Thứ Tư, 30/09/2020, 09:53 [GMT+7]

Hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ cận nghèo: Góp phần đảm bảo an sinh xã hội

(Congannghean.vn)-Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 23 ngày 4/8/2016 của HĐND tỉnh, các đối tượng thuộc hộ gia đình cận nghèo trên địa bàn tỉnh có điều kiện tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ y tế một cách thuận lợi, qua đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân và đảm bảo an sinh xã hội.
Việc nâng mức hỗ trợ tiền đóng BHYT đối với người thuộc hộ gia đình                               cận nghèo giúp họ có điều kiện tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ y tế
Việc nâng mức hỗ trợ tiền đóng BHYT đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo giúp họ có điều kiện tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ y tế
Nghị quyết số 23 của HĐND tỉnh quy định mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế (BHYT) cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 quy định ngoài mức hỗ trợ đóng BHYT từ ngân sách Trung ương theo quy định của Luật BHYT, ngân sách địa phương hỗ trợ mức đóng BHYT cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo theo tiêu chí chuẩn cận nghèo được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định, tăng dần theo từng năm, mức hỗ trợ tăng từ 10% (năm 2016) lên đến 30% (năm 2020). Như vậy, tính đến năm 2020, nhóm đối tượng là người thuộc hộ gia đình cận nghèo theo tiêu chí chuẩn cận nghèo được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định sẽ được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 100% mức đóng BHYT (trong đó, ngân sách Trung ương 70%, ngân sách địa phương 30%). Tại Nghệ An, trong 5 năm triển khai Nghị quyết số 23/2016 của HĐND tỉnh, số lượng người thuộc hộ gia đình cận nghèo tham gia BHYT giai đoạn 2016 - 2020 tăng 44.592 người (từ 57.953 người lên 102.545 người), tương ứng tỉ lệ tăng là 176% và tổng kinh phí ngân sách địa phương hỗ trợ một phần mức đóng BHYT là 71.081 triệu đồng. Trong đó, năm 2016, hỗ trợ 1.099 triệu đồng, đến năm 2019 hỗ trợ 19.088 triệu đồng, dự kiến đến hết năm 2020 là 34.196 triệu đồng. Qua đó, góp phần tăng tỉ lệ bao phủ BHYT toàn dân từ 81% (năm 2016) lên đến 90,5% (năm 2019). 
 
Những tác động tích cực của Nghị quyết số 23/2016 thể hiện ở chỗ, các đối tượng cận nghèo được tiếp cận với các dịch vụ y tế một cách thuận lợi, kịp thời. Việc sử dụng thẻ BHYT trong khám, chữa bệnh giúp làm giảm gánh nặng về tài chính cho người dân. Năm 2016, có 177.225 lượt khám với số tiền được bảo hiểm thanh toán là 113.996 triệu đồng. Đến năm 2019, có 198.770 lượt khám với số tiền được bảo hiểm thanh toán là 147.883 triệu đồng. Quý I/2020, có 37.256 lượt khám với số tiền được bảo hiểm thanh toán là 30.885 triệu đồng. Như vậy, từ năm 2016 đến quý I/2020, Quỹ BHYT thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT cho 682.014 lượt đối tượng cận nghèo với số tiền 595.471 triệu đồng. Việc địa phương hỗ trợ mức đóng BHYT ngoài mức hỗ trợ từ ngân sách Trung ương thể hiện tính nhân văn, tạo điều kiện cho nhóm đối tượng thuộc hộ gia đình cận nghèo trên địa bàn tỉnh được hưởng các chính sách của Nhà nước về BHYT. Qua đó, góp phần thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tình trạng tái nghèo; đảm bảo an sinh xã hội, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân trên địa bàn tỉnh.  
 
Tuy nhiên, trên thực tế, hiện nay, kinh phí địa phương mới chỉ hỗ trợ cho một trong các đối tượng theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP. Các đối tượng còn lại cũng là những nhóm người có thu nhập thấp, song không đủ trang trải các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống hàng ngày nên không có điều kiện tham gia BHYT dù đã được Trung ương hỗ trợ một phần mức đóng BHYT. Do đó, việc tiếp tục hỗ trợ cho những người thuộc hộ gia đình cận nghèo và bổ sung thêm một số nhóm đối tượng từ nguồn kinh phí hỗ trợ của địa phương để đóng BHYT là hết sức cần thiết. Một thực tế khác ảnh hưởng đến tốc độ bao phủ BHYT là tỉ lệ bao phủ BHYT của các nhóm đối tượng thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình thuộc đối tượng yếu thế trong xã hội chưa đạt chỉ tiêu. Điều này xuất phát từ thực tế, đối tượng là người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình không được hỗ trợ mức đóng BHYT. 
 
Thực tế cho thấy, việc nâng mức hỗ trợ tiền đóng BHYT đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo sẽ giúp họ có thêm điều kiện để tham gia và hưởng chế độ khám, chữa bệnh BHYT, tránh được nguy cơ rơi vào “bẫy” nghèo khi chẳng may trong gia đình có người bị ốm đau, bệnh tật. Đây cũng là chính sách mang ý nghĩa nhân đạo và có tính cộng đồng sâu sắc mà Đảng và Nhà nước đang hết sức coi trọng nhằm góp phần thực hiện chiến lược giảm nghèo bền vững, đồng thời cũng là giải pháp thực hiện lộ trình BHYT, tiến tới BHYT toàn dân.
.

Thùy Dương

.