Vừa qua, tại Hà Nội, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020. Phó Tổng Giám đốc phụ trách, quản lý điều hành BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị còn có các đồng chí Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam: Nguyễn Đình Khương, Phạm Lương Sơn, Trần Đình Liệu, Lê Hùng Sơn cùng lãnh đạo các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam. Tại điểm cầu 63 tỉnh, thành phố có lãnh đạo BHXH tỉnh, lãnh đạo các phòng trực thuộc và Giám đốc BHXH các quận, huyện.
Nhiều thành tích đáng ghi nhận
Trong 6 tháng đầu năm 2020, BHXH Việt Nam luôn chủ động, bám sát chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là đã kịp thời tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho đơn vị, doanh nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội, ứng phó với đại dịch Covid-19; triển khai thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Đảng, Chính phủ về lĩnh vực BHXH, BHYT; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); chủ động xây dựng kế hoạch, giao nhiệm vụ cho BHXH các tỉnh, thành phố; triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao năm 2020, đặc biệt là trong bối cảnh cả nền kinh tế bị ảnh hưởng, tác động bởi dịch bệnh.
Phó Tổng Giám đốc phụ trách, quản lý điều hành BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh chủ trì Hội nghị |
Bên cạnh việc kịp thời giao chỉ tiêu, kế hoạch năm 2020 cho BHXH các tỉnh, thành phố, BHXH Việt Nam đã tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức các đoàn kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển khai theo kế hoạch được giao; đẩy mạnh đôn đốc BHXH các tỉnh thực hiện rà soát, phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc từ dữ liệu do cơ quan Thuế chuyển sang; kịp thời tháo gỡ vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức, thực hiện.
Kết quả, ước đến ngày 30/6/2020, số người tham gia BHXH đạt khoảng 15,144 triệu người. Trong đó, số tham gia BHXH bắt buộc là 14,473 triệu người,đặc biệt vượt qua giai đoạn khó khăn do thực hiện cách ly xã hội, số người tham gia BHXH tự nguyện vẫn tăng 96,8 nghìn người so với năm 2019, đạt 670,8 nghìn người; BHTN là 12,716 triệu người; số người tham gia BHYT là 85,521 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 88,3% dân số. Có thể thấy, số người tham gia BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN đều sụt giảm so với cuối năm 2019 bởi tác động của dịch bệnh, riêng số người tham gia BHXH tự nguyện tăng - là điểm sáng trong công tác phát triển đối tượng của ngành 6 tháng đầu năm.
Tổng số thu BHXH, BHYT, BHTN ước đạt 45,3% kế hoạch cả năm (tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2019).Tổng số tiền nợ BHXH phải tính lãi (từ 1 tháng trở lên) khoảng 21.231 tỷ đồng, chiếm 5,3% số phải thu.
Số người tham gia BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN giảm; số nợ BHXH, BHYT, BHTN tăng lên, nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều đơn vị, doanh nghiệp gặp khó khăn phải thu hẹp hoặc tạm ngừng sản xuất kinh doanh, người lao động không có việc làm phải nghỉ việc nên không thể tiếp tục tham gia BHXH, BHTN, BHYT.
Đáng chú ý, trong bối cảnh các đơn vị, doanh nghiệp bị tác động bởi dịch Covid-19, BHXH Việt Nam đã tích cực chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan hỗ trợ kịp thời các đơn vị trong việc khắc phục thiệt hại do dịch bệnh gây ra; kịp thời thẩm định hồ sơ, giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo báo cáo của BHXH các tỉnh, thành phố tính đến hết ngày 30/6/2020, số đơn vị đã nộp hồ sơ được phê duyệt tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là 1.519 đơn vị, tương ứng với 130.794 lao động và ước số tiền khoảng 475 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, công tác cấp sổ BHXH, thẻ BHYT và giải quyết chế độ BHXH, BHYT, BHTN được chú trọng tăng cường. Theo số liệu báo cáo của các địa phương và BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an nhân dân, ước đến ngày 30/6/2020, tổng số người tham gia BHXH được cấp sổ là khoảng 15,053 triệu người đạt tỷ lệ 99,4% trên tổng số đối tượng tham gia BHXH; tổng số người tham gia được cấp thẻ BHYT là khoảng 85,5 triệu người.
Tại các địa phương, công tác giải quyết các chế độ chính sách đối với người tham gia BHXH, BHYT, BHTN được thực hiện kịp thời, đúng quy định với thủ tục hành chính (TTHC) được rút gọn. Cụ thể, toàn ngành BHXH ước giải quyết 60.523 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng (tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2019); 454.209 người hưởng trợ cấp 1 lần (tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2019); 4.589.884 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe (giảm 11,4% so với cùng kỳ năm 2019). Phối hợp với ngành LĐ-TB&XH giải quyết cho474.622 người hưởng chế độ BHTN (tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2019), trong đó: 468.152 người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp, 6.470 người hưởng kinh phí hỗ trợ học nghề. Thanh toán chi phí KCB BHYT cho 77,657 triệu lượt người KCB nội trú và ngoại trú.
Đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu các địa phương |
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tổng số chi BHXH, BHTN ước khoảng 169.509 tỷ đồng đạt 45,3% kế hoạch cả năm. Trong đó, chi BHXH từ nguồn Ngân sách là 23.575 tỷ đồng, chi BHXH từ quỹ BHXH là 93.367 tỷ đồng, chi quỹ BHTN là 5.757 tỷ đồng và chi KCB BHYT là 46.810 tỷ đồng.
Cơ quan BHXH các cấp đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan Bưu điện chi trả kịp thời, đầy đủ chế độ, chính sách BHXH cho người tham gia; thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH tháng 4, 5/2020 vào cùng một kỳ chi trả, tổ chức chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH tại nhà cho người hưởng nhận bằng tiền mặt, đảm bảo an toàn cho người thụ hưởng trong đợt cao điểm phòng, chống dịch bệnh COVID-19; kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong công tác chi trả các chế độ BHXH; quản lý chặt chẽ người hưởng; tiếp tục mở rộng việc thí điểm ứng dụng công nghệ thông tin trong chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH qua bưu điện.Tính đến tháng 6/2020, 2 ngành đang phối hợp thực hiện chi trả cho gần 3,2 triệu người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng; trong đó, chi bằng tiền mặt cho khoảng 2,5 triệu người, chi qua tài khoản cá nhân cho khoảng 687 nghìn người.
Trong 6 tháng đầu năm, BHXH Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan trong việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung và triển khai các văn bản, quy định mới về chính sách BHYT; tích cực chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố chủ động phối hợp với Sở Y tế và các cơ sở KCB trên địa bàn tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người bệnh có thẻ BHYT được kịp thời KCB hoặc chuyển tuyến KCB BHYT khi nghi ngờ nhiễm virus Corona; đảm bảo quyền lợi cho người có thẻ BHYT khi cơ sở KCB bị cách ly y tế hoặc thay đổi nhiệm vụ điều trị Covid-19; đồng thời thực hiện ngay việc tạm ứng kinh phí cho các cơ sở KCB BHYT để đảm bảo hoạt động KCB BHYT, đặc biệt là các tỉnh có người bệnh được phát hiện nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm Covid-19; thực hiện thanh toán chi KCB BHYT liên quan đến dịch bệnh Covid-19 và sử dụng kinh phí từ quỹ KCB BHYT hỗ trợ chống dịch Covid-19; sử dụng kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu để mua thuốc sát trùng và xà phòng chống dịch Covid-19; cấp thuốc điều trị ngoại trú đối với các trường hợp mắc bệnh mãn tính, điều trị dài ngày trong thời gian chống dịch Covid-19…
Công tác thông tin, truyền thông được tiếp tục triển khai đồng bộ từ Trung ương tới địa phương với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. BHXH Việt Nam đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, tổ chức chính trị, xã hội và các cơ quan thông tấn, báo chí tổ chức các hoạt động truyền thông, phổ biến chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BHTN rộng khắp với các nội dung phong phú, đi sâu phản ánh về lợi ích, giá trị nhân văn của các chính sách này. Đồng thời, trong 6 tháng qua, BHXH Việt Nam cũng đã triển khai có hiệu quả nhiều đợt truyền thông trọng tâm, trọng điểm như: tập trung triển khai các hoạt động truyền thông nhân dịp kỷ niệm 25 năm ngày thành lập ngành; Chiến dịch truyền thông cao điểm “Ngành BHXH chung tay cùng cả nước phòng, chống dịch Covid-19”, trong đó, đặc biệt đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh truyền thông, kịp thời ngăn chặn tình trạng lợi dụng dịch Covid-19 để thu gom, mua bán sổ BHXH, cảnh báo người lao động không nên bán sổ BHXH để bảo vệ quyền lợi an sinh lâu dài của bản thân; sau thời gian thực hiện cách ly, giãn cách xã hội, phối hợp với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam tổ chức “Lễ ra quân hưởng ứng Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân - Tuyên truyền, vận động người dân tham gai BHXH tự nguyện" và đã phát triển được 30.017 người tham gia BHXH tự nguyện, 4.734 người tham gia BHYT hộ gia đình, chỉ sau 2 ngày (23&24/5/2020) ra quân trên toàn quốc.
