Kinh tế xã hội

Xấu mặt vì vết nhơ du khách xuất ngoại bỏ trốn

13:43, 18/01/2014 (GMT+7)
Lãnh đạo công ty tổ chức cho du khách Việt đi Israel cho hay đã thiếu cảnh giác để cả 15 người bỏ trốn. Nỗi buồn, nỗi lo xen lẫn khi hình ảnh du lịch Việt đang xấu đi còn việc đưa khách xuất ngoại sẽ khó khăn hơn.
 
Đơn vị tổ chức mất cảnh giác
 
Về việc đoàn khách 15 người bỏ trốn khi đi du lịch Israel, ông Lê Minh Đạt, Tổng giám đốc Công ty CP Thương mại và dịch vụ Ali (Vina Holiday - 100 Nguyễn Tuân, quận Thanh Xuân, Hà Nội) - đơn vị tổ chức, cho hay, tất cả đều là nam, trong độ tuổi lao động, quê ở Hải Dương, Nghệ An, Hà Tĩnh... Khi xem xét hồ sơ thấy thông tin cá nhân khá đầy đủ, có 100-200 triệu đồng trong tài khoản, sổ đỏ công chứng và đã từng đi du lịch nước ngoài như Lào, Campuchia, Hongkong, Trung Quốc...
 
Hơn nữa, các vòng phỏng vấn khi xuất cảnh tại các cửa khẩu sân bay Nội Bài, Bangkok (quá cảnh tại Thái Lan) trước khi vào Israel cũng không bị nghi ngờ gì.
 
Anh S., hướng dẫn viên đưa đoàn khách này đi Israel, nói thêm, cá nhân anh không hề thấy mọi người có ý định bỏ trốn bởi trước đó, khi đưa khách đến Bethlehem, tham quan nhà thờ Giáng Sinh và hang đá nơi Chúa sinh ra, ai nấy đều đọc kinh nghiêm trang, rõ ràng. Tất cả là người công giáo, nhìn có đạo đức. Không ngờ nửa đêm hôm đó họ bỏ trốn, bỏ lại những vali hành lý toàn quần áo cũ rách nát và cả hộ chiếu.
 
Việt Nam nằm trong số 3 quốc gia có khách du lịch đến Israel nhiều nhất khu vực - Ảnh minh họa
Việt Nam nằm trong số 3 quốc gia có khách du lịch đến Israel nhiều nhất khu vực - Ảnh minh họa
"Lần đầu tiên trong 18 năm làm hướng dẫn viên, tôi rất sốc khi dẫn đoàn mà du khách bỏ trốn. Điều đó chẳng tốt đẹp gì. Còn tôi thì không thể nắm tay khách cả ngày mà canh được", anh S. buồn bã nói.
 
Tổng giám đốc công ty Vina Holiday - người cũng tham gia dẫn đoàn, thừa nhận với PV.VietNamNet: "Đây là lần đầu tiên công ty tổ chức tour sang Israel. Trước khi đi, chúng tôi đã lên mạng tìm kiếm nhưng không thấy có thông tin nào cảnh báo về việc khách Việt Nam bỏ trốn nên cũng chủ quan, không lường trước được sự việc".
 
Ngay khi xảy ra rắc rối, công ty Vina Holiday đã báo cáo về Việt Nam (Tổng cục Du lịch), Đại sứ quán Việt Nam tại Israel; đồng thời, giao toàn bộ hộ chiếu của những người bỏ trốn cho đại sứ quán Israel cũng như phối hợp với nhà chức trách hai nước để tìm kiếm, xử lý.
 
Hiện phía Israel đã bắt được một khách bỏ trốn gần sau cùng, tên Đức. Có nhiều nghi ngờ cho rằng những người bỏ trốn sẽ tuồn sang nước thứ ba.
 
Theo ông Trần Văn Long, Tổng giám đốc công ty Du lịch Việt (TP.HCM), Việt Nam đã đưa khách du lịch sang Israel khoảng 10 năm, nhưng mới phát hiện khách bỏ trốn 1-2 năm lại đây. Đây là lần thứ ba người Việt đào tẩu qua con đường du lịch khi tới Israel, tổng cộng 21 người.
 
