Thứ Hai, 02/11/2020, 08:54 [GMT+7]

Khẩn trương khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra

(Congannghean.vn)-Trong những ngày qua, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có mưa to đến rất to, xảy ra ngập lụt ở nhiều địa phương. Với phương châm 4 tại chỗ, các địa phương đã chủ động triển khai các giải pháp để khẩn trương khắc phục hậu quả do bão lũ gây ra. 
Đồng chí Thái Thanh Quý, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, Thiếu tá Võ Trọng Hải, Giám đốc Công an tỉnh và đoàn công tác trực tiếp bàn phương án di dời dân tại huyện Nghi Lộc - Ảnh: Tiến Dũng
Đồng chí Thái Thanh Quý, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, Thiếu tá Võ Trọng Hải, Giám đốc Công an tỉnh và đoàn công tác trực tiếp bàn phương án di dời dân tại huyện Nghi Lộc - Ảnh: Tiến Dũng
Theo báo cáo nhanh về công tác triển khai, ứng phó với mưa lớn do hoàn lưu cơn bão số 9 trên địa bàn tỉnh Nghệ An: Từ ngày 28 - 31/10, do ảnh hưởng của hoàn lưu sau bão kết hợp với không khí lạnh nên ở  Nghệ An xảy ra một đợt mưa to đến rất to, có nơi đặc biệt to. Lượng mưa phổ biến từ 200 – 400 mm/đợt, có nơi trên 500 - 700 mm/đợt. Trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc và gió giật mạnh; mưa lớn cục bộ trong thời gian ngắn nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở trung du và vùng núi, ngập úng ở các vùng trũng thấp và các đô thị ở Nghệ An. Tổng lượng mưa từ 19 giờ ngày 28/10 đến 13 giờ ngày 31/10 phổ biến từ 70 - 770 mm. Mưa lớn đã gây ra lũ trên sông Cả, mực nước tại trạm thủy văn Nam Đàn đến 15 giờ ngày 31/10 là 6,98 m (trên báo động 2 là 0,08 m).
 
Trước tình hình trên, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã ra công điện về việc khẩn trương ứng phó với bão số 9 và cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, ngập úng và an toàn hồ chứa trên địa bàn tỉnh Nghệ An gửi các địa phương, đơn vị liên quan. Mục tiêu là quyết tâm tối đa đảm bảo an toàn cho người dân, hạn chế thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản ở các địa phương. Những ngày qua, lãnh đạo tỉnh cũng đã trực tiếp xuống các địa phương kiểm tra khu vực có nguy cơ sạt lở đất và các địa phương bị ngập lụt nặng trên địa bàn. Đồng thời, yêu cầu các lực lượng chức năng phải tăng cường khơi thông dòng chảy, sớm tiêu úng các vùng bị ngập, các địa phương phát huy tinh thần 4 tại chỗ, sẵn sàng sơ tán, ứng cứu nhân dân vùng bị ngập sâu; tại các điểm bị ngập, phải cắt cử lực lượng chức năng canh giữ và có các phương án đảm bảo an toàn cho người dân.
Lực lượng Công an hỗ trợ người dân di chuyển người và tài sản
Lực lượng Công an hỗ trợ người dân di chuyển người và tài sản
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Nghệ An về công tác triển khai, ứng phó với mưa lớn do hoàn lưu bão số 9 trên địa bàn tỉnh Nghệ An, lúc 18 giờ ngày 31/10, mưa lũ đã khiến 4 người chết, 3 người mất tích. 102 xóm bị ngập, 22 xóm bị chia cắt, 30 xóm bị cô lập, 19.865 nhà bị ngập, 3.911 hộ dân phải di dời do ngập lụt và ảnh hưởng của sạt lở đất; 6 nhà bị sập đổ, 103 nhà bị hư hỏng một phần, 774 nhà bị ảnh hưởng do sạt lở đất, 34 điểm trường bị ảnh hưởng do ngập lụt, 1.350 m tường rào nhà trường bị đổ sập. 885,3 ha diện tích lúa bị ngập, 9.257,26 ha diện tích ngô, rau màu các loại bị thiệt hại, 6.235,8 ha diện tích thủy sản bị ngập, 71.141 con gia cầm, 411 con gia súc bị cuốn trôi, 44,21 km kênh mương bị sạt lở, 16 đập loại nhỏ, đập tạm bị sạt lở, hư hỏng, 1.510 m kè bị sạt lở; 4.431 m tường rào, trụ sở cơ quan bị sụp đổ... Từ ngày 28/10 đến 13 giờ 30 phút ngày 30/10, trên các tuyến Quốc lộ, đường tỉnh có 55 vị trí ngập lụt, ách tắc giao thông và 3 vị trí sạt lở ta luy dương ách tắc giao thông.
 
