Thứ Ba, 30/06/2020, 15:36 [GMT+7]
Vụ đưa 45 hộ vào đề án phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ đu

Ban dân tộc tỉnh Nghệ An thừa nhận sai sót

(Congannghean.vn)-Thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đăng tải thông tin Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An đã “đưa nhầm” 45 hộ dân (231 nhân khẩu) là tộc người Ơ Đu ở bản Đửa, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương vào Đề án phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu. Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An đã đưa các hộ dân nói trên ra khỏi đề án, vì thực tế ở bản Đửa, xã Lượng Minh không có người Ơ Đu sinh sống. Trao đổi sự việc với phóng viên, Ban Dân tộc tỉnh thừa nhận những sai sót nói trên.

Quyết định của UBND tỉnh về phân khai kinh phí thực hiện đề án
Quyết định của UBND tỉnh về phân khai kinh phí thực hiện đề án
Tại Báo cáo số 95/BC-BDT, ngày 25/6/2020 của Ban Dân tộc tỉnh đã thừa nhận thiếu sót trong quá tình tham mưu, lập và trình UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu giai đoạn 2016 - 2021 tại Quyết định số 3829/QĐ-UBND ngày 22/8/2017 là do kế thừa các số liệu và đề án đã cung cấp trước đó. Để dẫn đến những thiếu sót nói trên, trách nhiệm chính thuộc về phòng tham mưu khi xây dựng Đề án và lãnh đạo Ban Dân tộc giai đoạn 2015 - 2018, báo cáo của Ban Dân tộc khẳng định.
 
Tìm hiểu của phóng viên được biết, “Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 - 2025” (sau đây gọi tắt là Đề án) được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt tại Quyết định số 3829/QĐ-UBND ngày 22/8/2017. Mục tiêu của đề án là duy trì, phát triển và nâng cao vị thế của dân tộc Ơ Đu; xóa đói, giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào một cách bền vững nhằm giảm dần sự chênh lệch về khoảng cách phát triển với các dân tộc khác trong vùng; xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các bản nơi sinh sống tập trung của đồng bào dân tộc Ơ Đu; góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
 
Theo đó, Đề án được thực hiện trong thời gian 10 năm (2016 - 2025), chia thành hai giai đoạn, giai đoạn I là từ 2016 - 2020 và giai đoạn II từ 2021 - 2025. Địa điểm thực hiện là bản Văng Môn, xã Nga My và bản Đửa, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương. Tổng kinh phí thực hiện là 120 tỉ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 108 tỉ đồng, ngân sách tỉnh 12 tỉ đồng.
Giá bò trong Đề án được cho là cao gấp nhiều lần giá thị trường
Giá bò trong Đề án được cho là cao gấp nhiều lần giá thị trường
Các hạng mục chính phát triển kinh tế - xã hội cho người Ơ Đu gồm: Xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng; hỗ trợ phát triển sản xuất; hỗ trợ bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống; đào tạo sử dụng cán bộ và xây dựng hệ thống chính trị cơ sở; hỗ trợ các chính sách về y tế, giáo dục.
 
Tuy nhiên, điều đáng bàn là dù Đề án đã được phê duyệt và triển khai thực hiện, song con số 45 hộ dân (231 nhân khẩu) người dân tộc Ơ Đu ở bản Đửa, xã Lượng Minh là con số không có thực, đây chính là sai sót nghiêm trọng của Ban Dân tộc tỉnh đã không kiểm tra, rà soát trước khi trình Đề án các cấp phê duyệt.
 
