(Congannghean.vn)-Có một tuổi thơ không may mắn khi mắc phải căn bệnh xương thủy tinh, nhưng vượt qua những mặc cảm, tự ti, Trần Văn Hà đã nỗ lực vươn lên. Giờ đây, anh đã có một mái ấm gia đình hạnh phúc, trở thành người có ích cho xã hội.
Từ cậu bé khuyết tật đến một chuyên gia công nghệ
Ngôi nhà mà Trần Văn Hà (SN 1990) thuê trọ tại thị trấn Quỳ Hợp, huyện Quỳ Hợp hơn 3 năm qua luôn tràn ngập tiếng cười. Có ai biết được rằng, trước đó không lâu, Hà đã trải qua những tháng ngày cơ cực.
Trần Văn Hà là con thứ hai trong một gia đình có 3 chị em. Hà có một tuổi thơ buồn, từ thuở lọt lòng mẹ đã mang trên mình căn bệnh xương thủy tinh. Mẹ đã bế anh đi khắp nơi chạy thầy chạy thuốc, nhưng rồi, đi đến đâu cũng chỉ nhận được cái lắc đầu của bác sĩ. Hai mẹ con lại quay trở về trong tuyệt vọng. Bại liệt hai chân, mọi sinh hoạt cá nhân đều phải dựa vào đôi tay teo tóp. Đến tuổi đi học, nhìn thấy các bạn được cắp sách tới trường, Hà đã khao khát biết nhường nào. Để con vơi đi nỗi buồn, xóa mặc cảm, tự ti, hàng ngày, mẹ của Hà lại cõng con đến trường đứng ngoài cửa lớp. Những năm tháng tuổi thơ, chiếc xe lăn trở thành người bạn thân thiết với Hà.
Chuyện tình trên mạng của chàng trai khuyết tật Trần Văn Hà kết thúc viên mãn |
Năm Hà lên 9 tuổi, bố mẹ ly hôn, anh về sống với bố theo sự phán quyết của tòa án. Một thời gian sau, bố lập gia đình. Thương con cảnh “dì ghẻ con chồng”, mẹ đã đón Hà về chung sống trong túp lều cũ nát dựng tạm bợ. Ngày qua ngày, 4 mẹ con rau cháo nuôi nhau. Số tiền ít ỏi từ bán than củi của mẹ kiếm được không đủ để trang trải cuộc sống, lo thuốc thang cho anh mỗi khi trái gió trở trời.
Tàn tật là vậy nhưng trời phú cho Hà khả năng hoạt ngôn cho nên đi tới đâu, anh cũng được mọi người giúp đỡ nhiệt tình. Nhờ bạn bè giới thiệu, năm 2011, Hà quyết định vào Sài Gòn lập nghiệp. Khóc hết nước mắt ngăn cản con, thế nhưng thấy Hà quyết tâm, mẹ anh buộc phải bằng lòng. “Đi tới đâu, tôi cũng được mọi người thương mến. Để lên xe hay xuống xe ôtô, tôi mở lời là mọi người vui vẻ giúp đỡ ...”, Trần Văn Hà cười nói.
Nơi đất khách quê người, không có người thân bên cạnh, dù vậy, Hà vẫn tự chăm lo cho bản thân. Với tinh thần ham học hỏi, chịu khó, siêng năng, Hà được bạn bè giới thiệu làm trợ lý Giám đốc cho cơ sở khuyết tật An Phúc. Năm 2013, nghe tin mẹ bệnh nặng, Hà quyết định trở về quê hương.
Về quê, công việc chính của Hà là nhận các dịch vụ về công nghệ, bảo mật mạng facebook. Trần Văn Hà chia sẻ: “Bản thân tôi rất yêu thích công nghệ thông tin, vì vậy những năm tháng ở Sài Gòn, khi có thời gian rảnh rỗi, tôi thường hay mày mò, nghiên cứu cùng với sự hỗ trợ, giúp đỡ từ bạn bè...”. Hằng ngày, bên chiếc máy vi tính, Hà lại lặng lẽ công việc của mình. Những cuộc gọi liên tục, những tin nhắn nhờ giúp đỡ, lượng khách tìm đến với dịch vụ của Hà ngày càng đông.
Tình yêu qua mạng và cái kết viên mãn
Tình yêu đến với Trần Văn Hà như một mối lương duyên. Lô Thị Giang, cô gái cùng quê thua anh 8 tuổi, quen biết nhau qua mạng, trong một lần Giang nhờ Hà lấy hộ tài khoản facebook. Hằng ngày, cô gái người dân tộc Thái thường xuyên tâm sự, trò chuyện với anh, từ đó họ cảm mến và đem lòng yêu thương nhau. Điều mà Hà nhận ra ở Giang là tấm chân tình, bởi cô là một người phụ nữ khỏe mạnh, lành lặn.
Lô Thị Giang chia sẻ: “Chúng tôi quen biết nhau qua mạng facebook. Anh Hà công khai bệnh tật, cho nên tôi cũng không ngạc nhiên trong ngày đầu hẹn hò. Gặp anh, nói chuyện với anh, cảm động trước nghị lực và ý chí vươn lên trong cuộc sống của anh khiến tôi lại càng thương anh hơn...”.
