Gia đình xã hội
Đề án 'Xây dựng xã hội học tập, giai đoạn 2012 - 2020': Nhiều chuyển biến tích cực
07:47, 15/12/2020 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Qua 8 năm triển khai thực hiện Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 9/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập, giai đoạn 2012 - 2020”, công tác xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến rõ nét, góp phần quan trọng trong việc nâng cao trình độ văn hoá cho nhân dân địa phương.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long trao Bằng khen cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong quá trình thực hiện Đề án |
Xây dựng được 636.797 gia đình học tập, chiếm 78% tổng số gia đình (vượt chỉ tiêu đề ra); 7.638 dòng họ học tập, chiếm 83% tổng số dòng họ; 3.896 cộng đồng học tập, chiếm 90% tổng số cộng đồng; 1.585 đơn vị học tập, chiếm 74% tổng số đơn vị; nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ; nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề để lao động có hiệu quả hơn, hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn; việc hoàn thiện kỹ năng sống, xây dựng cuộc sống cá nhân và cộng đồng ngày càng hạnh phúc hơn.
Phong trào khuyến học, khuyến tài thu được nhiều kết quả nổi bật và đã xây dựng được quỹ khuyến học, hỗ trợ trao học bổng cho các đối tượng học sinh, với trên 315 tỉ đồng trong 5 năm qua. Một trong những nổi bật về xây dựng xã hội học tập của tỉnh Nghệ An, đó là cùng với 53 thành phố khác từ 27 quốc gia, TP Vinh là 1 trong 2 thành phố của Việt Nam được UNESCO công nhận “thành phố học tập toàn cầu”. Hiện 76% lao động nông thôn tham gia học tập cập nhật kiến thức kỹ năng. 65% công nhân được qua đào tạo nghề… Toàn tỉnh tỉ lệ dân số biết chữ chiếm trên 98%.
Để có những kết quả đạt được như trên, thời gian qua, sự phối hợp giữa các cấp chính quyền, sở, ban, ngành và tổ chức chính trị - xã hội được duy trì tích cực và chặt chẽ. Mặt khác, các cấp ủy, chính quyền đã có nhiều giải pháp tổ chức chỉ đạo thiết thực, phù hợp với hoàn cảnh của từng địa phương nhằm vận động, duy trì các lớp học; động viên, khen thưởng bằng vật chất và tinh thần cho những tập thể, cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ về phát triển trung tâm học tập cộng đồng, xây dựng xã hội học tập. Các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội của các địa phương đã tích cực tham gia nhiều hoạt động phong phú, có hiệu quả, hỗ trợ cho sự nghiệp giáo dục nói chung và công tác xây dựng xã hội học tập nói riêng. Đồng thời, tập trung chỉ đạo cấp cơ sở xây dựng xã hội học tập gắn với xây dựng, phát triển các phong trào “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập” ở thôn, làng, tổ dân phố ngày càng hiệu quả hơn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện “Xây dựng xã hội học tập, giai đoạn 2012 - 2020” trên địa bàn tỉnh còn một số chỉ tiêu chưa đạt như tỉ lệ cán bộ công chức, viên chức có trình độ ngoại ngữ bậc 3 (4,5%/20%); công nhân lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp có trình độ học vấn phổ thông hoặc tương đương (tỉ lệ 75%/90%), công nhân được qua đào tạo nghề (65%/95%), trong đó tỉ lệ công nhân lao động có tay nghề cao ở các ngành nghề mũi nhọn chỉ mới đạt 15%. Ngoài ra, sự phối hợp giữa các sở, ngành, đoàn thể trong việc triển khai, thực hiện Đề án thiếu đồng bộ, chưa thường xuyên; việc huy động các nguồn lực của xã hội tham gia xây dựng xã hội học tập chưa nhiều…
Để nâng cao hiệu quả hoạt động, thời gian tới, với vai trò tiên phong, mũi nhọn, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giáo dục và đào tạo cũng như về xây dựng xã hội học tập để mọi tầng lớp nhân dân hiểu, nâng cao nhận thức tầm quan trọng, ý nghĩa, vai trò và lợi ích của khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần nâng cao nguồn nhân lực của tỉnh. Từ đó, nhân dân chia sẻ và ủng hộ. Bên cạnh đó, gắn kết hoạt động xây dựng xã hội học tập với các phong trào thi đua xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư. Ngoài ra, cần tiếp tục xây dựng “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” kiểu mẫu để nhân rộng.
Củng cố vững chắc kết quả xóa mù chữ, phổ cập giáo dục trên phạm vi toàn tỉnh, tăng tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề và tổ chức để công chức, viên chức trong các cơ quan Nhà nước được tham gia các khóa đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ. Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch “Xây dựng xã hội học tập” ở cơ sở và tham mưu kịp thời để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Các ban, ngành liên quan phải xem xét đánh giá lại các mô hình, các trung tâm học tập cộng đồng và đề xuất các giải pháp để triển khai hiệu quả, sát với nhu cầu thực tế và nguyện vọng của đông đảo người dân.
THU THỦY