Lý giải về sai sót nói trên, báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Đề án phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu được xây dựng trên cơ sở kế thừa số liệu khảo sát thực tế tại huyện Tương Dương từ năm 2010 đến 2015 và niên giám thống kê huyện Tương Dương năm 2010 ở xã Lượng Minh có 35 hộ, 189 khẩu là người Ơ Đu. Trong khi đó, theo số liệu điều tra, tính đến thời điểm 31/12/2015, toàn tỉnh có 179 hộ, 856 khẩu là người dân tộc Ơ Đu sinh sống tập trung chủ yếu ở huyện Tương Dương. Trước đây, người Ơ Đu cư trú tập trung đồng nhất ở 2 bản Kim Hòa và Xốp Pột. Từ năm 2004, kết hợp với chính sách di dời dân ra khỏi vùng lòng hồ thủy điện bản Vẽ, có 94 hộ, 456 khẩu, về sinh sống tập trung tại điểm tái định cư bản Văng Môn, xã Nga My (Tương Dương); còn lại sống xen cư với người dân tộc Thái, Khơ Mú ở 5 xã của huyện Tương Dương. Ngoài ra có khoảng 15 người Ơ Đu ở 2 xã Ngọc Lâm, Thanh Sơn, huyện Thanh Chương. Về số liệu của dân tộc Ơ Đu cũng liên tục thay đổi không logic trong các lần điều tra dân số, bởi người Ơ Đu sống chung trong cộng đồng của dân tộc Thái và Khơ Mú, hoặc trong gia đình chỉ có vợ hoặc chồng là người Ơ Đu nên kê khai không thống nhất. Sau khi có ý kiến góp ý của các sở, ngành liên quan, Ban Dân tộc đã tham mưu trình UBND tỉnh xem xét và được phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2016 - 2025 có tổng mức đầu tư 120 tỉ đồng.
 
Tại thời điểm khảo sát tại xã Lượng Minh có 45 hộ với 231 khẩu là người dân tộc Ơ Đu sinh sống xen cư cùng các dân tộc Thái, Khơ Mú ở nhiều bản khác nhau, không thể đầu tư tập trung như ở bản Văng Môn, xã Nga My. Do đó, Ban Dân tộc đã thống nhất với huyện Tương Dương lựa chọn bản Đửa (trước đây gọi là bản Đáo, nơi từng có nhiều người Ơ Đu cùng sinh sống với dân tộc Thái và Khơ Mú), với mục đích đưa toàn bộ các hộ người dân tộc Ơ Đu trên địa bàn xã Lượng Minh về tái định cư tập trung tại đây.
 
Báo cáo số 95 của Ban Dân tộc tỉnh cũng khẳng định: Đề án được phê duyệt từ năm 2017, nhưng đến cuối năm 2018 Trung ương mới cấp nguồn vốn triển khai thực hiện. Đầu tháng 2/2019, Ban Dân tộc đã thành lập đoàn khảo sát thực trạng kinh tế - xã hội của dân tộc Ơ Đu nhằm đề xuất các hạng mục hỗ trợ sát với thực tế và phù hợp với trình độ phát triển dân tộc Ơ Đu. Qua kết quả khảo sát thực tế cho thấy, số liệu người dân tộc Ơ Đu ở xã Lượng Minh không còn đúng với đề án được duyệt. Vì vậy, Ban Dân tộc đã báo cáo, tham mưu trình UBND tỉnh Nghệ An ban hành quyết định rút bản Đửa ra khỏi diện đầu tư.
 
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay nguồn vốn thực hiện cho Đề án trên đã được giải ngân với số tiền gần 30 tỉ đồng. Ông Vy Mỹ Sơn, Phó Ban dân tộc tỉnh cho biết, đến thời điểm hiện nay, Đề án chưa triển khai bất cứ hạng mục hỗ trợ, phát triển kinh tế - xã hội nào tại bản Đửa, xã Lượng Minh.
 
Hiện nay, một số thông tin dư luận cho rằng, quá trình lập Đề án có sự khảo sát của các cơ quan chuyên môn, có kinh phí khảo sát, để xảy ra sai sót nói trên, cần làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể liên quan. Ngoài ra, việc đưa 45 hộ, 231 nhân khẩu người Ơ Đu ở bản Đửa, xã Lượng Minh ra khỏi đề án, cần phải điều chỉnh lại đề án cho phù hợp thực tế. Một thông tin cũng khá quan trọng cho biết, vốn Đề án được giải ngân 2019 nhưng một số hạng mục đến năm 2020 mới triển khai thực hiện?!
.

Đ. Thắng

.