Thứ Ba, 03/11/2020, 08:22 [GMT+7]

Chung tay vì người nghèo: Không để ai bị bỏ lại phía sau

(Congannghean.vn)-Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh, công tác xóa đói giảm nghèo đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, công tác này còn mang tính lâu dài và cần tiếp tục được quan tâm thực hiện.

Những ngôi nhà “Đại đoàn kết” giúp nhiều hộ nghèo                  an cư lạc nghiệp
Những ngôi nhà “Đại đoàn kết” giúp nhiều hộ nghèo an cư lạc nghiệp
 
Nghệ An có 94 xã đặc biệt khó khăn và 193 thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc, miền núi thuộc diện đầu tư của Chương trình 135; 12 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển. Sau 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh, cùng với việc đẩy mạnh thực hiện phong trào “Nghệ An chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, công tác giảm nghèo đã ghi nhận nhiều kết quả quan trọng. Đầu năm 2016, tỉ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh là 12,1%; số hộ cận nghèo còn 10,23%.
 
Đến cuối năm 2019, tỉ lệ hộ nghèo của tỉnh còn 4,11%; tỉ lệ hộ cận nghèo là 7,35%; bình quân giai đoạn 2016 - 2019, tỉ lệ hộ nghèo giảm 2%/năm. Dự kiến đến cuối năm 2020, toàn tỉnh còn khoảng 3% hộ nghèo, đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Riêng với 4 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a và Quyết định 275 (Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong và Quỳ Châu) đã giảm từ 54,26% hộ nghèo ở thời điểm đầu năm 2016 xuống còn 30,38% vào cuối năm 2019, bình quân mỗi năm giảm 5,97% (vượt mục tiêu giảm 3 - 4%/năm). Giai đoạn 2016 - 2020, thông qua các chính sách giảm nghèo hỗ trợ từ Trung ương, cơ chế của tỉnh cùng với việc đẩy mạnh vận động xã hội hóa huy động các nguồn lực, tổng nguồn vốn thực hiện chương trình giảm nghèo đạt hơn 17.661 tỉ đồng.
 
Trong đó, thực hiện phong trào thi đua “Nghệ An chung tay vì người nghèo - “Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2016 - 2020, thông qua cuộc vận động ủng hộ “Quỹ vì người nghèo’’, Chương trình “Tết vì người nghèo” đã nhận được hơn 645 tỉ đồng từ sự ủng hộ của các cơ quan, đơn vị, cộng đồng doanh nghiệp và các nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ các xã nghèo, người nghèo với nhiều hoạt động thiết thực như cứu đói, xây mới nhà ở, sửa chữa nhà “Đại đoàn kết”; hỗ trợ giống cây, con, thuốc chữa bệnh… 
   
Một kết quả đáng ghi nhận khác trong công tác xóa đói giảm nghèo 5  năm qua là ngày càng xuất hiện nhiều mô hình giảm nghèo bền vững. Điển hình như mô hình trồng cây chanh leo tại các xã Tri Lễ, Nậm Giải; trồng cây dược liệu tại xã Nậm Nhoóng, huyện Quế Phong; mô hình chăn nuôi bò, lợn đen, gà ác; trồng gừng, khoai sọ... ở huyện Kỳ Sơn; ngoài ra, từ nguồn kinh phí trên, tỉnh đã đầu tư xây dựng hàng nghìn công trình hạ tầng kinh tế và hạ tầng xã hội. Nhờ vậy, kết cấu hạ tầng cơ sở ngày càng  hoàn thiện; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc.
 
Tuy nhiên, trên thực tế, tỉ lệ hộ nghèo của tỉnh còn cao hơn mức bình quân cả nước (cuối năm 2019, Nghệ An còn 4,11%; cả nước là 3,75%). Đáng lưu ý là kết quả giảm nghèo chưa bền vững, vẫn còn hộ tái nghèo và hộ nghèo phát sinh mới. Việc bình xét, xếp loại hộ nghèo ở nhiều nơi còn thiếu chính xác. Các cấp, ngành chưa đi sâu đánh giá về nguyên nhân nghèo để có biện pháp hỗ trợ phù hợp… Trước thực tế trên, theo yêu cầu của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long, Trưởng ban tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh, các cấp, ngành cần làm tốt công tác rà soát hộ nghèo đảm bảo chính xác; đồng thời đánh giá nguyên nhân và tìm ra biện pháp hỗ trợ đúng và trúng với từng địa bàn, đối tượng.
 
Có thể kể đến các hình thức như hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ về đất và tư liệu sản xuất, học nghề, việc làm, xuất khẩu lao động, hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho hộ nghèo. Để công tác xóa đói giảm nghèo mang tính bền vững, cần tập trung phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường thu hút các doanh nghiệp có quy mô lớn vào đầu tư sản xuất kinh doanh trên địa bàn để thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với giảm nghèo; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác giảm nghèo cho người nghèo để bản thân họ biết vươn lên thoát nghèo, chống tư tưởng trông chờ, ỷ lại…
.
Thùy Dương
.