Kinh tế xã hội
Thu hồi, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư: Ưu tiên tới sinh kế của người bị thu hồi
09:03, 11/05/2014 (GMT+7)
Sau thu hồi, việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư không chỉ dừng lại ở việc giao nhà hay giao tiền mà còn ở vấn đề sinh kế của người bị thu hồi trong nhiều năm sau nữa.
Đây là nhận định của các chuyên gia, các nhà quản lý được nêu ra tại Hội thảo khoa học “Góp ý dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất”. Hội thảo do Hội Liên hiệp khoa học kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hội Khoa học Đất Việt Nam tổ chức sáng 9/5, tại Hà Nội.
Tại Hội thảo, Chuyên gia cao cấp Tôn Gia Huyên, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chính nêu vấn đề về thực tế nhiều năm qua, có 1001 trường hợp sinh kế của người bị thu hồi đất không những tốt hơn mà còn kém hơn trước. Mặt khác, chi phí thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư không được quản lý và sử dụng đúng mục đích, gây ra những hậu quả tiêu cực về kinh tế - xã hội.
Hội thảo nhận được nhiều góp ý sôi nổi và thiết thực vào dự thảo Nghị định |
PGS.TS Lê Thái Bạt - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Đất Việt Nam cho biết, hiện, chúng ta đã lượng hóa được việc “bảo đảm người bị thu hồi đất có nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” ở 5 nội dung: nhà ở, đường sá giao thông, chợ, trường học - trạm xá và đời sống, phục hồi sinh kế. Trong 5 nội dung được lượng hóa trên, có 4 nội dung có thể và thực tế đã chứng minh là tốt hơn. Duy có nội dung về bảo đảm đời sống và phục hồi sinh kế là chưa làm được. Thực tế, nhiều dự án thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư còn phải triển khai dự án hậu tái định cư để giải quyết những tồn tại phát sinh liên quan tới đời sống của người dân bị thu hồi đất. Đơn cử như: dự án hậu tái định cư Thủy điện Sơn La, Thủy điện Tuyên Quang, Thủy điện Hòa Bình, Thủy điện Yaly (Gia Lai)…
Cũng đồng ý về việc bồi thường phải đảm bảo quyền tài sản cũng như đời sống hậu thu hồi đất của người dân, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Đại học Luật Hà Nội cho rằng, việc bồi thường phải tính tới cả bồi thường về công ăn việc làm để đảm bảo người bị thu hồi sống tốt và ổn định ở nơi ở mới.
TS Doãn Hồng Nhung, Đại học Quốc gia Hà Nội đề xuất, khi bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, cần đảm bảo điều kiện sinh kế và cơ hội công bằng khi tiếp cận nguồn vốn ưu đãi cho dân ổn định cuộc sống, cho người nông dân ổn định khi chuyển cơ cấu sang chuyển đổi nghề mới. Các chế tài trong Luật Đất dai cần được tăng cường để hạn chế những giao dịch tư lợi và các vi phạm pháp luật trong quản lý và sử dụng đất đai. Thuế tài nguyên, môi trường, đất phi nông nghiệp trong tương lại được Nhà nước ban hành sẽ là công cụ hữu hiệu trong quản lý và sử dụng đất. Đồng thời, bồi thường cần hạn chế tối đa tình trạng đất hẹp, nhỏ tồn tại. Nhà nước cần hợp khối, hợp thửa nhằm cải thiện đời sống cho nhân và tạo mỹ quan cho cảnh quan nơi có đất thu hồi…
Đánh giá về công tác thu hồi, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, PGS.TS Vũ Năng Dũng, Chủ tịch Hội Khoa học Đất Việt Nam khẳng định: trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước, việc thu hồi đất đai để xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển các khu công nghiệp là điều tất yếu. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, đây cũng là nội dung khó khăn, phức tạp, nhiều nơi gây ra tình trạng khiếu kiện kéo dài, gây bất ổn cho xã hội.
