Hút thuốc lá đã trở thành thói quen xấu của nhiều người hiện nay. Người nghiện thuốc lá không chỉ gây hại cho sức khỏe bản thân mà con gián tiếp khiến người xung quanh mắc những căn bệnh chết người do hút thuốc lá thụ động gây ra. Hiểm họa mang tên hút thuốc lá thụ động đang trở thành mối lo không của riêng ai.
Thực tiễn cho thấy, thời gian qua, hút thuốc lá đã trở thành thói quen của nhiều người, nhất là nam giới. Họ thường hút thuốc trong nhà, nơi sinh hoạt cộng đồng như: bệnh viện, nhà xe, bến tàu…
Đại học Y tế công cộng tuyên truyền xây dựng tổ ấm không khói thuốc. |
Mặc cho nhiều địa điểm công cộng đã có biển “cấm hút thuốc lá”, nhiều dân nghiền thuốc lá vẫn nhả làn khói trắng. Và tất nhiên, người xung quanh buộc phải hít thứ khói độc hại đó. Một điều đáng lo ngại hơn khi người hút thuốc lá thụ động có số đông là phụ nữ và trẻ em.
Theo đánh giá của Bộ Y tế, hút thuốc thụ động đặc biệt nguy hiểm hơn đối với trẻ nhỏ, bởi phổi của trẻ chưa phát triển hoàn thiện và nhạy cảm hơn với các chất kích thích cũng như chất độc có trong thuốc.
Ghi nhận tại nhiều khu dân cư, gia đình, không khó để bắt gặp hình ảnh, các ông bố thản nhiên nhả khói thuốc trong phòng khách, phòng ăn, nơi có trẻ nhỏ vui chơi. Nhiều người khi được hỏi: “Không sợ khói thuốc làm ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân và con em mình sao?”, đã trả lời rất thiếu trách nhiệm rằng: “Từ trước đến nay vẫn hút có thấy sao đâu, trẻ nhà mình vẫn chơi đùa đấy thôi (!)”.
Lối suy nghĩ trên thật đáng lên án, lẽ vì theo các nghiên cứu cho thấy, trẻ có bố mẹ hút thuốc sẽ bị giảm các chức năng của phổi và dễ gặp các vấn đề sức khỏe. Trẻ em hút thuốc thụ động sẽ rất dễ mắc các chứng bệnh về đường hô hấp, hen, viêm tai giữa, thậm chí là đột tử ở trẻ sơ sinh. Nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng đến chức năng của phổi.
Theo lý giải của cơ quan y tế, hội chứng trẻ chết đột tử cũng được biết như cái chết khi đang ngủ, được định nghĩa như cái chết bất ngờ của trẻ nhỏ mà không có bằng chứng về bệnh tật nào khác có thể gây tử vong khi khám nghiệm tử thi. Tỷ lệ đột tử ở trẻ em bị phơi nhiễm với khói thuốc lá trong quá trình bào thai hoặc trong giai đoạn sơ sinh cao hơn trẻ em khác từ 1,4 cho đến 8,5 lần.
Bên cạnh đó, trẻ sơ sinh có mẹ tiếp xúc thụ động với khói thuốc khi sinh ra có cân nặng trung bình thấp hơn trẻ khác khoảng 200 gam. Cùng với đó, viêm đường hô hấp cấp tính là bệnh cấp tính phổ biến nhất trong thời kỳ thơ ấu.
Khói thuốc thụ động thấm vào đường dẫn khí và phế nang của phổi có thể gây bệnh hô hấp cấp tính và làm bệnh này nặng hơn do làm tăng phù nề và viêm của phổi. Nhìn chung, các nguy cơ làm bệnh hô hấp cấp tính trầm trọng thêm cao hơn ở trẻ có bố, mẹ hoặc cả hai hút thuốc hoặc có một người trong gia đình hút thuốc. Nguy cơ mắc các bệnh hô hấp cấp tính cũng tăng lên cùng với sự tiếp xúc với khói thuốc thụ động.
Mẹ hút thuốc lá trong quá trình mang thai được chứng minh là có ảnh hưởng đến chức năng phổi của trẻ. Kết quả tổng hợp nghiên cứu cho thấy, trẻ hút thuốc lá thụ động bị giảm 4,8% tỷ suất thở ra giữa kỳ và 4,3% tỷ suất thở ra cuối kỳ.
Mặt khác, hút thuốc lá thụ động còn làm tăng 30% trường hợp hen ở trẻ nhỏ; nó cũng làm tăng tỷ lệ mắc các triệu chứng như: ho, khò khè, có đờm, thở nông ở trẻ độ tuổi đến trường lên khoảng 30%.
.