Thứ Tư, 31/07/2019, 08:41 [GMT+7]

Ngăn chặn di cư tự do và kết hôn không giá thú vùng biên giới

(Congannghean.vn)-Sau nhiều nỗ lực giữa chính quyền các tỉnh có chung đường biên giới giữa hai nước Việt Nam và Lào, đến nay tình trạng di cư tự do và kết hôn không giá thú vùng biên giới đã được ngăn chặn, tăng cường mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết, đồng thời góp phần đảm bảo an ninh biên giới quốc gia giữa 2 nước.

Phối hợp làm thủ tục nhập tịch cho những người di cư tự do
Phối hợp làm thủ tục nhập tịch cho những người di cư tự do

Thực hiện chủ trương tại Hội nghị thống nhất danh sách người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới do UBND tỉnh Nghệ An và Ủy ban chính quyền 2 tỉnh Hủa Phăn, Xiêng Khoảng nước CHDCND Lào được tổ chức vào tháng 12/2018, đến nay, Cục Hộ tịch, quốc tịch và chứng thực (Bộ Tư pháp) phối hợp với Sở Tư pháp, BĐBP Nghệ An, Công an tỉnh Nghệ An, chính quyền huyện Kỳ Sơn và các xã vùng biên, đã hướng dẫn làm thủ tục cho hàng trăm người Lào kết hôn không giá thú nhập quốc tịch và đăng ký kết hôn cho nhiều cặp vợ chồng mang hai dòng máu Việt - Lào về sống chung dưới một mái nhà.

Theo thống kê, Việt Nam có 10 tỉnh có chung đường biên giới với Lào, trong đó tỉnh Nghệ An có chung đường biên giới tiếp giáp với 3 tỉnh nước bạn Lào gồm: Hủa Phăn, Bô Ly Khăm Xay, Xiêng Khoảng. Theo thông báo tại Công văn số 1178/BNG-UBBG ngày 4/4/2019 của Bộ Ngoại giao Việt Nam, có 202 người Lào kết hôn không giá thú trong vùng biên giới tỉnh Nghệ An giáp với các tỉnh Hủa Phăn, Bô Ly Khăm Xay, Xiêng Khoảng của Lào được phép ở lại nơi cư trú. Trong đó, huyện Kỳ Sơn có 107 trường hợp, còn lại hiện đang sinh sống tại các huyện Quế Phong, Tương Dương và Con Cuông. Trong số này, có 83 trường hợp thuộc diện được đơn giản hóa thủ tục nhập quốc tịch, còn 24 trường hợp (kết hôn sau ngày ký thỏa thuận giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHDCND Lào về việc giải quyết vấn đề di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới 2 nước vào tháng 7/2013). Các trường hợp này nếu có nguyện vọng vẫn được nhập quốc tịch, nhưng phải thực hiện các thủ tục theo quy định của Luật Quốc tịch thông thường.

Để chấn chỉnh tình trạng  người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới, Chính phủ hai nước đã có những thỏa thuận, cùng với đó chính quyền của hai nước cũng đã có rất nhiều nỗ lực để thu thập tài liệu, điều tra thông tin các cá nhân người Việt Nam và Lào sinh sống trên địa bàn hai nước để có được con số cụ thể và chính xác nhất.

Sau khi có số liệu thống kê chính xác, trung tuần tháng 6/2019 vừa qua, Đoàn công tác của Bộ Tư pháp phối hợp với các cấp chính quyền của tỉnh Nghệ An, đã trực tiếp vào tận các cụm xã, làm thủ tục nhập quốc tịch, đăng ký kết hôn cho người Lào đang cư trú tại 10 xã, thị trấn thuộc huyện Kỳ Sơn. Sau hai ngày làm việc đầu tiên, Đoàn đã hoàn tất hồ sơ nhập quốc tịch cho 70/83 trường hợp, 6 trường hợp đăng ký kết hôn, số ít còn lại do đi làm ăn xa không về kịp, một số đã trở về nước cũ (Lào) không có nguyện vọng nhập quốc tịch Việt Nam nên vắng mặt.