Ông Long cho hay, đối tượng di du lịch Israel thường là những người hành hương công giáo, những người đi nghiên cứu, học tập trong các lĩnh vực nông nghiệp, y học, khoa học quốc phòng. Năm 2013, khoảng 10.000 người Việt đã nhập cảnh vào Israel thông qua con đường du lịch. Việt Nam, Philippines và Thái Lan là ba quốc gia đưa khách vào Israel nhiều nhất khu vực.
 
Việc cấp thị thực cho khách đi du lịch nước ngoài sẽ nghiêm ngặt hơn do tình trạng khách lợi dụng bỏ trốn - Ảnh minh họa
Việc cấp thị thực cho khách đi du lịch nước ngoài sẽ nghiêm ngặt hơn do tình trạng khách lợi dụng bỏ trốn - Ảnh minh họa
 
Ngấm ngầm núp bóng du lịch
 
Nhiều ý kiến trong ngành nhận xét, thường thì lao động bỏ trốn thông qua các công ty du lịch nhỏ. Tại các đơn vị lữ hành lớn, có uy tín, chuyện này cũng xảy ra nhưng ít hơn, chỉ là vài trường hợp đơn lẻ.
 
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc công ty du lịch Lửa Việt, không ngoại trừ trường hợp phía bỏ trốn núp bóng công ty du lịch ngấm ngầm tổ chức tour, sau khi vượt biên trót lọt sẽ tự giải thể.
 
Ông Mỹ dẫn chứng, đã có công ty tư vấn du học đề nghị Lửa Việt tổ chức tour sang Australia để tham quan, khảo sát về mô hình trường học, nhưng mục đích là để trốn ở lại nên ông đã thẳng thừng từ chối.
 
Chính vì vậy, hình ảnh du lịch và du khách Việt đang xấu dần tại các nước. Họ buộc phải siết chặt chính sách nhập cảnh, gây bất lợi cho phía Việt Nam. Chẳng hạn, đoàn khách 20 người của công ty du lịch TransViet chuẩn bị đi Hongkong đã bị hủy vì chính sách cấp visa của Đại sứ quán Trung Quốc đột ngột thay đổi chỉ trước 2 tuần khiến du lịch không kịp trở tay.
 
Hay với thị trường Nga, ông Mỹ cho biết do quá nhiều người du lịch rồi vượt biên trái phép nên phí xin visa vào Nga đắt hơn nhiều so với visa vào Mỹ (Mỹ khoảng 165 USD, Nga trên 250 USD). Nga cũng hạn chế số ngày du lịch của khách Việt, đúng bằng số ngày mua tour. Còn thực tế, nơi nhiều người tưởng là thiên đường ấy, nhiều lao động rơi vào tình trạng thê thảm khi chính quyền nước sở tại truy quét. Họ sẽ phải trốn trui lủi, như trường hợp một cô gái ông Mỹ gặp trên máy bay từ Nga về nước, sau 3 năm chỉ sống dưới đường hầm, không biết tiếng Nga, lao động vất vả để kiếm sống.
 
Hay tại Thái Lan, phía bạn quy định khách Việt đi tự túc vào nước này buộc phải có 1.000 USD tiền mặt trở lên, trong khi người Lào, Campuchia không bị áp dụng điều này.
 
Sau sự việc cả đoàn khách 15 người Việt Nam bỏ trốn, chắc chắn thời gian tới, Israel sẽ kiểm soát gắt gao việc cấp thị thực cho khách Việt Nam. Để lấy lại được lòng tin của nhà chức trách Israel sẽ mất nhiều thời gian, công sức. Trên thực tế, các doanh nghiệp du lịch đã rất vất vả làm việc này khi 8 du khách của công ty M.- một đơn vị lữ hành lớn tại TP.HCM - bỏ trốn nhằm lấy lại uy tín, hình ảnh.
 
Do vậy, lãnh đạo một công ty cho rằng, ngoài cảnh báo mới đây của Tổng cục Du lịch, do phần lớn đối tượng đi du lịch Israel là người công giáo hành hương nên cần yêu cầu họ cung cấp thêm sổ gia đình công giáo, được cha xứ ở địa phương xác nhận. Phải xem xét thật kỹ hồ sơ và nên yêu cầu ký quỹ bằng tiền mặt.

VEF

Các tin khác