(Congannghean.vn)- Bị buộc phải bồi thường số tiền 14,3 triệu đồng trong một vụ án hình sự, nhưng chấp hành viên lại quá “nhiệt tình” trong việc giúp bị hại áp dụng biện pháp đảm bảo thi hành án, nên đã tạm giữ của gia đình một con trâu trị giá 15 triệu đồng (đang bị bắt giữ trái pháp luật) và 2 sổ tiết kiệm tại ngân hàng trị giá 50 triệu đồng. Hậu quả là hơn 4 năm qua, việc làm trên đã đẩy gia đình một nông dân rơi vào cảnh khốn đốn, trong khi phía thi hành án chỉ rút kinh nghiệm chứ nhất quyết không công khai xin lỗi, bồi thường do hậu quả mà mình đã gây ra.
Theo nội dung Bản án sơ thẩm số 10 ngày 27/2/2009 của TAND huyện Tân Kỳ và Bản án phúc thẩm số 65 ngày 28/5/2009 của TAND tỉnh Nghệ An, anh Hồ Văn Thắng (SN 1989), con của ông Hồ Văn Thái và bà Hoàng Thị Lợi trú tại xóm 3, xã Hương Sơn, huyện Tân Kỳ đã gây thương tích cho bà hàng xóm Đào Thị Hợi nên bị tuyên án 26 tháng tù giam và bồi thường cho bị hại số tiền 14.319.000 đồng thiệt hại về sức khỏe. Trong thời gian 30 ngày, buộc ông Thái và bà Lợi phải có trách nhiệm thay con trai bồi thường cho bị hại số tiền trên. Tuy nhiên, theo yêu cầu của người được thi hành án, Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) Tân Kỳ đã ra quyết định thi hành án để tổ chức thi hành.
Cụ thể, ngày 12/8/2009, người nhà của bà Đào Thị Hợi tự ý bắt con trâu của gia đình ông Thái, buộc ông này phải báo lên Ban Công an và UBND xã Hương Sơn. Trong khi xã Hương Sơn xử lý chưa dứt điểm, quy trình chưa chặt chẽ, trâu chưa được trả lại cho bị hại thì ngày 18/8/2009, tức là một ngày sau khi bà Hợi có đơn yêu cầu chấp hành viên áp dụng biện pháp đảm bảo thi hành án bằng cách tạm giữ con trâu, cơ quan Thi hành án Tân Kỳ đã ra quyết định kê biên tài sản là con trâu, được định giá 15 triệu đồng. Đồng thời, tạm giữ luôn 2 cuốn sổ tiết kiệm mang tên ông Hồ Văn Thái, bao gồm sổ số 6971088, có mệnh giá 20 triệu đồng, gửi ngày 14/3/2008, kỳ hạn thanh toán ngày 14/6/2008 và sổ số 8985083, có mệnh giá 30 triệu đồng, gửi ngày 18/12/2008, kỳ hạn thanh toán ngày 18/3/2009.
Ông Hồ Văn Thái đang trình bày sự việc |
Ngày 25/8/2009, bà Hoàng Thị Lợi trực tiếp nộp 5 triệu đồng tiền thi hành án tại Chi cục THADS Tân Kỳ và xin được thi hành từng đợt với số tiền còn lại do gia cảnh khó khăn nhưng không được chấp nhận. Ngay sau đó, chấp hành viên yêu cầu ông bà này nộp hết số tiền còn lại để nhận lại con trâu và 2 cuốn sổ tiết kiệm nhưng ông bà Thái không chấp nhận. Do vậy, chấp hành viên quyết định kê biên con trâu, sau đó bàn giao cho bà Hợi, định giá 15 triệu đồng, mặc dù việc bắt giữ trái phép vẫn chưa được giải quyết rốt ráo. Ngay sau đó,
Thi hành án ra quyết định trả lại 2 cuốn sổ tiết kiệm và 5 triệu đồng cho ông Thái, song ông này không nhận với lý do, chấp hành viên tạm giữ 2 cuốn sổ tiết kiệm và con trâu của ông trong lúc trâu đang bị gia đình bị hại bắt giữ, chưa được giải quyết trả lại cho gia đình ông và không cho gia đình nộp tiền thi hành án là trái pháp luật. Khiếu nại này được gửi đến ông Chi Cục trưởng THADS Tân Kỳ và Cục Thi hành án Nghệ An, song chỉ được chấp nhận một phần, với lý do chấp hành viên đã tạm giữ con trâu còn giữ thêm 2 cuốn sổ tiết kiệm là việc làm không cần thiết, phải nghiêm túc rút kinh nghiệm. “Tuy nhiên, chưa gây thiệt hại đến lợi ích của ông Thái, bà Lợi nên đã ra quyết định thông báo trả lại tài sản theo quy định”, hai cấp này khẳng định.
Theo ông Hồ Văn Thái, thiệt hại mà cơ quan Thi hành án gây ra cho gia đình ông trong hơn 4 năm qua là không đo đếm được. Việc chấp hành viên quá “nhiệt tình” khi kê biên tài sản là con trâu trong lúc đang bị bắt giữ trái pháp luật, mà hành vi này đã được Công an huyện Tân Kỳ kết luận là vi phạm pháp luật, là một việc làm bất thường. Trong khi đó, tài sản của gia đình ông cả đời ky cóp, được 2 cuốn sổ tiết kiệm trị giá 50 triệu đồng, đang gửi tại ngân hàng cũng bị niêm phong, khiến từ bấy đến nay, gia đình mất đi một khoản tiền lãi không hề nhỏ.
Lý do không nhận lại sổ, ông Thái cho rằng, chấp hành viên đã làm thiệt hại lớn về kinh tế đối với gia đình nên buộc phải công khai xin lỗi và bồi thường thỏa đáng. Song, các cấp của Thi hành án chỉ xem việc kê biên “quá tay” này là một “việc làm không cần thiết”, do đó chỉ cần nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc áp dụng biện pháp đảm bảo thi hành án mà thôi.