Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201901/tiep-suc-cho-phu-nu-kho-khan-lan-toa-nhieu-hoat-dong-thiet-thuc-832177/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201901/tiep-suc-cho-phu-nu-kho-khan-lan-toa-nhieu-hoat-dong-thiet-thuc-832177/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Lan tỏa nhiều hoạt động thiết thực - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 02/01/2019, 10:26 [GMT+7]
Tiếp sức cho phụ nữ khó khăn

Lan tỏa nhiều hoạt động thiết thực

(Congannghean.vn)-Là nhóm đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương, thời gian qua, những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn đã nhận được sự quan tâm, sẻ chia, giúp đỡ của cả cộng đồng. Điều đặc biệt và đáng ngợi ca hơn cả đó là những hành động tưởng chừng giản đơn, nhỏ nhặt như nhiều gia đình ít khó khăn hơn nhận giúp đỡ 1 hoàn cảnh đáng thương hơn, hay “ý tưởng” góp nhặt ve chai để lấy tiền mua bò giống, thẻ bảo hiểm y tế… lại có thể làm nên những niềm vui lớn lao mà bình dị.

Những ngôi nhà “Mái ấm tình thương” được xây dựng góp phần giúp các chị em phụ nữ làm trọn thiên chức “giữ lửa” trong gia đình
Những ngôi nhà “Mái ấm tình thương” được xây dựng góp phần giúp các chị em phụ nữ làm trọn thiên chức “giữ lửa” trong gia đình

Hành động nhỏ làm nên niềm vui lớn

Những năm gần đây, vùng biên giới Cao Vều, xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn thực sự đổi thay, khởi sắc từng ngày mà theo người dân nơi đây ví von là đã “không còn xa ngái” về mọi mặt. Không còn xa ngái từ đời sống kinh tế cũng như văn hóa, thông tin. Nhờ vậy, miền sơn cước này đã và đang thực sự tiến kịp vùng xuôi.

Với số đông người dân là đồng bào dân tộc Thái, trong đó có rất nhiều chị em phụ nữ còn bộn bề khó khăn, sự giúp đỡ có lẽ sẽ không biết bao nhiêu là đủ nếu không có những “ý tưởng” mang đậm tính cộng đồng và thiết thực như việc thu gom vỏ lon bia và các loại phế liệu mà chị em phụ nữ huyện Anh Sơn khởi xướng. Nhờ sự “năng nhặt chặt bị”, chị em đã “tích tiểu thành đại”, biến những vật dụng tưởng như vô ích thành hiện vật có giá trị lớn lao là những con bò giống để trao tặng hội viên nghèo ở vùng biên giới Cao Vều.

Vào dịp kỷ niệm Ngày phụ nữ Việt Nam 20/10 vừa qua, chị Lô Thị Hằng (SN 1992) ở bản Vều 3 (bản nhỏ thuộc bản Cao Vều, xã Phúc Sơn) vô cùng vui sướng và xúc động khi đón nhận niềm vui bất ngờ là được tặng con bò giống trị giá 8 triệu đồng. Trước đây, do không có tài sản lớn để thế chấp vay ngân hàng nên mơ ước có con bò giống để từ đó từng bước gây dựng thành đàn làm vốn vẫn luôn lỡ dở thì nay đã thành hiện thực với chị Hằng. Được biết, chị Hằng chỉ là 1 trong nhiều chị em có hoàn cảnh khó khăn tại bản vùng biên Cao Vều được trao tặng “cần câu” để từng bước gây dựng cuộc sống mới khởi sắc hơn.

Đi đầu trong hoạt động “biến phế liệu thành bò giống” cho chị em phụ nữ vùng biên khó khăn của huyện Anh Sơn phải kể đến Hội Phụ nữ bản Bộng, xã Thành Sơn. Đến nay, số lượng lon bia, nước ngọt lên tới hàng nghìn lon cùng một lượng lớn giấy loại đã được chị em trong bản tích cực thu gom, nộp lên Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã để gây quỹ ủng hộ chị em nghèo vùng biên. Được biết, phong trào thu gom lon bia và phế liệu diễn ra khắp các bản làng của huyện miền núi Anh Sơn, nhằm thiết thực hưởng ứng chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” do Hội LHPN Việt Nam và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phối hợp phát động.

Cũng trên địa bàn huyện Anh Sơn, thay vì trao tặng “cần câu” là bò giống như Hội Phụ nữ xã Thành Sơn, từ số tiền bán phế liệu, các tổ thu gom phế liệu của Hội Phụ nữ xã Vĩnh Sơn đã thực hiện ý tưởng mua thẻ bảo hiểm y tế tặng cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ vượt qua bệnh tật để tiếp tục sống tốt hơn.

Tự nguyện xin thoát nghèo nhờ mô hình “lạ”

Thời gian qua, việc hội viên phụ nữ tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn đã không còn quá lạ lẫm. Đây cũng là tín hiệu đáng mừng về ý thức vượt khó của chị em, song, sâu xa hơn cả là xuất phát từ tinh thần "lá rách ít đùm lá rách nhiều" mà Mô hình 15+1 do Hội LHPN huyện Nghĩa Đàn triển khai thực hiện đã mang lại.

Theo đó, Hội đã vận động 15 gia đình có kinh tế khá hơn cùng đóng góp để hỗ trợ, giúp đỡ 1 gia đình nghèo vươn lên. Đơn cử như với Chi hội Phụ nữ xóm 5A, xã Nghĩa Mai, toàn bộ 59 hội viên đã đóng góp 500.000 đồng/hội viên để mua cây, con giống cùng hướng dẫn kỹ thuật, giúp đỡ 5 hội viên nghèo trong xóm. Nhờ vậy, các hội viên nghèo có thêm việc làm, cải thiện cuộc sống, cùng nhau vươn lên thoát nghèo. Mặc dù là địa phương có tỉ lệ hộ nghèo cao, nhưng nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, sau 2 năm phát động, tại 23/23 chi hội trên địa bàn xã Nghĩa Mai đều xây dựng được mô hình. Còn trên toàn huyện Nghĩa Đàn, sau 2 năm phát động, tính đến cuối tháng 9/2018, Mô hình 15+1 đã giúp đỡ 365 gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo.

Bên cạnh những hoạt động mang tính “đặc sắc” nói trên, thời gian qua, việc hỗ trợ xây dựng nhà mái ấm tình thương, nhà tình nghĩa cho phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn cũng được triển khai rộng khắp và tạo được sự lan tỏa rộng rãi. Những căn nhà nhỏ ấm áp nghĩa tình được dựng xây từ sự đóng góp vật chất của nhiều tổ chức, cá nhân và các nguồn xã hội hóa cùng sự hỗ trợ về ngày công, vật liệu xây dựng của chính quyền, các đoàn thể và bà con nhân dân…

Có thể nói, chung tay hỗ trợ những phụ nữ yếu thế giờ đây không chỉ dừng lại ở việc “người giàu giúp đỡ người nghèo” mà đã mang tính cộng đồng, tạo được sức lan tỏa sâu rộng như Mô hình 15+1 hay biến rác thải thành bò giống, thẻ bảo hiểm y tế… Hy vọng rằng, những món quà là thành quả của sự sẻ chia sẽ góp thêm niềm vui, nhân lên động lực để chị em nỗ lực vượt khó, từng bước tạo dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.

.

Thùy Dương

.