Kinh tế xã hội

Vàng đã trở về giá trị thực

15:05, 16/01/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Năm 2013 đã khép lại, nhiều chuyên gia nhận định công tác chống “vàng hóa” nền kinh tế, đẩy lùi tình trạng đầu cơ, thao túng, lũng đoạn thị trường vàng đã thành công. Trên cả nước, đã không còn cảnh người dân đổ xô đi mua vàng bằng mọi giá. Đây là tín hiệu vui cho người dân và doanh nghiệp.
 
Tại Nghệ An, chỉ khoảng 1 năm trước, giá vàng đang ở trên đỉnh, người dân xem vàng là thứ tài sản giá trị để cất giữ; thì hiện nay, vàng đã về ngưỡng giá thị trường chung. Nhiều người dự trữ vàng không kịp bán tháo thì lắc đầu tiếc rẻ và mong mỏi giá vàng sẽ tăng. Còn các doanh nghiệp buôn vàng cũng dần ổn định, không còn tình trạng mua 4 bán 10 như trước.
 
Dạo quanh đường Cao Thắng - Nơi được xem là “phố vàng” ở TP Vinh, chúng tôi nhận thấy nhu cầu mua vàng của người dân phần lớn là để làm trang sức hoặc quà tặng đám cưới, rất ít người mua vàng để dự trữ như trước. Giá vàng cũng giao động từ 3,4 triệu đồng đến 3,6 triệu đồng/chỉ. Một chủ cửa hàng kinh doanh vàng cho biết, nhu cầu vàng của người dân đã khác hẳn, có tiền, dân không đầu tư vào vàng để dự trữ và bán khi được giá nữa mà mua với nhu cầu sử dụng là chính. Hơn nữa, giá vàng giao động không lớn, chỉ tăng một vài giá, không có tình trạng tăng đột biến như các năm trước nên không hấp dẫn người dân đầu tư theo kiểu “ăn xổi”.
 
Sau những giải pháp bình ổn, người dân không còn trữ vàng như trước
Sau những giải pháp bình ổn, người dân không còn trữ vàng như trước
 
Những năm trước, vào dịp cuối năm, thị trường vàng sôi động hơn nhiều, nhưng năm nay, nhu cầu không tăng so với tháng trước. Trong lúc đó, trang sức bằng vàng lại bán ra khá mạnh và đầu ra ổn định. Các doanh nghiệp kinh doanh vàng cũng ổn định kinh doanh chuyên nghiệp hơn bằng cách gắn kết vào tập đoàn lớn như Bảo Tín Minh Châu để đảm bảo nguồn hàng “chuẩn” và hợp pháp. Đến nay, 6 thương hiệu kinh doanh vàng lớn ở Nghệ An đã trở thành chi nhánh của Bảo Tín Minh Châu. Bên cạnh đó, họ giữ khách bằng cách vẫn giao thương những sản phẩm vàng của công ty mà người dân đã mua từ trước. Một số doanh nghiệp lại chuyển hướng bằng cách đầu tư vào sản phẩm trang sức và mỹ nghệ. Ưu điểm của hình thức kinh doanh này là cho ra những sản phẩm giá vừa phải, đáp ứng nhu cầu của nhiều tầng lớp nhân dân…
 
Có thể nói, Nghị định 22 (3/4/2012) của Chính phủ về Quản lý hoạt động kinh doanh vàng đã nhanh chóng tạo hiệu ứng tích cực. Minh chứng rõ ràng nhất là năm 2013, giá vàng đã giảm mạnh sau 10 năm tăng giá liên tục. Giá vàng trong nước đã tiệm cận và biến động theo quy luật của giá vàng trên thế giới. Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, giá vàng trong nước năm 2013 đã rơi đến 28% để ổn định so với thị trường thế giới và giảm đến 25% so với năm 2012. Không còn hiện tượng “làm giá”, tạo sóng, thao túng thị trường để kiếm lời của giới đầu cơ; không còn những cơn “sốt vàng”. Từ đó, hình thành một thị trường vàng tương đối ổn định.
 
Năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành nhiều phiên đấu thầu vàng, qua đó đã “bơm” lượng vàng vừa đủ để đáp ứng nhu cầu vàng của nền kinh tế. Thực tế cho thấy, bằng những giải pháp kịp thời trong năm qua, thứ kim loại lấp lánh đã trở về với đúng giá trị thực của nó, tạo lợi ích lâu dài cho cả doanh nghiệp và người dân.

Bình Nguyên

Các tin khác