(Congannghean.vn)-Lâu nay, vấn đề an toàn lao động và phòng, chống cháy nổ luôn đặt ra nhiều trở ngại, lo lắng đối với xã hội. Nghệ An được đánh giá là nơi có trữ lượng nguồn tài nguyên khoáng sản lớn nên công tác đảm bảo an toàn lao động khi khai thác cũng không hề nhỏ. Trong đó, lĩnh vực đá xây dựng đang được khai thác một cách rầm rộ như hiện nay thì vấn đề an toàn lao động tại các điểm mỏ luôn “nóng” hơn bao giờ hết. Đã có không ít vụ tai nạn chết người xảy ra, không ít những cảnh báo mất an toàn lao động tại các mỏ đá xây dựng. Nhưng vì lợi nhuận, vì cuộc sống mưu sinh, nhiều chủ mỏ lẫn công nhân vẫn còn xem nhẹ tính mạng của mình trước lợi nhuận từ đá.
Chênh vênh trên vách đá, không dây an toàn, không bảo hộ lao động… Đó là những cảnh tượng tại hầu hết các mỏ khai thác đá xây dựng mà chúng tôi được “mục sở thị” tại các địa phương như Quỳnh Lưu, Yên Thành, Đô Lương, Tân Kỳ, Quỳ Hợp… trong thời gian qua. Họ là những công nhân được chủ mỏ thuê dưới nhiều hình thức khác nhau để khoan nổ mìn, bốc vác, vận chuyển nên “dây chuyền” khai thác đá cũng chỉ là hình thức thủ công, tạm bợ.
Nằm khuất sâu trong khu dân cư, cách trung tâm huyện lỵ Quỳnh Lưu khoảng 15 km về hướng Tây Bắc, mỏ đá tại Thung Buồng thuộc địa phận xóm 6, xã Quỳnh Tân của Công ty CP Thương mại và Xây dựng Bình An được khai thác theo “quy trình” ngược. Đúng ra, theo thiết kế được các cơ quan chức năng phê duyệt phải khai thác theo hướng bóc dần từ đỉnh mỏ xuống, nhưng tại đây vẫn khai thác theo kiểu “hàm ếch”. Phía trên là những tảng đá khổng lồ nằm chênh vênh, phía dưới những tốp công nhân, thợ khoan vẫn vô tư làm việc mà không biết rằng, “tử thần” đang treo lơ lửng trên đầu mình. Khi tìm hiểu vì sao chủ mỏ lại khai thác ngược như vậy thì được biết, nếu làm theo đúng quy trình thì phải bỏ chi phí đầu tư lớn, tốn thời gian?
Vấn đề an toàn lao động tại các mỏ đá đang bị xem nhẹ |
Tương tự như mỏ đá ở xã Quỳnh Tân, huyện Quỳnh Lưu thì mỏ đá của Công ty CP Xây lắp và Sản xuất vật liệu xây dựng 99 khai thác tại lèn Mười Hai Thung thuộc xã Trù Sơn (Đô Lương) cũng bất chấp quy trình khai thác theo thiết kế đã được phê duyệt ban đầu, tạo nên mối nguy hiểm rình rập tới mạng sống của người lao động. Được cấp phép khai thác 10 năm (2013 - 2023) với diện tích 20 ha, lẽ ra, trong thời gian dài như vậy, để đảm bảo tính an toàn bền vững cho khu vực khai thác, chủ mỏ phải tuân thủ các quy tắc bảo hộ lao động, khai thác theo hướng bóc dần từ đỉnh mỏ xuống. Tuy nhiên, trên thực tế, chủ mỏ vẫn bỏ mặc tất cả để chọn hướng khai thác theo kiểu “ăn xổi” từ dưới lên trên. Chứng kiến những thợ khoan đu mình trên vách đá, chúng tôi không khỏi rợn người trước cảnh tượng của mỏ đá do Công ty Xây lắp và Sản xuất vật liệu 99 khai thác.
Khi tiếp cận những công nhân đang tụm năm, tụm bảy quai búa vào những tảng đá lớn thành đá thành phẩm để chở đi, gần như 100% không hề có bảo hộ an toàn lao động. “Chúng em được Công ty thuê vào làm khoán theo sản phẩm. Nếu không làm đạt thì thu nhập thấp nên thành thử phải cạnh tranh với tốp thợ khác về khối lượng sản phẩm. Là người sinh sống ở đây, được chủ mỏ thuê theo mùa vụ nên không quan tâm đến bảo hộ lao động là gì cả. Nếu có thì bọn em mang vào cũng vướng, khó chịu” - một công nhân làm việc tại mỏ đá của Công ty CP Xây lắp và Sản xuất vật liệu xây dựng 99 cho biết. Cũng chính vì sự thờ ơ của công nhân, chủ quan xem thường tính mạng con người của đơn vị khai thác mà tại mỏ đá đã từng xảy ra tai nạn thương tâm, làm chết 2 người chỉ trong vòng 2 tháng.
