Gia đình xã hội
Việt Nam tự cường trong 'cuộc đua' vaccine COVID-19
09:44, 19/12/2020 (GMT+7)
Trong số 200 người nộp đơn tình nguyện tham gia thử nghiệm lâm sàng vaccine phòng COVID-19 đầu tiên do các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu và phát triển, có 3 người đã được tiêm những mũi tiêm đầu tiên vào ngày 17/12. Đây là dấu mốc đáng nhớ của ngành Y tế, đồng thời, thể hiện sự tự lực, tự cường của Việt Nam trong bảo vệ người dân trước đại dịch lịch sử của loài người.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo toàn ngành thực hiện chế độ công tác với tinh thần sẵn sàng ứng phó mọi tình huống dịch bệnh COVID-19; sớm có phương án về việc hợp tác với nước ngoài sản xuất, mua vaccine của nước ngoài, nghiên cứu sản xuất vaccine trong nước, báo cáo Thường trực Chính phủ xem xét, quyết định.
Quy trình thử nghiệm vaccine của Việt Nam bảo đảm quy định tương đồng với các quốc gia trên thế giới. Ảnh: VGP/Hiền Minh |
Theo các chuyên gia, mỗi quy trình nghiên cứu và phát triển một vaccine phải mất thời gian khoảng 7- 12 năm. Tuy nhiên, trong trường hợp khẩn cấp như đại dịch COVID-19 đang hoành hành trên toàn cầu hiện nay, với sự tham vấn của tổ chức WHO, các chuyên gia trong nước và sự chỉ đạo trực tiếp từ Bộ trưởng Bộ Y tế, quy trình nghiên cứu vaccine phòng bệnh COVID-19 ở nước ta được xem xét rút gọn một số công đoạn hành chính; song những nội dung về chuyên môn, khoa học, kỹ thuật vẫn phải bảo đảm theo quy định.
Ông Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế cho biết, lần thử nghiệm vaccine NanoCovax này dự kiến giai đoạn 1 sẽ thực hiện khoảng 4 tháng, giai đoạn 2 cũng khoảng 4 tháng gối đầu, giai đoạn 3 khoảng 6 tháng. Như vậy, dự kiến năm 2021, chúng ta sẽ có những dữ liệu lâm sàng về vacicne NanoCovax.
Trước đó, việc hoàn thiện hồ sơ nghiên cứu trong labo, nghiên cứu tiền lâm sàng, nghiên cứu đánh giá trên động vật cũng như đánh giá tính sinh miễn dịch trên động vật của vaccine NanoCovax đã được Hội đồng Y đức của Bộ Y tế thẩm định và đã được Bộ trưởng Bộ Y tế đồng ý cho phép triển khai thử nghiệm trên người.
“Quy trình thử nghiệm vaccine của Việt Nam bảo đảm quy định tương đồng với các quốc gia trên thế giới”, ông Nguyễn Ngô Quang nhấn mạnh.
Ngày 17/12, dưới sự chỉ đạo của 3 Bộ gồm Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Khoa học và Công nghệ, tại Viện Nghiên cứu Y dược học Quân sự thuộc Học viện Quân y đã tiến hành tiêm mũi đầu tiên trong giai đoạn 1 thử nghiệm lâm sàng trên người tình nguyện khỏe mạnh. Đây là kết quả chung từ những nỗ lực của nhiều phía.
Thiếu tướng, PGS.TS Nguyễn Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quân y, Bộ Quốc phòng chia sẻ, ông rất phấn khởi khi được nghe thông tin các nhà khoa học trong nước đã thử nghiệm xong tiền lâm sàng vaccine phòng bệnh COVID-19 và đã khởi động lâm sàng, các quy trình để tiến hành lâm sàng cũng đã hoàn tất. Đây là một dấu mốc rất quan trọng, là niềm vinh dự, tự hào, nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm rất lớn. “Chúng ta đã chuẩn bị rất kỹ càng trước một chiến dịch lớn, tuy nhiên những gì sắp xảy ra vẫn ở phía trước nên tất cả các khâu vẫn phải đặt an toàn lên hàng đầu" - PGS.TS Nguyễn Xuân Kiên khẳng định.
