Kinh tế xã hội

Kinh tế thế giới 2014 thêm sắc hồng

09:13, 19/01/2014 (GMT+7)

Triển vọng kinh tế toàn cầu 2014 được Ngân hàng Thế giới (WB) nhìn nhận là sáng sủa hơn, tiếp tục đà hồi phục.

Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu, công bố 2 năm một lần, do WB phát hành hôm 14/1 cho biết nhìn chung triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2014 là khả quan.

Khởi sắc…

WB dự báo, GDP toàn cầu sẽ tăng trưởng 3,2% trong năm nay, 3,4% trong năm 2015 và 3,6% trong năm 2016, từ mức tăng 2,4% đạt được trong năm 2013.

WB cho rằng, hầu hết sự tăng tốc này được dự kiến sẽ đến từ các nền kinh tế thu nhập cao, khi mà rào cản tăng trưởng do củng cố tài khóa và các bất ổn chính sách giảm xuống và khu vực kinh tế tư nhân phục hồi khả quan hơn.

Theo báo cáo này, tăng trưởng kinh tế khởi sắc và nhu cầu gia tăng tại các nền kinh tế phát triển sẽ hỗ trợ tích cực cho các nền kinh tế đang phát triển, đồng thời sẽ giúp bù đắp cho tình trạng thắt chặt về tài chính có thể xảy ra.

WB dự báo, các nền kinh tế thu nhập cao sẽ tăng tốc và đạt mức tăng trưởng 2,2% trong năm nay từ mức 1,3% trong năm 2013. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng ở các nền kinh tế đang phát triển được dự báo chỉ nhích lên 5,3% trong năm nay từ mức tăng 4,8% đạt được trong năm ngoái.

Cụ thể, báo cáo dự đoán nền kinh tế Trung Quốc và Ấn Độ, hai nền kinh tế mới nổi lớn nhất thế giới, sẽ tăng trưởng lần lượt là 7,7% và 6,2% trong năm nay trong bối cảnh chính phủ hai nước thực hiện các biện pháp cải tổ nhằm kích thích kinh tế tăng trưởng. Trong khi đó, Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, tiếp tục ghi nhận những tín hiệu lạc quan và tăng trưởng GDP dự kiến sẽ đạt 2,8% trong năm nay.

Báo cáo của WB cũng dự báo tình hình kinh tế tại 17 nước trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ tiếp tục được cải thiện và tăng trưởng của khu vực sẽ đạt 1,1% trong năm nay sau hai năm liên tiếp tăng trưởng âm.

… nhưng dễ tổn thương

Tổng Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF)  Christine Lagarde nhận định, sau một thời gian bất ổn, kinh tế thế giới đã có nhiều dấu hiệu cải thiện tích cực, nhất là trong nửa cuối năm 2013. Xu hướng này sẽ tiếp tục kéo dài sang năm nay khi tăng trưởng kinh tế tại các nước phát triển dần lấy lại đà phục hồi sau một thời gian dài suy thoái.

Mặc dù lạc quan về triển vọng kinh tế của năm 2014 song bà Lagarde cảnh báo nền kinh tế toàn cầu vẫn còn bất ổn và "dễ bị tổn thương" do hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế năm 2008.

Theo người đứng đầu IMF, sau 5 năm phục hồi kể từ "bão" tài chính năm 2008, tăng trưởng toàn cầu vẫn dưới mức 4%/năm khiến các nước phải thực hiện biện pháp kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, khi tỷ lệ lạm phát liên tục được kiềm chế dưới mức mục tiêu mà các ngân hàng trung ương đặt ra thì lại làm tăng nguy cơ dẫn tới giảm phát, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đà phục hồi kinh tế khi giá cả hàng hóa sụt giảm mạnh khiến nền kinh tế bị đóng băng.

Nhận định về triển vọng kinh tế tại châu Âu, người đứng đầu IMF cho rằng mặc dù đã thoát khỏi thời kỳ suy thoái kéo dài, song đà phục hồi kinh tế tại khu vực này vẫn chưa ổn định và không đồng đều do một số quốc gia vẫn đang gánh nhiều khoản nợ và tín dụng cao.

Bất bình đẳng thu nhập đe dọa kinh tế thế giới

Trong bản đánh giá rủi ro hàng năm của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) được công bố ngày 16/1 trước thềm cuộc họp của các nhà lãnh đạo kinh tế và chính trị hàng đầu thế giới vào tuần tới tại thành phố Davos (Thụy Sĩ), tổ chức này cho rằng sự chênh lệch thu nhập trong giai đoạn hậu khủng hoảng tài chính đe dọa gây ra những tác động tiêu cực trên quy mô toàn cầu trong thập kỷ tới.

WEF cảnh báo rằng một thế hệ thanh niên thất nghiệp trong thập kỷ này có thể sẽ là rào cản lớn đối với sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu, kéo theo các vấn đề xã hội nan giải.

WEF cũng liệt kê các nguy cơ khác như những hình thái thời tiết cực đoan, tỷ lệ thất nghiệp cao, gia tăng các cuộc tấn công mạng cũng như những khó khăn tài chính của các chính phủ....

Chinhphu

Các tin khác