Sau gần 1 năm yêu nhau, năm 2017, Hà và Giang quyết định về chung sống dưới một mái nhà. Ngày thông báo với hai gia đình, anh chị đã gặp phải sự ngăn cản từ phía anh em họ hàng nhà Giang. Thế nhưng, với tình yêu, lòng ngưỡng mộ và sự cảm phục, Giang vẫn một mực đi theo tiếng gọi của trái tim. Trước ngày lên xe hoa, trên trang cá nhân của mình, Giang viết: “Không ai có tất cả và cũng không ai mất đi tất cả. Anh ấy có trái tim chân thành, còn em có đôi chân lành lặn. Em nguyện sẽ là một nửa cuộc đời anh, là đôi chân của anh đến suốt cuộc đời. Chỉ cần vợ chồng mình yêu thương bằng trái tim chân thành thì mọi khó khăn sẽ qua".
Ngày cưới, với thân hình chỉ nặng 21 kg, Hà ngồi lọt thỏm trên tay người bạn thân khi được bạn bế để tiến vào hội trường làm hôn lễ. Giang bước những bước chân đi bên cạnh. Nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt, anh chị trao cho nhau ánh mắt đầy yêu thương... Hạnh phúc từ những điều giản đơn như vậy.
Sau đám cưới, vợ chồng Hà thuê nhà tại thị trấn Quỳ Hợp để sinh sống và mở cửa hàng mang tên: “Cửa hàng cậu chủ nhỏ Hà Giang”. Không để vợ lo lắng chuyện cơm áo gạo tiền, thời điểm đấy, ngoài việc mưu sinh bằng nghề nhận bảo mật trang cá nhân trên mạng facebook, Hà còn nhận làm dịch vụ photocopy tại nhà, đổi gas cho người dân trong thị trấn, làm MC cho chương trình của người khuyết tật...
Tình yêu đơm hoa, kết quả, niềm vui như được nhân lên khi Giang sinh cho Hà một bé gái bụ bẫm. Đến nay, con gái anh chị đã hơn 3 tuổi. Trong ngôi nhà nhỏ, giờ đây luôn tràn ngập tiếng cười, dù còn lắm vất vả, khó khăn.
Những nghĩa cử cao đẹp
Trần Văn Hà đập lợn đất ủng hộ quỹ phòng, chống dịch COVID-19 tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Bắc Nghệ An |
Số phận không cho anh được lành lặn, nhưng chàng trai “xương thủy tinh” Trần Văn Hà luôn giàu lòng nhân ái. Anh thường xuyên kêu gọi, tham gia các hoạt động thiện nguyện dành cho người khuyết tật.
Cách đây 3 năm, Hà đã cùng mẹ ra Đại học Y Hà Nội đăng ký hiến xác cho y học. Theo lời Hà, xuất phát từ lòng trắc ẩn của mẹ. Ngày trước, mẹ thích được làm bác sĩ, nhưng rồi vì hoàn cảnh gia đình nên không thể thực hiện ước mơ. Bà quyết định hiến xác cho y học sau khi chết để góp phần nhỏ bé vào việc nghiên cứu, giảng dạy y khoa. Biết được tâm nguyện của mẹ, anh cũng quyết định hiến xác cho y học với mong muốn làm một điều gì có ích cho xã hội ngay cả khi không còn trên thế giới này nữa...
Mới đây, trước dịch COVID-19, Hà đã quyết định đập lợn đất tiết kiệm để ủng hộ phòng, chống dịch. Chia sẻ về việc làm của mình, Trần Văn Hà cho biết, con lợn đất tiết kiệm hơn 2 năm nay từ tiền mừng tuổi của con gái và trích thu nhập từ việc bảo mật trên mạng facebook. Trong thời điểm dịch COVID-19 phức tạp, tôi đọc được những bài báo về những tấm lòng thơm thảo, những cụ già, các em học sinh đập lợn mừng tuổi ủng hộ quỹ phòng, chống dịch. Lúc đấy, tôi tự hỏi, tại sao khi mình còn sống, mình không làm một việc gì đó ý nghĩa cho đời. Sau một đêm trằn trọc suy nghĩ, sáng hôm sau tôi bàn với vợ đập lợn đất được gần 14 triệu đồng, hai vợ chồng sang Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Bắc Nghệ An ủng hộ. Trước nghĩa cử và việc làm cao đẹp của anh, đội ngũ y, bác sĩ nơi đây đã ghi nhận và cảm ơn tấm lòng của anh. “Một phần quà nhỏ của mình, hy vọng sẽ có sự lan tỏa, chung tay cùng cộng đồng dập dịch”, Trần Văn Hà chia sẻ.
Chia tay anh khi chiều vừa tắt nắng, chúng tôi chỉ mong rằng, sau tất cả, anh có đủ sức khỏe để làm những việc ý nghĩa cho đời...
.