Theo đề cương nghiên cứu của Hội đồng Y đức của Bộ Y tế thẩm định và phê duyệt, giai đoạn 1 thử nghiệm lâm sàng vaccine NanoCovax có 60 người tình nguyện tham gia và chia làm 3 nhóm liều vaccine (20 người tham gia nhóm liều tiêm 25mg, 20 người tham gia nhóm liều 50mg, 20 người tham gia nhóm liều 75mg). Đây là giai đoạn đánh giá liều nào an toàn nhất để làm cơ sở chuyển sang giai đoạn 2. Giai đoạn 2 sẽ đánh giá khả năng sinh miễn dịch. Giai đoạn 3 cần được Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia thông qua trước khi được triển khai tiếp theo.
Về phía người tình nguyện, họ cần phải được đọc, được giải thích và được tư vấn rõ ràng về nhiệm vụ, về trách nhiệm khi tham gia tiêm thử nghiệm, đồng thời phải bảo đảm sức khỏe, các chỉ số sinh học được đánh giá bình thường.
Sáng 17/12, một thanh niên chừng ngoài 30 tuổi có chia sẻ, anh không hề cảm thấy mạo hiểm khi tình nguyện tham gia tiêm. “Mình chủ động mà, tự hào là khác, mình tin vào vacicne của Việt Nam, mình muốn góp phần nhỏ vào thành công trong cuộc chiến chống đại dịch” - anh cho biết.
Chàng thanh niên đó chính là một trong ba người đầu tiên tiêm thử nghiệm vaccine do chính người Việt nghiên cứu và phát triển. Họ đã chính thức đánh dấu tên Việt Nam trên bản đồ các quốc gia về nghiên cứu vaccine phòng đại dịch COVID-19 phục vụ cộng đồng.
“Với trách nhiệm chung vì sức khỏe của cộng đồng, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Quốc phòng cùng các nhà khoa học sẽ chịu trách nhiệm để nghiên cứu và đưa ra vaccine hiệu quả nhất, bảo vệ an toàn cho cộng đồng”, ông Nguyễn Ngô Quang nhấn mạnh.
Rõ ràng, vaccine là công cụ quan trọng và hiệu quả góp phần chấm dứt dịch bệnh. Tuy nhiên, vaccine không phải là công cụ duy nhất, vì vậy, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân không nên chủ quan lơ là các biện pháp phòng chống dịch hiện nay theo hướng dẫn của ngành Y tế, đặc biệt là khuyến cáo 5K của Bộ Y tế trong công tác phòng bệnh. Những vấn đề về phát hiện bệnh sớm, khoanh vùng, cách ly, truy vết cũng là những biện pháp hữu hiệu trong công tác phát hiện bệnh kịp thời.
Thời gian qua, công tác phòng chống đại dịch COVID-19 ở nước ta rất hiệu quả, có thể nói là tấm gương sáng trên thế giới, toàn bộ hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương và người dân cả nước đã vào cuộc rất quyết liệu, chúng ta cũng đã tự sản xuất được bộ kit test chẩn đoán SARS-CoV-2 ngay tại Việt Nam với hiệu quả chẩn đoán chính xác rất cao. Và bây giờ chúng ta đang làm một việc rất lớn và quan trọng, đó là sản xuất vaccine phòng đại dịch COVID-19 tại Việt Nam do chính người Việt Nam nghiên cứu, phát triển và sử dụng chính con người Việt Nam tham gia thử nghiệm lâm sàng.
“Đã đến lúc Việt Nam có quyền nói với thế giới rằng, chúng ta đã làm được và chúng ta đang chứng minh điều đó. Vì vậy, mỗi chúng ta hãy là những thành viên tích cực, thông thái, khoa học để cùng chung tay với chúng tôi tạo ra một sản phẩm vaccine an toàn, hiệu quả cho chính người Việt Nam chúng ta”, Trung tướng Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y chia sẻ.
Dù quá trình thử nghiệm trên người mới bắt đầu, dù phía trước vẫn còn nhiều thách thức, song cuộc thử nghiệm vaccine đầu tiên vừa qua ở nước ta đã chứng minh tính khoa học, tính trách nhiệm, nhân đạo, sự nhanh nhạy, chạy đua với thời gian và sự tự tin, tự lực, tự cường của Việt Nam trong bảo vệ người dân trước đại dịch lịch sử của loài người.
Nguồn: Hiền Minh/Chinhphu.vn