Cụ thể, ngày 1/1/2013, công nhân Lê Văn Cường (SN 1984) trú xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương tử vong tại chỗ khi đang leo lên vách núi đá để khoan nổ mìn. Tiếp đó, vào ngày 9/2/2014, nạn nhân là Lưu Văn Nam (SN 1982) trú xã Nam Tiến, huyện Nam Đàn, là công nhân đang làm việc tại mỏ cũng bị rơi từ vách núi xuống tử vong. Theo phản ánh của người dân sống xung quanh lèn Mười Hai Thung, 10 năm trở lại đây, đã có 6 người bỏ mạng trong quá trình khai thác đá. Như vậy, tình trạng khai thác sai quy trình, xem thường an toàn lao động ở mỏ đá do Công ty CP Xây lắp và Sản xuất vật liệu xây dựng 99 đã không còn là cảnh báo mà nó đang hiện hữu trước mặt hàng chục công nhân đang làm việc tại đây.
Đó mới chỉ là “điểm mặt” một số mỏ khai thác ở các mỏ đá trên địa bàn một số huyện hiện nay mà chủ mỏ thờ ơ với tính mạng của công nhân. Thực tế, trên địa bàn tỉnh Nghệ An còn có hàng chục mỏ đá mặc dù được cấp phép nhưng vẫn không chấp hành đúng quy trình khai thác. Ngoài ra, ở một địa bàn như Quỳ Hợp, Tân Kỳ, Quỳ Châu… cũng có không ít mỏ đá xây dựng theo kiểu “thổ phỉ”, chui lủi mà các cơ quan chức năng không hề hay biết về quy trình khai thác của họ.
Trao đổi với chúng tôi, bà Hoàng Thị Hường - Chánh Thanh tra Sở Lao động Thương binh và Xã hội cho biết: “Để đảm bảo an toàn cho người lao động tại các mỏ khai thác khoáng sản trên địa bàn Nghệ An, hằng năm, các ngành chức năng đã ban hành nhiều văn bản, tuyên truyền vấn đề an toàn lao động đến tận các cơ quan, doanh nghiệp… Đồng thời, chúng tôi cũng mở các lớp đào tạo nghiệp vụ và cấp chứng chỉ cho người qua đào tạo. Tuy nhiên, hiện nay các “ông chủ” chỉ chú tâm vào việc tạo ra lợi nhuận hơn là quan tâm đến vấn đề an toàn cho người lao động. Chỉ đến khi những sự việc đáng tiếc xảy ra thì đã quá muộn, thậm chí nhiều đơn vị trở nên lúng túng không biết xử lý như thế nào để đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp và người lao động. Việc xử phạt hành chính các đơn vị vi phạm an toàn lao động chỉ mang tính chất răn đe, còn về lâu dài thì cần phải có sự nỗ lực từ nhiều phía, trong đó người sử dụng lao động và người lao động là yếu tố quyết định đảm bảo an toàn lao động”.
Việc các “ông chủ” mỏ đá coi trọng vấn đề lợi nhuận, chưa thực sự quan tâm đến an toàn cho người lao động, để xảy ra nhiều tai nạn đau lòng trong thời gian qua cũng có phần lỗi không nhỏ của các cấp, ngành quản lý ở cơ sở. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay trên địa bàn tỉnh ta có một số mỏ khai thác đá đã hết thời hạn cấp phép và chuyển sang giai đoạn “hoàn thổ”, trả lại mặt bằng. Tuy nhiên, tại những nơi đó, tình trạng khai thác vẫn diễn ra tự nhiên, nếu có hỏi thì các đơn vị cũng trả lời là “tận thu” trong quá trình hoàn trả mặt bằng. Ngoài ra, tình trạng khai thác “thổ phỉ” cũng diễn ra tại một số điểm mỏ khác. Có thể nói, nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn tại những địa điểm này là rất cao.
Theo số liệu của Sở LĐ-TB&XH, năm 2013, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 13 người chết vì tai nạn lao động; 32 vụ cháy, nổ làm chết 3 người, 12 người bị thương; khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự 1 vụ làm chết người tại mỏ khai thác đá. Cũng trong năm 2013, Công an tỉnh phối hợp với các ngành chức năng có liên quan tổ chức kiểm tra 1.516 lượt cơ sở, lập biên bản xử lý vi phạm 525 trường hợp, xử phạt thu ngân sách Nhà nước 567 triệu đồng, thu 5 dàn băng chuyền, 5 máy nén hơi… vì vi phạm về pháp luật lao động, an toàn vệ sinh lao động. |