Kinh tế xã hội

Buôn lậu không giảm, bán hàng không đúng giá niêm yết gia tăng

14:41, 20/01/2014 (GMT+7)
Thời điểm cận Tết Nguyên đán là “cao trào” hoạt động của các hành vi gian lận thương mại. Trong một tháng áp Tết, lượng hàng hóa được tiêu thụ mạnh nhất trong năm và tiềm ẩn nguy cơ gia tăng, diễn biến phức tạp hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng qua biên giới.
 
Vi phạm tập trung vào các nhóm hàng tiêu dùng sử dụng ngay
 
Theo Ban Chỉ đạo 127 Trung ương, trong năm 2013, lực lượng Quản lý thị trường đã xử lý gần 80.000 vụ buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, tổng thu phạt trên 350 tỷ đồng. Lực lượng Công an đã xử lý 12.903 vụ, tổng thu phạt 739,5 tỷ đồng; lực lượng Hải quan xử lý 22.012 vụ, tổng thu phạt trên 556,42 tỷ đồng; Bộ đội Biên phòng xử lý 2.031 vụ, tổng thu phạt gần 600 tỷ đồng; Cảnh sát biển xử 816 vụ, tổng số tiền thu phạt trên 145 tỷ đồng. Các lực lượng khác như Kiểm lâm, Thanh tra thuế, Thanh tra khoa học công nghệ, Thanh tra an toàn thực phẩm, Thanh tra y tế… cũng vào cuộc quyết liệt và lập được nhiều thành tích. Tuy nhiên, càng gần Tết Nguyên đán, các hoạt động buôn lậu, buôn bán hàng cấm, sản xuất, buôn bán hàng giả, gian lận thương mại sẽ càng phức tạp, đòi hỏi các lực lượng tập trung cao hơn, đấu tranh quyết liệt hơn để đảm bảo Tết an toàn, vui tươi cho nhân dân…
 
Ông Nguyễn Cẩm Tú, Thứ trưởng Bộ Công thương, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 127 Trung ương cho biết: “Vào giai đoạn giáp Tết Nguyên đán, gian lận thương mại về giá có khả năng phát sinh nhiều hơn, chủ yếu vẫn là không niêm yết giá và bán không đúng giá niêm yết. Đặc biệt là các nhóm hàng tiêu dùng tiêu thụ ngay (do điều kiện thu nhập còn nhiều khó khăn nên người tiêu dùng dễ chấp nhận sử dụng hàng rẻ, hàng chất lượng thấp) và thực phẩm chức năng do người tiêu dùng không có điều kiện thẩm định”.
 
Lực lượng CSGT phát hiện, bắt giữ một vụ vận chuyển hàng lậu
Lực lượng CSGT phát hiện, bắt giữ một vụ vận chuyển hàng lậu
 
Ngoài ra, hiện tượng sử dụng chất cấm, chất phụ gia trong bảo quản và chế biến nông sản, thực phẩm trái quy định tăng lên rõ rệt ở các trung tâm lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Ban Chỉ đạo 127 cũng đặc biệt lưu ý việc vận chuyển pháo lậu vào nội địa diễn biến phức tạp dịp cận Tết Nguyên đán. Chỉ tính riêng từ tháng 10/2013 đến nay, các lực lượng chức năng đã bắt giữ hơn 3.450kg pháo các loại.
 
Nhức nhối nhất có lẽ là dù các bộ, các ngành đã vào cuộc quyết liệt nhưng buôn lậu, hàng giả vẫn không giảm. Đặc biệt, nhiều vụ buôn lậu lớn đã bị phát hiện như buôn lậu xăng dầu. Chỉ tính 9 tháng đầu năm 2013, các lực lượng chức năng đã bắt giữ được hơn 2 triệu lít xăng dầu lậu. Ngày 9/12/2013 vừa qua, tại khu vực cách Đông Nam Côn Đảo khoảng 45 hải lý, lực lượng Cảnh sát biển 4 đã kiểm tra, bắt giữ tàu Haduco chở hơn 2,1 triệu lít dầu DO không có giấy tờ hợp pháp. Đây là vụ bắt giữ xăng dầu lớn nhất từ trước đến nay.
 
Trước đó, ngày 26/1/2013, tại vùng biển Vũng Tàu, lực lượng Biên phòng đã bắt giữ tàu CT06308 vận chuyển hơn 359 nghìn lít dầu DO không đủ thủ tục giấy tờ. Ngày 3/3/2013, lực lượng Hải quan đã phá thành công chuyên án buôn lậu xăng dầu trên biển, phát hiện 1 tàu nước ngoài có hành vi vận chuyển, mua bán trái phép dầu trên biển, thu giữ 155 tấn dầu diesel.
 
Vẫn còn tiêu cực trong lực lượng chống buôn lậu
 
Đó là nhận định của đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Theo ông Cương, Chính phủ đã tỏ rõ quyết tâm trong công tác này, nhưng vẫn còn hiện tượng tiêu cực trong lực lượng chống buôn lậu. Ông Cương nêu ví dụ điển hình là vụ buôn lậu 6.000 tấn dầu DO của Công ty Hoàng Sơn (Thanh Hóa), chiếc tàu chở xăng dầu lậu đã từng bị bắt, sau đó thanh lý lại cho Công ty Hoàng Sơn và lại tiếp tục không được đăng kiểm, chứa 1.000m3 dầu ngang nhiên hoạt động trên biển mà Hải quan và Cảnh sát biển "không biết". Và theo ông Cương, nếu không có sự cải biến từ chính lực lượng quản lý thị trường thì buôn lậu còn tồn tại.
 
Chế tài phạt quá “nương tay” cũng là nguyên nhân khiến buôn lậu và gian lận thương mại tiếp diễn. Trung tướng Nguyễn Tiến Lực - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm (Bộ Công an) nêu dẫn chứng: Nghị định 06 của Chính phủ quy định hàng nhập lậu được phạt 300 nghìn đồng đến 10 triệu đồng, trong khi các đối tượng buôn lậu trị giá hàng chục tỉ đồng thì họ không ngán gì phạt.
 
Từ 2010 đến hết 2013, theo Trung tướng Nguyễn Tiến Lực, cơ quan Cảnh sát điều tra của Bộ Công an đã khởi tố 3.007 vụ, 3.860 bị can liên quan đến buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại. Riêng năm 2013 khởi tố 997 vụ, 1.261 bị can, cao nhất trong các năm… Còn Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, bà Nguyễn Thị Xuân Thu bức xúc, việc buôn lậu qua biên giới, sản xuất hàng giả ảnh hưởng rất lớn đến ngành nông nghiệp. “Hiện nay, việc phát hiện đưa hàng giả nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc thú y... từ biên giới, từ nước ngoài vào có nhưng khó ngăn cấm. Điều này một phần lớn do các địa phương chưa làm tốt, tuy hàng hoá không nhiều nhưng họ đưa vào vùng sâu vùng xa để tiêu thụ nên ảnh hưởng đến sản xuất”.
 
Chống gian lận thương mại và buôn lậu là công cuộc lâu dài và đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ từ các Bộ, ngành đến địa phương. Tuy nhiên, trong dịp Tết Nguyên đán, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú cho biết, các lực lượng chức năng sẽ tập trung kiểm tra xử lý vấn đề an toàn thực phẩm để nhân dân yên tâm ăn Tết.

CAND

Các tin khác