Kinh tế xã hội
Hoa quả khô Trung Quốc đợi tết hại người Việt
09:37, 18/01/2014 (GMT+7)
Thời điểm cận Tết là dịp các loại ô mai, trái cây sấy khô được tung ra thị trường phục vụ nhu cầu ăn chơi Tết của người dân. Tuy nhiên, hiện nay, các loại trái cây sấy khô tại các chợ phần lớn là hàng có xuất xứ từ Trung Quốc.
Trái cây khô Trung Quốc ồ ạt 'tuồn' vào Việt Nam
Gần đây, liên tiếp các đợt truy quét, kiểm tra của cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều trái cây khô được nhập lậu vào nước ta.
Ngày 18/9/2013, lực lượng Quản lý thị trường TP. Hà Nội bất ngờ kiểm tra kho H9, khu vực Cảng Hà Nội, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) và thu giữ hơn 3,5 tạ nho khô nhập từ Trung Quốc. Tất cả số nho này đều không có nhãn mác và chứng từ liên quan.
Hôm 30/12/2012, lực lượng chức năng TP.Hà Nội cũng phát hiện, bắt giữ một xe tải chở 44 bao tải dứa, trong mỗi bao tải dứa này có 5 hộp carton đựng nho sấy khô, tổng trọng lượng 2,2 tấn. Số hàng trên không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên ngoài các hộp carton đều ghi chữ Trung Quốc.
Nho khô nhập lậu được đóng trong các thùng carton và bảo quản rất sơ sài |
Mới đây, ngày 5/1, cơ quan chức năng TP. Hà Nội đã tiến hành bắt giữ 2 chiếc xe ô tô tải đang vận chuyển gần 20 tấn mì chính, ô mai nhập lậu từ Trung Quốc đưa về Hà Nội tiêu thụ. Tại thời điểm kiểm tra, hai tài xế lái xe đều không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của lô hàng này.
Hàng Tàu đội lốt hàng Thái, Mỹ
Dọc các trung tâm chuyên bán bánh kẹo, trái cây đã chế biến của Hà Nội như Hàng Buồm, Hàng Đường, Hàng Giấy... các sản phẩm trái cây sấy khô được bày bán la liệt. Hầu hết các sản phẩm mứt, hoa quả sấy khô bày bán tại đây chỉ được đóng gói trong túi nilong mà không hề có nhãn mác. Các loại trái cây khô được bán với giá dao động từ 60.000-150.000 đồng/kg.
Theo một chủ cửa hàng trên phố Hàng Đường, phần lớn trái cây sấy khô là từ Trung Quốc vì hàng Trung Quốc đắt khách do giá thành rẻ, nhiều chủng loại, màu sắc bắt mắt, vị vừa phải nên nhiều người thích dùng.
Trái cây khô Trung Quốc được bán tràn lan ở chợ |
Tuy nhiên, trái cây khô Trung Quốc thường được "núp" dưới bóng hàng sản xuất tại Thái, Mỹ hoặc hàng Việt Nam để lừa người mua lẻ. Vì các mác "hàng ngoại chất lượng cao" này mà nhiều khi hàng bán được giá gấp đôi, gấp ba so với giá đổ buôn.
Tại TP.HCM, các mặt hàng như đào khô, táo khô, xí muội... được bày bán khá phổ biến ở các chợ đầu mối Bình Tây, An Đông... Song hầu hết các mặt hàng trên đều trong tình trạng không nhãn mác, không hạn dùng và không thông tin nhà sản xuất. Tuy vậy, hầu hết các tiểu thương đều xác nhận đa số là hàng nhập từ Trung Quốc. Theo các tiểu thương, hạn sử dụng hầu hết chỉ in trên thùng giấy khi còn nguyên đai nguyên kiện. Tuy nhiên khi bán lẻ, hàng được xé nhỏ ra nên việc có để hạn sử dụng hay không cũng không có ý nghĩa, vì tiểu thương tự ghi thì hoàn toàn có thể gian lận.
Một số đầu mối kinh doanh trái cây sấy khô cho biết hàng hóa nguồn gốc Trung Quốc không chỉ "ba không": không bao bì - nhãn mác, không tên tuổi nhà sản xuất, không hạn sử dụng... mà còn không hóa đơn chứng từ và giấy tờ chứng minh chất lượng.
Trái cây khô Trung Quốc chứa nhiều độc tố
Cuối năm 2009, một số quốc gia trên thế giới đã phát hiện và cảnh báo người tiêu dùng không nên sử dụng xí muội có nguồn gốc Trung Quốc vì sản phẩm có chứa hàm lượng chì vượt quá giới hạn cho phép. Các chuyên gia cảnh báo, nếu ăn các sản phẩm trái cây sấy khô có nồng độ chì cao có thể gây tổn thương gan, thận, não, dẫn tới tử vong.
Trái cây khô Trung Quốc độc hại |
Tại thời điểm đó, thị trường Việt Nam tràn ngập xí muội Trung Quốc. Kết quả kiểm nghiệm từ Sở Y tế TP.HCM cũng phát hiện một số mẫu xí muội không hạt cho kết quả dương tính với chì, chất tạo ngọt và chứa chất phụ gia cấm gây nguy hại cho sức khỏe người sử dụng.
Sau đó, nhiều loại thực phẩm, trái cây khô của Trung Quốc cũng bị phát hiện có độc tố.
Năm 2012, cơ quan chức năng của Trung Quốc phát hiện hàng loạt cơ sở sản xuất trái cây sấy khô như đào, xí muội, hồng khô... của nước này sử dụng các loại chất phụ gia, hóa chất có thể gây ung thư.
Tân Hoa xã cho biết, dựa theo kết quả của Trung tâm kiểm nghiệm phân tích Hóa Lý, TP. Bắc Kinh, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đã nêu đích danh các công ty có sản phẩm chứa chất phụ gia vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Theo đó, các sản phẩm đào khô, xí muội, hồng khô, táo tàu và nhiều loại trái cây khác của ba công ty thực phẩm uy tín tại thành phố Hàng Châu là Siêu Đạt, Linh Hâm, Bách Di chứa một lượng lớn các chất phụ gia như chất tạo ngọt saccharin, sodium cyclamate; chất tạo màu carmine, amaranth; chất tẩy trắng và bảo quản sulfur dioxide. Liều lượng chất phụ gia có trong các sản phẩm này cao gấp ba lần quy định của cơ quan chức năng.
Đầu năm 2013, thông tin hạt hướng dương Trung Quốc chứa chất gây teo não gây hoang mang dư luận. Theo "Giờ cao điểm tin tức tối" của CCTV, cơ quan chức năng thành phố Tô Châu đã lấy mẫu kiểm tra các loại hạt hướng dương rang trên thị trường, kết quả phát hiện 7 loại hạt hướng dương có chất dễ gây teo não. Trên thực tế, để cho hạt hướng dương giòn và giữ được vị thơm ngon lâu hơn, nhà sản xuất đã thêm phèn vào. Phèn này có chứa nhôm mà khi vào cơ thể sẽ rất khó bị đào thải ra ngoài, ảnh hưởng đến tế bào não, tế bào thần kinh, dẫn đến suy giảm trí nhớ, nghiêm trọng hơn sẽ làm teo não, đãng trí, ung thư...
VEF