(Congannghean.vn)-Nhiều năm qua, các hộ dân ở xóm 9 sinh sống gần bãi rác tập trung xã Hồng Sơn, huyện Đô Lương phải chịu cảnh không khí và nguồn nước bị ô nhiễm trầm trọng. Hiện, họ đang sốt ruột chờ đợi chính quyền di dời đến nơi ở mới.
Bãi rác thải tập trung chỉ cách nhà dân khoảng hơn 50 m |
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, bãi rác tập trung huyện Đô Lương được phê duyệt xây dựng từ năm 2009, với tổng mức đầu tư gần 17 tỉ đồng. Bãi rác có diện tích 4,2 ha, hệ thống xử lý gồm 4 ô chôn lấp rác với diện tích 22.652 m2, khối tích chôn lấp theo thiết kế là 142.713 m3. Để xử lý lượng rác thải của 33 xã, thị trấn là quá tải nên hiện nay chỉ tập kết, xử lý cho 14 xã, thị trấn và rác thải sinh hoạt của Bệnh viện Đa khoa huyện Đô Lương.
Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến nhà ông Phan Sỹ Sơn ở xóm 9, xã Hồng Sơn - 1 trong những hộ dân phải chịu cảnh cuộc sống bị đảo lộn do môi trường ô nhiễm từ nhiều năm nay. Ông Sơn bức xúc: “Nhà tôi chỉ cách bãi rác tập trung của huyện hơn 50 m, hằng ngày phải sống trong cảnh hôi thối, ruồi muỗi, nguồn nước bẩn. Gia đình tôi đã định cư ở đây từ lâu, bên kia sườn đồi hình thành 1 bãi rác tạm của người dân xã Hồng Sơn. Đến năm 2014, UBND huyện Đô Lương đã tiến hành xây dựng thành bãi rác tập trung của huyện”.
Nhà anh Bùi Văn Hà chỉ cách bãi rác 70 m, vì môi trường sống bị ô nhiễm nghiêm trọng nên nhiều hôm gia đình anh phải “sơ tán” sang nhà người thân ở vì không chịu nổi mùi hôi thối bốc lên từ những đống rác nằm bên kia sườn đồi. Anh Hà cho biết: “Suốt nhiều năm trời bức xúc, tôi đi khắp nơi gửi đơn cầu cứu các cơ quan chức năng. Nơi đây ô nhiễm trầm trọng, nhất là mỗi khi trời mưa giông, ban đêm nếu trời dày sương thì mùi hôi thối bao trùm cả khu vực, ruồi muỗi đậu đen cả nhà. Nhà tôi ở gần suối ngầm chảy xuyên qua chân đồi nên mỗi lần mưa to, nước rác chảy tràn vườn. Được biết, sẽ có 4 gia đình được di dời trong năm 2018, số còn lại thì không biết đến khi nào”.
Men theo sườn dốc, chúng tôi tìm đến bãi rác xã Hồng Sơn. Mùi hôi thối bốc lên từ bãi rác tập trung của huyện Đô Lương chỉ cách nhà dân mấy chục bước chân, không khí ngột ngạt, đầy ruồi muỗi. Cũng theo các hộ dân nơi đây, việc phải sống chung với ô nhiễm bấy lâu nay khiến nguy cơ bệnh tật bùng phát trong khu vực ngày càng cao, nhất là vào mùa hè. Hơn nữa, họ cũng lo ngại nguồn nước ngầm bị ô nhiễm. Để giảm bớt nỗi lo, người dân phải đóng góp tiền đào những mương nhỏ để “nắn dòng” nước đen không cho chảy vào vườn nhà. Họ phải tích trữ nước mưa sử dụng, tuy nhiên đến mùa khô lại gặp khó khăn bởi thiếu nước sạch sinh hoạt.
Được biết, thời gian qua, huyện Đô Lương đã tìm các giải pháp để giải quyết những tồn tại phát sinh từ bãi rác này. Đầu năm 2018, UBND huyện đã kiểm tra việc thu gom, vận chuyển và chôn lấp rác thải của Công ty CP Hợp tác Đầu tư và Phát triển Môi trường huyện Đô Lương. Qua đó, yêu cầu Công ty này thực hiện đầy đủ quan trắc định kỳ theo quy trình vận hành bãi xử lý rác thải được phê duyệt. Đồng thời, phải lập lịch trình vận hành, phun thuốc diệt ruồi, các hóa chất liên quan đầy đủ.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Trọng Tuấn, Chủ tịch UBND xã Hồng Sơn cho biết: “Người dân sống gần bãi rác thải trập trung huyện Đô Lương phản ánh tình trạng ô nhiễm trong nhiều năm nay. Chính quyền địa phương cũng đang chờ nguồn kinh phí để di dời, tái định cư cho những hộ dân sống cạnh bãi rác, tránh tình trạng bức xúc kéo dài. Mới đây, đã tiến hành khảo sát, thống kê các hộ dân bị ảnh hưởng, đo đạc vùng đất tái định cư cho người dân. Hiện tại, địa phương đang đợi nguồn vốn từ huyện để thực hiện các phương án tiếp theo”.
Tình trạng ô nhiễm trầm trọng tại bãi rác thải xã Hồng Sơn là điều hiện hữu. Hằng ngày, người dân nơi đây đang khẩn thiết yêu cầu các cơ quan chức năng cần sớm triển khai phương án di dời, tái định cư để họ sớm thoát khỏi cảnh sống chung với ô nhiễm đã phải chịu đựng bấy lâu nay.