dân, các cơ quan chức năng cần có những chế tài xử phạt hành chính thật nặng đối với các hành vi phát tán “rác” quảng cáo. Nghị định số 75/2010-NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ 1/9/2010 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa đã đưa ra các chế tài xử phạt cụ thể. Chẳng hạn, Mục 5, Điều 29 của nghị định này có quy định phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với các hành vi quảng cáo số điện thoại, địa chỉ của người làm dịch vụ không đúng nơi quy định; viết, vẽ, dán quảng cáo lên tường, gốc cây, cột điện và các vật thể khác làm mất mỹ quan đô thị, cảnh quan môi trường. Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi tái phạm và hình phạt bổ sung là cắt liên lạc điện thoại đối với hành vi này. Song song với việc áp dụng nghiêm các biện pháp xử lý hành chính đối với người vi phạm, cần lồng ghép vào nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” để người dân cùng góp phần giữ gìn mỹ quan khu phố mình đang ở. Nếu lồng ghép nội dung này vào tiêu chí bình xét khu dân cư văn hóa có thể sẽ góp phần ngăn chặn đáng kể tình trạng dán, viết, sơn in quảng cáo bừa bãi, trái phép khi mỗi người dân là “tai mắt” của các cơ quan chức năng.

Minh Tuấn

Các tin khác