Kinh tế xã hội
Méo mặt khi mua hàng trả góp
08:34, 18/01/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Thời gian gần đây, tại các cửa hàng kinh doanh trên địa bàn TP Vinh và các địa bàn phụ cận rộ lên hình thức bán hàng cho vay trả góp. Chỉ cần bỏ ra số tiền tối thiểu bằng 1/3 giá trị thực của sản phẩm, người tiêu dùng có thể sở hữu sản phẩm mình mơ ước bấy lâu nay với thủ tục cực kỳ nhanh gọn, không cần chứng minh tài chính, điều kiện duy nhất là mỗi tháng phải trả một khoản tiền theo quy định. Chiêu thức mà các cửa hàng này đưa ra là quảng bá mức lãi suất trả góp là 0 đồng, song thực tế đó là một cái bẫy người tiêu dùng, bởi tính ra, lãi suất thực phải trả khi mua hàng trả góp lên đến 30%/năm.
Méo mặt vì mua hàng trả góp
Anh Nguyễn Trần Hưng (SN 1982) trú tại phường Hà Huy Tập, TP Vinh cho biết, cuối tháng 7/2013, anh có nhu cầu mua một chiếc điện thoại Iphone 5 nên đến cửa hàng Viettel tại số 16, đường Nguyễn Thị Minh Khai để tham khảo thông tin sản phẩm. Tại đây, anh được báo giá là hơn 16 triệu đồng. Đang lưỡng lự vì số tiền bỏ ra quá lớn thì anh được nhân viên ở đây cho biết có bán hàng theo hình thức trả góp. Ngay sau cú điện thoại, anh Hưng được một cô nhân viên xinh đẹp của Công ty TNHH MTV Tài chính PPF Việt Nam đến tư vấn. Sau khi đồng ý thỏa thuận mua hàng trả góp, anh Hưng buộc phải trình chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu, kèm theo số điện thoại của mình và của vợ. Khoảng 10 phút sau, khi anh trả trước gần 30% giá trị thực (5 triệu đồng) và ký vào hợp đồng cam kết, anh đã là chủ sở hữu của chiếc điện thoại Iphone 5 bấy lâu mình mơ ước. Với số tiền còn lại là 11,047 triệu đồng, anh Hưng cam kết trả trong thời gian 6 tháng, mỗi tháng 2,349 triệu đồng.
Như vậy, chỉ trong vòng 6 tháng, anh Hưng đã phải cắn răng trả lãi cho công ty số tiền lãi là 3,047 triệu đồng, tương đương mỗi tháng anh phải trả lãi gần 600.000 đồng. Lãi suất này tính ra tương đương với 29,5% mỗi năm. “Mà nào có được yên khi chấp nhận chịu lãi suất cao ngất ngưởng đó. Hàng tháng, chỉ cần quá hạn một ngày so với quy định nếu chưa nạp tiền vào tài khoản, Công ty sẽ gọi về cho mình liên tục. Có tháng quá 2 ngày đã gọi ngay vào số máy vợ, làm mình mất ăn, mất ngủ trong mấy tháng trời. Cực chẳng đã, còn 2 tháng cuối phải vay mượn trả cho xong để được yên ổn làm ăn”, anh Hưng cho biết thêm. Trong hợp đồng còn ghi rõ, nếu vi phạm hợp đồng cam kết, người tiêu dùng sẽ bị phạt số tiền từ 250.000 - 650.000 đồng tùy theo thời gian chậm nộp tiền trả nợ hàng tháng.
Trong vai một khách hàng cần mua xe trả góp, chúng tôi tiếp cận một cửa hàng xe máy trên đường Quang Trung. Khi hỏi mua trả góp chiếc xe Honda SH 125 với giá 69,2 triệu đồng thì được tư vấn, nếu trả trước 29,2 triệu đồng, thì trong vòng 24 tháng tiếp theo, mỗi tháng chỉ phải trả 2,46 triệu đồng sẽ được sở hữu ngay chiếc xe này. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, trừ nợ gốc 40 triệu đồng, chúng tôi sẽ phải trả khoản lãi lên đến 19,04 triệu đồng, giá trị thực chiếc xe lúc đó sẽ là 88,24 triệu đồng và mức lãi suất phải chịu là 23,8%/năm.
Trả góp 0 đồng thực chất là bẫy lãi suất người tiêu dùng - Ảnh minh họa |
“Bẫy” người tiêu dùng
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên địa bàn TP Vinh hiện nay, dịch vụ cho vay dưới hình thức bán hàng trả góp này đã len lỏi gần như vào tất cả các cửa hàng kinh doanh lớn nhỏ, đặc biệt là các cửa hàng xe máy, ôtô và điện thoại di động. Không yêu cầu thế chấp tài sản, không thẩm định khả năng trả nợ, chỉ cần chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu và đó là lý do trong mấy năm trở lại đây, bán hàng trả góp thu hút được sự quan tâm của số đông người tiêu dùng. Dịch vụ này tại TP Vinh gần như chỉ mới Công ty TNHH MTV Tài chính PPF Việt Nam (trụ sở tại 194 Golden Building, 473 Điện Biên Phủ, phường 25, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) là đơn vị “chịu khó” đầu tư và “phủ sóng” tại thị trường Nghệ An. Một chuyên gia ngân hàng (xin giấu tên) phân tích, thực chất của bán hàng trả góp là phương thức bắt tay làm ăn giữa các công ty cho vay tài chính với các doanh nghiệp và ngân hàng trong thời buổi kinh tế khốn khó để giải phóng hàng tồn kho, thu hồi vốn sản xuất.
Sở dĩ lãi suất ngất ngưởng là bởi vốn huy động cao khi các công ty tài chính huy động vốn từ các ngân hàng, có khi lên đến trên 20%/năm nên quá trình cho vay để mua hàng, họ phải áp dụng lãi suất trên mức này. Cũng ông này cho biết, với kiểu cho vay mua hàng trả góp như hiện nay, lợi nhuận thu về rất cao và không ai khác chính người tiêu dùng bị móc túi. Lãi suất này, dĩ nhiên không phải chỉ mình công ty tài chính hưởng mà được chia đều cho ba phía: Công ty tài chính - đơn vị bán hàng - ngân hàng.
Người tiêu dùng khi tham gia vào việc mua hàng trả góp phải chịu lãi suất cắt cổ xấp xỉ 30%/năm là bởi hiện vẫn còn kẽ hở hành lang pháp lý khi Ngân hàng Nhà nước không can thiệp vào hoạt động này bởi cho rằng, đây là thỏa thuận theo nhu cầu giữa hai bên, thỏa thuận dân sự. Hình thức vay tín chấp nên được quyền áp dụng lãi suất cao, kể cả khi ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất vay xuống mức thấp như hiện nay, lãi suất cho vay mua hàng tiêu dùng vẫn duy trì ở mức cắt cổ. Trong khi chờ sự can thiệp của các cơ quan chức năng, không ít người tiêu dùng biết bị móc túi song vẫn phải cắn răng chấp nhận để đáp ứng nhu cầu cá nhân.
Thiện Thành