Tại vị trí ngập đã bố trí rào chắn, biển báo, tổ chức trực gác 24/24 giờ đóng đường, cấm người, phương tiện qua lại, phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng bảo đảm ANTT, tổ chức phân luồng, đảm bảo ATGT. Trên địa bàn tỉnh có 9 hồ chứa thủy điện đang vận hành khai thác. Trong đó có 8 hồ chứa thực hiện vận hành theo Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Cả và các hồ còn lại vận hành theo quy trình đơn hồ, tất cả đã được phê duyệt các phương án phòng, chống thiên tai và an toàn đập. 
 
Sau mưa lũ, các địa phương đã trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về địa phương, đơn vị của mình, mục tiêu là giảm thiểu về mức thấp nhất về người và tài sản do mưa lũ gây ra. Đồng thời, rà soát, sơ tán triệt để người dân khỏi những nơi nguy hiểm không đảm bảo an toàn, nhất là trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản trên biển, ven biển, trên tàu thuyền, trong các nhà không an toàn, những vùng thấp trũng, vùng miền núi có nguy cơ cao lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Chủ động khuyến cáo, hướng dẫn người dân khỏi những nơi nguy hiểm không đảm bảo an toàn. Các lực lượng chức năng chủ động bố trí lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu đảm bảo cho bà con sau lũ không bị đói, rét, sớm ổn định cuộc sống. Trong ngày 31/10, UBND tỉnh Nghệ An ra công điện khẩn về việc khẩn trương khắc phục hậu quả do bão số 9 và mưa lũ gây ra.
Đại diện Hội Chữ thập đỏ trao quà hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng mưa lũ
Đại diện Hội Chữ thập đỏ trao quà hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng mưa lũ
Theo nội dung Công điện gửi Chủ tịch UBND, Trưởng ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố, thị xã, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh, Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh, vừa qua, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9 kết hợp với không khí lạnh nên trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã xảy ra mưu lũ lớn, gây ngập úng trên diện rộng và lũ lớn trên sông Cả, đến nay nhiều vùng còn bị úng ngập.
 
Để khắc phục hậu quả mưa lũ, Chủ tịch UBND - Trưởng ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND - Trưởng ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố, thị xã; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh; Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể: Nghiêm cấm người dân vớt củi, đánh bắt cá... trên sông, suối khi đang có mưa lũ để tránh thiệt hại về người; các lực lượng chức năng cần bố trí lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu đảm bảo cho bà con sau lũ không bị đói, rét, sớm ổn định cuộc sống. Lực lượng an ninh chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn, ANTT và bảo vệ tài sản cho nhân dân sau lũ. Triển khai ngay các biện pháp bảo vệ môi trường, tiêu độc, khử trùng, xử lý đảm bảo nước sinh hoạt trong các vùng bị ngập úng và hướng dẫn nhân dân vệ sinh môi trường, phòng trừ dịch bệnh cho người và gia súc; đảm bảo an toàn giao thông; huy động máy móc, thiết bị để xử lý xã vị trí sạt lở, ách tắc; phối hợp với các lực lượng Công an để hướng dẫn, phân luồng giao thông, đảm bảo an toàn, thông suốt.
 
Trước tình hình diễn biến phức tạp của mưa lũ, Công an Nghệ An đã huy động các lực lượng bám địa bàn, dầm mưa giúp đỡ nhân dân trên các tuyến đường bị ngập lụt. Tại TP Vinh, mưa lớn đã khiến nhiều tuyến đường xảy ra ùn tắc cao, mực nước ngập sâu, các phương tiện giao thông chết máy, không thể lưu thông, CSGT, CSTT đã huy động toàn lực lượng hỗ trợ nhân dân. Tại các huyện, lực lượng Công an các cấp đã khẩn trương sơ tán các hộ dân ở nhiều địa phương bị ngập lụt. Hàng trăm CBCS Công an các đơn vị, địa phương đã dầm mình trong mưa lũ, có nơi đến ngang người, ngang cổ, để đảm bảo an toàn cho người dân, di chuyển tài sản giữa màn mưa như trút. Sau khi mưa ngớt, lãnh đạo Công an các huyện, thành phố, thị xã, nhất là tại các huyện bị ngập như Đô Lương, Thanh Chương... đã tổ chức vệ sinh, cung cấp nhu yếu phẩm để bà con sớm khắc phục thiên tai, ổn định cuộc sống.
.

THÙY DƯƠNG - MAI HẬU

.