Thứ Ba, 23/07/2019, 08:23 [GMT+7]

Ngày về đẫm nước mắt của người phụ nữ sau gần 24 năm bị bán sang Trung Quốc

(Congannghean.vn)-Đằng đẵng gần 24 năm ở xứ người là những tháng ngày tủi nhục ê chề khi chị Lan bị bán cho người đàn ông này đến người đàn ông khác. Chừng ấy năm chưa bao giờ chị ngừng hy vọng được trở về quê hương, để rồi ngày hôm nay về trong vòng tay của gia đình, người thân, chị Lan vẫn chưa dám tin đó là sự thật. 
 
Tủi nhục nơi xứ người
 
Đã mấy ngày qua, kể từ khi chị Lê Thị Lan (SN 1976), quê xã Nghi Thịnh, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An được Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh giải cứu về nước, căn nhà nhỏ lúc nào cũng chật kín người đến thăm hỏi. Với bà con lối xóm, tất cả người thân trong gia đình và chính bản thân chị Lan, sự trở về của chị sau gần 24 năm lưu lạc xứ người như là một phép màu. Ngày bị lừa bán, chị mới vừa tròn 19 tuổi, lứa tuổi đẹp nhất của người con gái. Nay trở về chị đã làm mẹ của 5 người con. Cuộc sống cơ cực, ê chề, đầy nước mắt ở bên kia biên giới hiện rõ trên gương mặt khắc khổ của người phụ nữ ấy. 
Thiếu tá Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự cùng đồng đội trao quà hỗ trợ cho chị Lan
Thiếu tá Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự cùng đồng đội trao quà hỗ trợ cho chị Lan
Chị Lan sinh ra trong một gia đình có 6 người con. Nhà đông con, cuộc sống nghèo khó nên việc học hành của chị cũng lỡ dở. Năm 19 tuổi, chị tạm biệt gia đình lên Nghĩa Đàn làm thuê cho nhà chị họ tên N. ở Tây Hiếu (Nghĩa Đàn). Được một thời gian, khoảng tháng 3/1996, chị Lan được chị N. cho về thăm nhà. Khi đó chị N. cho chị Lan một ít hoa quả và một số tiền đi đường. Trên đường ra bắt xe về nhà, chị Lan được một chị tên Thủy (là hàng xóm của chị N.) rủ ra Thanh Hóa chơi và chị Lan đồng ý. Sau khi ra Thanh Hóa chơi được vài ngày thì người này chạy xe máy đưa chị đi Móng Cái (Quảng Ninh). “Đến khu vực biên giới Việt - Trung, có một người đàn ông người Trung Quốc sang đón và đưa tôi sang bên kia biên giới. Tại đây, tôi được bán cho một người đàn ông khoảng 40 tuổi làm vợ. Trong quá trình đi, họ cho tôi uống một loại thuốc giống như thuốc mê nên trí nhớ đã không còn như trước”, chị Lan nhớ lại. 
 
Sau khi biết mình bị bán làm vợ cho một người đàn ông Trung Quốc, chị Lan đau khổ, tuyệt vọng. Không thể làm gì, chị chỉ biết khóc, van xin nhà chồng cho về Việt Nam. Nhưng phần vì bất đồng ngôn ngữ, phần vì bị nhà chồng ngược đãi nên chị chỉ nuốt nước mắt, cắm mặt vào làm lụng, phục vụ nhà chồng. Chị chung sống với người chồng này được 13 năm, có 5 mặt con, đứa con gái lớn đã 22 tuổi. Năm 2008, chị xin chồng trở về Việt Nam thăm gia đình, được chồng đồng ý và cho 5.000 nhân dân tệ. Thế nhưng cuộc đời thật trớ trêu, chị chẳng thể ngờ, lại một lần nữa bị bán qua tay cho một người đàn ông khác. Chị Lan kể lại: Ra đến cửa khẩu thì gặp một người phụ nữ giới thiệu quê ở Thanh Hóa, họ hỏi tôi có muốn về Việt Nam không? Tôi nói “có” rồi họ hứa sẽ đưa tôi về đến nhà an toàn.
 
Thế nhưng, người phụ nữ này lại đưa tôi đi bán cho một người chồng 43 tuổi hiện tại. Lúc đó họ lục túi tôi lấy hết tiền và chỉ để lại cho tôi 500 nhân dân tệ. Suốt 11 năm chung sống với người chồng thứ 2 nhưng không sinh được đứa con nào. Cũng may mắn, người chồng thứ 2 thương yêu và đối xử tốt với chị nên chị được an ủi phần nào. Thỉnh thoảng, chị Lan vẫn liên hệ với con cái và người chồng trước. Vì không sinh được con nên khi chị Lan ngỏ ý xin về Việt Nam, người chồng này đồng ý. Ngặt một nỗi chị không còn nhớ nhà mình ở đâu. Sau này, với sự giúp đỡ của chồng, chị dần dần lấy lại được trí nhớ, nhớ ra bố, mẹ và người thân nhưng chị vẫn không có cách để liên lạc về cho gia đình. 
 
