Thứ Năm, 05/03/2020, 10:06 [GMT+7]

Tạo điều kiện cho người sau cai nghiện tái hoà nhập cộng đồng

(Congannghean.vn)-Thấu hiểu những khó khăn của người sau cai nghiện ma tuý trong việc tạo dựng cuộc sống mới, những năm qua, các cấp, ngành của tỉnh Nghệ An đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, động viên để họ tái hoà nhập cộng đồng. 
Công tác tuyên truyền được các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh đối với người sau cai nghiện
Công tác tuyên truyền được các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh đối với người sau cai nghiện
Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 29 phê duyệt việc thí điểm tín dụng đối với hộ gia đình và người có HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế và gái bán dâm hoàn lương. Nghệ An là 1 trong 15 tỉnh, thành phố được chọn làm thí điểm trong cả nước. Trên thực tế, người nghiện sau khi hoàn thành Quyết định cai nghiện tại Trung tâm trở về cộng đồng đều được UBND cấp xã tiếp nhận, lập hồ sơ theo dõi và bàn giao cho Tổ công tác cai nghiện phối hợp với các tổ chức, đoàn thể, khu dân cư và gia đình quản lý, giúp đỡ, tư vấn nghề nghiệp, hướng dẫn làm hồ sơ vay vốn nếu có nhu cầu. Các mô hình như “đồng đẳng”, “tự lực” đã quy tụ, gắn kết những người sau cai nghiện tham gia. Tại đây, các hội viên là người sau cai nghiện ma túy được chia sẻ, giúp đỡ về tinh thần và được kết nối với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tư vấn, hỗ trợ học nghề, vay vốn.
 
Theo đó, đến 31/1/2020, trên địa bàn tỉnh Nghệ An, tổng dư nợ của chương trình vay vốn này là 283 triệu đồng với 11 người. Dù triển khai trên tất cả các địa bàn nhưng mới chỉ có 5 trong tổng số 21 huyện, thành, thị có người vay tiền theo chương trình này. Nguyên nhân khó khăn trong triển khai vay vốn chương trình này là do tâm lý người nghiện vẫn còn mặc cảm, tự ti, không muốn nhiều người biết về quá khứ lỗi lầm của họ. Đại đa số người nghiện ma tuý không có nghề nghiệp, thường xuyên di biến động nên việc tiếp cận cũng có những khó khăn nhất định. Bên cạnh đó, các chương trình truyền thông vẫn chưa được các cấp chính quyền quan tâm đúng mức nên không phải ai cũng nắm hết nội dung này. Khả năng sinh kế của người sau cai cũng chưa khả thi nên khi triển khai chưa tạo hiệu quả.
 
Việc thực hiện cho vay vốn với lãi suất ưu đãi nhằm giúp nhóm người nghiện ma túy, người bán dâm, người nhiễm HIV tự tạo việc làm, tăng thu nhập cá nhân và gia đình, nâng cao sức khỏe, chất lượng cuộc sống, giảm tỉ lệ tái nghiện, tái phạm. Đến nay, chính sách này đã bước đầu phát huy tác dụng. Cụ thể: Tăng thu nhập hàng tháng của cá nhân, hộ gia đình: Nhiều người trước đây không có việc làm, không có thu nhập, hiện nay, thu nhập trung bình của những người được vay vốn là từ 2 - 5 triệu đồng/tháng. Từ năm 2021 trở đi, thông qua đánh giá kết quả đạt được của chủ trương trên, Chính phủ sẽ xem xét quyết định việc mở rộng, áp dụng trên phạm vi cả nước. Vì thế, để chương trình tiếp tục phát huy hiệu quả, rất cần sự quan tâm, truyền thông mạnh hơn nữa của các cấp chính quyền, cộng đồng và gia đình. Đồng thời, tuyên truyền để người sau cai nghiện dần dần xoá bỏ mặc cảm, tiếp cận vay vốn để vươn lên ổn định cuộc sống.
 
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 02/2020/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg ngày 26/4/2014 về tín dụng đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ quyết định tiếp tục thí điểm chương trình tín dụng đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương theo Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg tại 15 tỉnh, thành phố đến hết 31/12/2020.
 
Cụ thể, theo Quyết định 02/2020/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg ngày 26/4/2014 về tín dụng đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương vừa được Chính phủ ban hành, các đối tượng vay vốn gồm: Cá nhân vay vốn sẽ được vay mức tối đa 20 triệu đồng; đối với hộ gia đình, mức vay tối đa là 30 triệu đồng.
 
Người vay có thể vay nhiều lần nhưng tổng dư nợ không vượt quá mức dư nợ cho vay tối đa theo quy định này. Nguồn vốn cho vay do ngân sách Nhà nước cấp 50% trên tổng số kế hoạch nguồn vốn hàng năm, Ngân hàng Chính sách xã hội huy động 50% còn lại, ngân sách Nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý theo quy định. 
.

TUỆ TRANG

.