Thứ Năm, 28/05/2020, 09:22 [GMT+7]

Phòng, chống đuối nước ở trẻ em: Cần sự vào cuộc của toàn xã hội

(Congannghean.vn)-Việc bảo vệ an toàn cho trẻ em khỏi bị tai nạn thương tích, đặc biệt là tai nạn đuối nước là trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội. Thời gian qua, tổ chức Đoàn - Đội các cấp phối hợp với các trường học trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động nhằm góp phần phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ, trong đó, công tác phòng, chống đuối nước được đặt lên hàng đầu.
Tập huấn về kiến thức và kỹ năng phòng tránh đuối nước              tại trường học ở huyện Quỳ Châu
Tập huấn về kiến thức và kỹ năng phòng tránh đuối nước tại trường học ở huyện Quỳ Châu
Chỉ tính riêng trong tháng 5, trên địa bàn tỉnh liên tiếp xảy ra những vụ tai nạn đuối nước thương tâm, không chỉ có các em học sinh, trẻ em mà ngay cả người lớn. Sáng 23/5, người dân xã Quỳnh Tam, huyện Quỳnh Lưu bàng hoàng đau đớn khi nghe tin hai em N.T.P. (11 tuổi) và em gái là N.A.T. (9 tuổi), sau khi đi học về xuống ao nhà ông bà nội tắm không may đuối nước. Cùng ngày, vào lúc 17 giờ 30 phút, người dân đi tập thể dục phát hiện thi thể một bé gái nổi lên trên mặt hồ Cửa Nam, TP Vinh. Ngay khi nhận thông tin, lực lượng chức năng đã vớt thi thể bé gái lên bờ. Nạn nhân được xác định là cháu Lưu Thị Ngọc A. (12 tuổi) trú tại khối 4, phường Cửa Nam, TP Vinh.
 
Với hệ thống sông, suối, hồ đập chằng chịt như ở Nghệ An, năm nào cũng xảy ra nhiều vụ tai nạn đuối nước, mặc dù đã được cảnh báo, tuyên truyền bằng nhiều hình thức. Nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em là do các em không biết bơi và thiếu kỹ năng xử lý khi tai nạn xảy ra.
 
Để phòng tránh, hạn chế tối đa hậu quả do đuối nước gây ra, thời gian qua, BTV các Huyện đoàn trên địa bàn toàn tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống đuối nước. Theo đó, BTV Huyện đoàn chỉ đạo các cơ sở Đoàn tổ chức chương trình, sân chơi bổ ích, khuyến khích các em đăng ký các lớp học bơi; tổ chức cắm biển báo nguy hiểm ở các điểm xung yếu dễ xảy ra tai nạn; phối hợp với các trường học tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức và kỹ năng phòng tránh đuối nước.
 
Những ngày này, tại Trường Tiểu học Châu Hội 1, xã Châu Hội, huyện Quỳ Châu, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền các kỹ năng và kiến thức phòng tránh đuối nước trên hệ thống phát thanh măng non và lồng ghép tại các tiết dạy thể dục..., nhà trường phối hợp với Hội đồng đội của xã triển khai tập huấn về công tác phòng, chống đuối nước. Cô giáo Cao Thị Thùy Dung, Tổng Phụ trách đội Trường Tiểu học Châu Hội 1 chia sẻ, xã Châu Hội có dòng sông Hiếu chảy qua cùng nhiều khe suối, trong điều kiện thời tiết nắng nóng, có rất nhiều trường hợp tai nạn đuối nước xảy ra. Nhà trường đã phối hợp với Hội đồng đội xã lên chương trình, kế hoạch để phòng, chống tai nạn thương tích, đặc biệt là tai nạn đuối nước.
 
Cụ thể: Tuyên truyền măng non với các câu hỏi liên quan đến đuối nước, tai nạn thương tích; giới thiệu các dụng cụ cơ bản để học sinh có thể nhận biết như dây, phao, sào... trong tình huống nguy cấp có thể cứu người; cách sơ cứu ban đầu, thực hành tại chỗ cho học sinh quan sát; đoàn thanh niên xã trực tiếp cung cấp các địa điểm có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước và các biển báo cấm ở khu vực đó cho học sinh. Hiện nay, trên địa bàn Châu Hội, học sinh tiểu học chỉ học 1 buổi trong ngày. Bố mẹ phải đi làm cả ngày, mặc dù dặn dò nhưng việc quản lý lỏng lẻo, khó tránh khỏi những tai nạn đuối nước xảy ra. Chính vì vậy, để có sự phối hợp chặt chẽ cũng như đảm bảo an toàn cho học sinh khi không đến trường, Liên đội Trường Tiểu học Châu Hội 1 đã tổ chức ký cam kết giữa học sinh, gia đình và nhà trường về thực hiện các biện pháp phòng, chống đuối nước...
 
Đồng chí Trương Văn Thanh, cán bộ Huyện đoàn Quỳ Châu cho biết, trước tình hình nhiều vụ tai nạn đuối nước thương tâm xảy ra, Huyện đoàn, Hội đồng Đội huyện chỉ đạo Hội đồng Đội xã phối hợp với các trường học trên địa bàn triển khai tập huấn phòng, chống tai nạn thương tích, đặc biệt là tai nạn đuối nước. Đến nay, đã có 20 trường THCS và trường Tiểu học được tập huấn các kiến thức cũng như kỹ năng phòng, chống đuối nước.
 
Tại huyện Tương Dương, đến thời điểm này, Hội đồng Đội các xã phối hợp với các trường học triển khai nội dung phòng, chống đuối nước và tai nạn thương tích ở 36/36 Liên đội trường học trên địa bàn. Ngoài ra, đoàn xã, thị trấn tổ chức cắm biển cảnh báo đuối nước tại các điểm sông suối đông người qua lại. Ngoài việc tập huấn kỹ năng phòng, chống đuối nước, các em học sinh còn được tuyên truyền các kỹ năng cảnh giác với người lạ, xử lý khi đi lạc cũng như phòng, chống bạo lực học đường...
 
Phòng, chống đuối nước cho trẻ có thể đến từ những việc làm nhỏ như: các bậc phụ huynh bỏ ra ít phút căn dặn các con trước khi ra khỏi nhà; thầy, cô giáo dành thời gian nhắc nhở học sinh... Hơn ai hết, chúng ta cần ý thức được tầm quan trọng của phòng, chống đuối nước cho trẻ để tránh những trường hợp thương tâm xảy ra. Thực tế, để giảm đến mức thấp nhất tai nạn thương tích nói chung và tai nạn đuối nước nói riêng thì cần sự vào cuộc của gia đình, nhà trường và xã hội.
.

Phan Tuyết

.