Quê nhà mòn mỏi ngóng tin con
 
Về phía gia đình chị Lan, năm 2003, sau khi liên lạc với chị N., hỏi thăm tin tức con gái, được biết con gái đã về nhà trước đó mấy ngày, gia đình chị vô cùng hoảng loạn, tổ chức đi tìm kiếm khắp nơi nhưng không có tin tức. Chừng ấy năm, cha mẹ già nơi quê nhà cũng héo hon, cạn khô nước mắt vì nhớ thương con. Phần vì nhớ con, phần vì bệnh hiểm nghèo nên bố của chị Lan đã qua đời sau đó 3 năm. Bà Nguyễn Thị Liên kể: Mới đây tôi nghe mấy đứa trong nhà bảo trên mạng xã hội có hình ảnh người phụ nữ giống chị Lan, tôi lại càng nuôi hy vọng sẽ tìm được con gái nên đã báo với Phòng Cảnh sát Hình sự để trợ giúp. 
 
Chẳng là trong một lần đi cưới, chị Lan tình cờ gặp được một người phụ nữ Việt Nam sống ở gần khu vực này. “Chị này biết tôi là người Việt Nam nên đã chủ động bắt chuyện. Sau khi biết tôi bị lừa bán sang Trung Quốc hơn 20 năm rồi mà chưa được về thăm nhà, người phụ nữ này đã quay clip của tôi đưa lên mạng. Nhờ sự chia sẻ của cộng đồng mạng nên phía cơ quan chức năng Việt Nam đã tiến hành tìm kiếm, đưa tôi trở về đoàn tụ gia đình”,chị Lê Thị Lan cho biết.
Chị Lan trở về trong vòng tay gia đình
Chị Lan trở về trong vòng tay gia đình
Nước mắt ngày trở về
 
Sau khi tiếp nhận thông tin về chị Lan, Phòng Cảnh sát Hình sự đã khẩn trương vào cuộc xác minh, sử dụng đồng loạt các biện pháp nghiệp vụ để nhanh chóng tìm ra nơi ở của chị Lan. Thiếu tá Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự cho biết: Chị Lan đã trải qua nhiều lần bị bán nên việc tiếp xúc và kết nối với chị Lan là một vấn đề rất khó khăn. Chị khá dè chừng, không tin tưởng những người tiếp cận mình. Thông qua mạng xã hội, chúng tôi đã thành lập nhóm giữa Công an, gia đình và chị Lan, để tạo niềm tin cho chị. Sau đó trấn an tâm lý, động viên nạn nhân yên tâm tin tưởng vào chính quyền, lực lượng Công an để đưa chị về với gia đình sớm nhất. 
 
Với sự vào cuộc khẩn trương của các điều tra viên Đội 6, Phòng Cảnh sát Hình sự, phối hợp với Tổ chức Rồng xanh tiến hành giải cứu và đưa chị Lan trở về Việt Nam. Chiều 18/7, chị Lan trở về trong vòng tay của mẹ già và người thân. Chị vỡ òa trong niềm hạnh phúc, xúc động. Giây phút trùng phùng sau gần 25 năm xa cách của 2 mẹ con khiến mọi người không cầm nổi nước mắt. Sau khi bàn giao chị Lan cho gia đình, Phòng Cảnh sát Hình sự cũng đã trao một phần quà nhỏ, hỗ trợ chị Lan ổn định cuộc sống. Chị Lan xúc động cho biết: “Tôi vô cùng biết ơn lực lượng Công an, nếu không có các anh giải cứu kịp thời, không biết tôi có thể trở về đoàn tụ với gia đình như ngày hôm nay không nữa”. Chia sẻ về những dự định trong tương lai, chị Lan cho biết: “Sau khi thu xếp cuộc sống ở quê nhà, tôi sẽ sang Trung Quốc để nói chuyện với gia đình nhà chồng. Cũng may mắn tôi được chồng quan tâm. Biết tôi về Việt Nam, anh ấy cho tôi 6.000 nhân dân tệ để về và dặn tôi cố gắng làm thủ tục giấy tờ, xác nhận ở địa phương và làm hộ chiếu. Sau này sang Trung Quốc cũng dễ dàng và anh cũng sẽ về Việt Nam ra mắt gia đình ngoại. Tôi dự định ở nhà một thời gian, hoàn tất các thủ tục, giấy tờ hợp pháp rồi cũng sang Trung Quốc”.
 
Câu chuyện của chị Lan chắc chắn sẽ là một bài học cho những ai vẫn đang nuôi mộng tưởng lấy chồng Trung Quốc. Những năm qua, tội phạm mua bán người ở Nghệ An vẫn diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, cá biệt là tình trạng mua bán bào thai tại các huyện miền núi. Sự nhẹ dạ, cả tin của các cô gái trẻ đã tạo sơ hở cho những kẻ mua bán người nhưng cũng không ít trường hợp chấp nhận bán mình, vì tiền mà bán người thân trong gia đình. Điều này đã đẩy nhiều cô gái vào cuộc sống tủi nhục, bị hành hạ nơi xứ người, để lại những nỗi đau dai dẳng cho cả nạn nhân và gia đình. Cùng với sự vào cuộc của lực lượng Công an, phía chính quyền địa phương và hơn hết là những cô gái trẻ cần phải cảnh giác trước những thủ đoạn, cái bẫy mà bọn buôn người đặt ra, đừng vì mong muốn đổi đời mà đánh đổi tương lai.
.

Huyền Thương

.