Ngoài ra, công tác thanh tra, kiểm tra cũng được BHXH Việt Nam chú trọng đẩy mạnh. Theo đó, đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố tạm dừng thực hiện thanh tra, kiểm tra thường xuyên trong thời gian diễn ra dịch Covid-19; kịp thời giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh của người dân về chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN; chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố chủ động thanh tra đột xuất tại các đơn vị, doanh nghiệp cố tình trốn đóng hoặc có dấu hiệu lạm dụng, trục lợi BHXH, BHTN, BHYT; kịp thời xử lý, kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHTN, BHYT.Tính đến tháng 6/2020, toàn ngành đã tiến hành thanh tra chuyên ngành đóng tại 834 đơn vị, qua đó đã phát hiện 2.371 lao động thuộc đối tượng phải tham gia nhưng chưa tham gia hoặc đóng thiếu thời gian với số tiền phải truy đóng là 18,455 tỷ đồng; 9.985 lao động tham gia thiếu mức quy định với số tiền phải truy đóng là 51,785 tỷ đồng. Số tiền nợ đóng các đơn vị đã nộp trong thời gian thanh tra là 98,147 tỷ đồng. Ban hành 82 quyết định xử phạt vi phạm hành chính và thu hồi 4,326 tỷ đồng.
Công tác cải cách TTHC tiếp tục được triển khai quyết liệt, đồng bộ theo đúng yêu cầu của Chính phủ; tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các TTHC của Ngành; thực hiện cung cấp 722 tài khoản cho các đơn vị trực thuộc, BHXH các tỉnh, thành phố, BHXH cấp huyện để tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về TTHC trên Hệ thống phản ánh, kiến nghị tại Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Đồng thời, chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố tiếp tục đẩy mạnh thực hiện việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC qua giao dịch điện tử; duy trì việc tiếp nhận, trả kết quả TTHC trực tiếp tại bộ phận "Một cửa", qua dịch vụ bưu chính công ích, đảm bảo phục vụ tốt nhất quyền lợi của người tham gia và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Việc ứng dụng CNTT vào công tác tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN luôn được BHXH Việt Nam xác định là yếu tố then chốt, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, giảm thời gian, chi phí, thủ tục cho người tham gia, đơn vị và doanh nghiệp khi giao dịch với cơ quan BHXH. Theo đó, BHXH Việt Nam đã tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp các phần mềm nghiệp vụ; hệ thống tổng hợp và phân tích dữ liệu tập trung ngành BHXH; hệ thống cấp mã số BHXH và quản lý BHYT hộ gia đình; thực hiện kết nối với hệ thống thông tin quản lý hộ tịch qua Trục dữ liệu quốc gia (NGSP) phục vụ liên thông khai sinh, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi… Đến nay, ngành BHXH đã thực hiện cung cấp được 05 dịch vụ công trực tuyến cho doanh nghiệp, người dân trên Cổng Dịch vụ công quốc giatheo Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 24/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ; tích hợp, cung cấp thêm 3 dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia để thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Tại Hội nghị, các điểm cầu đã cùng tập trung chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổchức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN 6 tháng đầu năm, cụ thể như: Công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc trong khi các đơn vị, doanh nghiệp vẫn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19; côngtác thanh, quyết toán chi phí KCB BHYT năm 2019 chưa đáp ứng tiến độ theo quy định do ảnh hưởng của dịch bệnh; tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH vẫn còn xảy ra ở một số địa phương, đơn vị và đặc biệt có xu hướng gia tăng do tác động của dịch Covid-19 … Theo đó, để thực hiện tốt các mặt nhiệm vụ công tác 6 tháng năm 2020, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đề xuất nhiều giải pháp cần tăng cường thực hiện và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đang tồn tại cho BHXH các địa phương.
Quyết tâm hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2020
Trong 6 tháng cuối năm 2020, BHXH Việt Nam xác định, tiếp tục tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ; xây dựng và triển khai các phương án, kịch bản điều hành (từng tháng, quý, cả năm) nhằm tăng tốc phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHTN, BHYT, trong đó sẽ tăng cường phối hợp với các hệ thống đại lý thu tổ chức các hình thức tuyên truyền, vận động phù hợp; đẩy mạnh, đổi mới công tác truyền thông trong tình hình mới,tập trung truyền thông hướng đến các nhóm đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình…
Bên cạnh đó, đẩy mạnh phối hợp thanh tra liên ngành, tăng cường thanh tra chuyên ngành đột xuất tại các đơn vị, doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm,kịp thời xử lý, kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT, BHTN; phối hợp với ngành Bưu điện quản lý chặt chẽ đối tượng thụ hưởng, đổi mới phương thức phục vụ, chi trả qua các tổ chức dịch vụ công ích; đẩy mạnh việc chi trả không dùng tiền mặt theo chỉ đạo của Chính phủ; tăng cường, chủ động kiểm soát chi phí KCB BHYT, đảm bảo thực hiện đúng dự toán được giao năm 2020... Toàn Ngành cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC, tăng cường ứng dụng CNTT, giao dịch điện tử; mở rộng cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, tích hợp kết nối liên thông để cung cấp các dịnh vụ công thuộc thẩm quyền giải quyết của ngành trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia; tiếp tục rà soát, hoàn thiện dữ liệu hộ gia đình tham gia BHYT, cấp mã số BHXH cho người tham gia…
Với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự phối hợp chủ động, tích cực của các Bộ, ngành liên quan, cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành phố và với quyết tâm của ngành BHXH, tin tưởng rằng BHXH Việt Nam sẽ đảm bảo hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2020./.