Đông đảo các chuyên gia, nhà quản lý đều thống nhất, trong thực tế hiện nay, phần lớn các đơn thư khiếu kiện tập trung vào vấn đề thu hồi đất. Để khắc phục thực trạng này, TS Nguyễn Đình Bồng, Hội Khoa học đất Việt Nam cho rằng, việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo đúng quy định của pháp luật.
Nhiều đại biểu bày tỏ mong muốn và hy vọng Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai về bồi thường hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất sẽ bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thu hồi đất, góp phần khắc phục bất cập và điều tiết hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư đồng thời giảm thiểu khiếu kiện trong bồi thường, giải phóng mặt bằng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế.
Sự phát triển nhanh mạnh của đô thị hóa sẽ là điều kiện để triển khai nhiều dự án cần đến quỹ đất lớn, đòi hòi việc thu hồi, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư hợp lý để giải phóng mặt bằng hiệu quả - Ảnh minh họa |
Chuyên gia cao cấp Tôn Văn Huyên chỉ ra, thu hồi, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư là một trong những khâu then chốt để xử lý quan hệ đất đai. Nội dung này không chỉ giới hạn trong nhiệm vụ quản lý nhà nước mà còn liên quan chặt chẽ đến nhiều mối quan hệ kinh tế - xã hội rộng khác và trên thực tế, còn liên quan đến những vấn đề về môi trường, quan hệ kinh tế quốc tế.
Theo chuyên gia Huyên, ngoài việc thực hiện những nhiệm vụ cụ thể do Luật Đất đai đã giao cho (tại 65 Điều), theo Hiến pháp, Chính phủ còn có nhiệm vụ tổ chức thi hành Luật (Điều 96, Hiến pháp 2013), việc này cần được rõ nét trong Nghị định. Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chính cho rằng, cần có bước đột phá trong tổ chức thi hành Luật mới có thể khắc phục một cách cơ bản những tồn tại hiện nay, do đó, chương III trong Nghị định này cần bổ sung thêm theo hướng: Huy động toàn bộ hệ thống chính trị tham gia thật sự vào sự nghiệp bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; xây dựng một cơ chế dân chủ thực sự với người dân, trước hết là với tư cách cộng đồng những người bị thu hồi đất được tham gia quá trình này ngay từ khi lập quy hoạch sử dụng đất, xây dựng các phương án khả thi, tổ chức thực hiện… Đồng thời, Nhà nước phải chịu trách nhiệm với người bị thu hồi đất cho đến khi sinh kế của họ được cải thiện ổn định hơn trước bằng một hệ thống chính sách kinh tế - tài chính – xã hội và phát triển, cân đối hài hòa lợi ích ba bên: Nhà nước, người bị thu hồi đất và nhà đầu tư.
Đồng quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Đại học Luật Hà Nội phân tích rõ hơn, thu hồi đất được đặt ra trên cơ sở về quyền sở hữu về tài sản của công dân được pháp luật bảo hộ. Thêm vào đó, đặt trong bối cảnh Nhà nước Việt Nam là nhà nước “của dân, do dân và vì dân”, khi thu hồi đất của người dân để thực hiện bất cứ vì mục đích gì mà làm phương hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân thì Nhà nước có trách nhiệm phải bồi thường. Hơn nữa, trong giai đoạn hiện nay, để tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức của toàn cầu hóa về kinh tế, chúng ta cần phát huy nội lực, tinh thần đoàn kết dân tộc và khơi dậy tinh thần lao động, sáng tạo góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới, Nhà nước phải tôn trọng và bảo hộ quyền lợi chính đáng của người dân, trong đó có nội dung bồi thường khi nhà nước thu hồi đất.
PGS.TS Phạm Quang Hà, Viện phó Viện Môi trường Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lưu ý, cần khu trú vào những nội dung chi tiết liên quan tới nội dung thu hồi, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Trong đó, đặc biệt tách thu hồi, bồi thường, tái định cư thành 3 chương riêng biệt trong Nghị định, đặc biệt lưu ý chi tiết hơn tới nội dung tái định cư.
Nguồn: dangcongsan.vn