Phối hợp làm thủ tục đăng ký kết hôn cho những người kết hôn không giá thú
Phối hợp làm thủ tục đăng ký kết hôn cho những người kết hôn không giá thú

Ông Nguyễn Công Hoan, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Nghệ An cho biết, sau khi hoàn tất thực hiện thủ tục nhập quốc tịch cho người Lào được phép ở lại cư trú trên địa bàn huyện Kỳ Sơn, Sở sẽ gửi ra Bộ để Bộ trình Chủ tịch nước xem xét ký quyết định nhập quốc tịch cho công dân. Tới đây, Sở Tư pháp Nghệ An sẽ tiếp tục triển khai hướng dẫn thực hiện thủ tục nhập quốc tịch cho các đối tượng trong danh sách được phê duyệt tại các huyện còn lại, gồm Quế Phong, Tương Dương, Con Cuông, hoàn thành trong tháng 7 này.

Trước đó, thực hiện thỏa thuận giữa Chính phủ hai nước về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước, UBND tỉnh Nghệ An và UBND 2 tỉnh Hủa Phăn, Xiêng Khoảng  đã chỉ đạo các tổ chuyên viên liên hợp của các bên phối hợp chặt chẽ với nhau để tiến hành các đợt song phương điều tra, phân loại và lập danh sách người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới giữa các tỉnh.

Kết quả, hai tổ chuyên viên liên hợp của tỉnh Nghệ An và Hủa Phăn đã thực hiện được 2 đợt điều tra song phương; phân loại, lập danh sách gồm 5 hộ/23 khẩu người Việt Nam di cư tự do và 187 người kết hôn không giá thú trên địa bàn 2 huyện Sầm Tớ và Mường Quắn, tỉnh Hủa Phăn. Tất cả đều đủ điều kiện ở lại sinh sống tại nước sở tại theo quy định thỏa thuận. Về phía tỉnh Hủa Phăn, có 137 người đang cư trú, sinh sống trong vùng biên giới thuộc các huyện Quế Phong, Tương Dương, Kỳ Sơn.

Ngoài ra, hai tổ chuyên viên liên hợp khác của tỉnh Nghệ An và tỉnh Xiêng Khoảng cũng đã thực hiện được 3 đợt song phương điều tra, phân loại và lập danh sách 46 hộ/253 khẩu người Việt Nam di cư tự do và 55 người kết hôn không giá thú trong vùng biên giới thuộc các huyện Mường Mộc, Noọng Hét, tỉnh Xiêng Khoảng. Trong đó chỉ có 1 khẩu không đủ điều kiện ở lại nước sở tại vì không chấp hành nghiêm pháp luật của nước bạn Lào.

Theo đánh giá, việc giải quyết vấn đề di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới Việt Nam - Lào không chỉ bảo đảm tăng cường mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai quốc gia mà còn góp phần đảm bảo an ninh biên giới quốc gia giữa 2 nước.

Ngoài ra, để ngăn chặn tình trạng này, giữa 10 tỉnh của Việt Nam có chung đường biên giới với nước bạn Lào cũng đã ký kết biên bản thỏa thuận thống nhất tăng cường các biện pháp quản lý, kiểm soát chặt chẽ người dân trong khu vực biên giới; đẩy mạnh công tác tuyên truyền hiệp định về quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới đất liền; nghị định thư về đường biên, mốc quốc giới giữa Chính phủ hai nước nhằm chấm dứt tình trạng di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới. Các bên cũng cam kết sẽ tích cực phối hợp với các bộ, ngành chức năng sớm hoàn thành công tác trao trả, tiếp nhận người di cư tự do thuộc diện phải trả về nước gốc; thực hiện tốt việc bố trí định canh, định cư, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho người trở về tái hòa nhập cộng đồng.

.

Thiện Thành

.