Có rất nhiều phương án trả lời câu hỏi này, nhưng tựu trung lại vẫn cho thấy trách nhiệm của sự giáo dục trong gia đình. Bởi “nhân chi sơ tính bản thiện”, một đứa trẻ sống trong sự đùm bọc sẽ biết quan tâm đến mọi người. Một đứa trẻ sống bằng lẽ phải sẽ biết được lẽ công bằng. Những điều đó ai sẽ mang lại cho đứa trẻ nếu không phải là gia đình.
Trẻ chơi game nhiều hơn, tìm thú vui trên mạng Internet sống ích kỷ hơn trong một bối cảnh gia đình không thật sự hòa thuận |
Thống kê của ngành Tòa án cho thấy 3/4 vụ án thiếu niên phạm tội thì các em xuất phát từ gia đình không yên ấm, cha mẹ bạo lực gia đình, ly hôn. Cha mẹ thay vì dạy bảo con điều hay, lẽ phải, lại thi nhau nói xấu, mạt sát nhau trước mặt con cái khiến đứa trẻ ở giữa không nhận thức được cái tốt, cái xấu; cha mẹ thiếu sự quan tâm chăm sóc giáo dục con cái khiến đứa trẻ lớn lên rất dễ có hành vi vi phạm pháp luật”.
Độ tuổi phạm tội có xu hướng trẻ hóa
Chỉ cần soi chiếu vào các vụ án xảy ra gần đây có thể thấy lời nhận xét của bà Lương Ngọc Trâm là vô cùng chính xác. Ngày 9/7/2018, TAND TPHCM đã tuyên mức án tử hình đối với bị cáo Nguyễn Hữu Tình là người đã gây ra vụ thảm sát giết chết cả 5 người trong một gia đình ở Bình Tân dịp Tết Mậu Tuất. Tại phiên tòa xử Tình, không có bóng dáng của người thân nào trong gia đình. Đại diện gia đình bị hại cho biết, kể từ khi xảy ra vụ án mạng, cha mẹ bị cáo chưa một lần tìm đến nhà thăm hỏi.
Ngay tại phiên tòa, khi bào chữa chỉ định cho bị cáo, Luật sư Phạm Trần Huy – Đoàn Luật sư TPHCM đã đưa ra câu hỏi nhức nhối: “Tại sao một người trẻ vừa bước qua tuổi 18, chưa có tiền án, tiền sự lại có hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng đến thế?”. Theo Luật sư Huy, ở cơ quan điều tra, Tình khai do gia đình khó khăn nên bị cáo bỏ học sớm để kiếm sống.
Trong độ tuổi trưởng thành và trước đó, bị cáo ít nói chuyện với cha mẹ, thiếu sự quan tâm giáo dục của gia đình. Cũng không có cơ hội tiếp cận và trang bị cho mình những kiến thức xã hội nói chung và các kỹ năng sống nói riêng. Chính vì vậy, khi có mâu thuẫn nhỏ nhặt hàng ngày giữa mình và chủ lao động, bị cáo đã ra tay giết người, cướp tài sản thay vì chọn cách giải quyết khác.
Trong vụ án Nguyễn Tấn Tài (tức Tài “mụn”) trộm xe SH, sát hại các “hiệp sĩ” đêm 13/5, gia cảnh của Tài cho thấy cha mẹ Tài ly hôn ngày hai anh em còn nhỏ. Hai đứa trẻ về sống với bà, người bà chỉ biết tần tảo gánh xôi nuôi rồi hai đứa trẻ lớn, chứ không thể dạy dỗ được gì nhiều...
Theo Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an, độ tuổi phạm tội hiện nay có xu hướng trẻ hóa, tội phạm trong độ tuổi chưa thành niên có chiều hướng ngày càng gia tăng. Tình trạng người chưa thành niên gây án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng có xu hướng tăng.
Tình trạng trẻ em và người chưa thành niên tụ tập thành băng nhóm hoạt động manh động, sử dụng vũ khí gây ra các vụ án cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, sử dụng chất kích thích, ma túy tổng hợp… diễn biến phức tạp. 1/3 số lượng tội phạm do người chưa thành niên gây ra trong các vụ phạm tội.
Hàng năm có khoảng 15.000 người chưa thành niên vi phạm pháp luật bị xử lý, 2.000 người bị đưa vào trường giáo dưỡng và khoảng 1.200 người phải chấp hành án hình sự tại các trại giam.
Đừng để trẻ cô đơn trong chính ngôi nhà của mình
Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phòng chống xâm hại trẻ em, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nói về một thực tiễn rất giản dị, sâu sắc về môi trường sống của trẻ mà chúng ta dễ bỏ qua. Đó là, một đứa trẻ sống trong đùm bọc sẽ biết quan tâm đến mọi người. Một đứa trẻ sống bằng lẽ phải sẽ biết được lẽ công bằng.
Một đứa trẻ thường xuyên được ngợi khen sẽ biết trân trọng người khác. Một đứa trẻ thường xuyên được khích lệ sẽ trở nên tự tin. Một đứa trẻ sống trong hạnh phúc sẽ tìm được tình yêu và cái đẹp. Theo Thủ tướng, trong bối cảnh toàn cầu hóa, giá trị truyền thống bị thay đổi, mai một; cha, mẹ, thành viên gia đình chưa dành nhiều thời gian quan tâm chăm sóc, giáo dục, bảo vệ con em mình.
Hình ảnh đoàn tụ trong mỗi bữa cơm gia đình còn ít. Những thông tin thiếu sàng lọc trên mạng internet, mạng xã hội và những điều phức tạp khác tác động rất lớn đến nhân cách, tâm hồn trẻ em.
Không sai khi nói rằng trẻ em hiện nay ngày càng bị cô đơn ngay trong chính ngôi nhà của mình. Trẻ chơi game nhiều hơn, tìm vui trên mạng Internet, sống ích kỷ hơn trong một bối cảnh gia đình không thật sự hòa thuận. Thế nên, có đến 96,7% các em kết bạn với thành phần bất hảo và đa số có biểu hiện hỗn láo với ông bà, cha mẹ và thầy cô, trong số đó hơn 60% có chơi game bạo lực.
Trong số trẻ chưa thành niên phạm tội thì dưới 14 tuổi chiếm 13%, 14-16 tuổi chiếm 34,7%, 16-18 tuổi chiếm 52%. Kết quả nghiên cứu về đặc điểm nhân thân của 2.599 người chưa thành niên vi phạm pháp luật hình sự, có tới 40,7% sống trong những gia đình không hoàn thiện (đa số cha mẹ ly hôn).
Liên quan đến trường hợp của bị cáo Nguyễn Hữu Tình, trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Huỳnh Bảo Khánh, giảng viên ĐH Luật TPHCM, thành viên HĐXX cho biết: “Khi đọc mô tả hành vi phạm tội của bị cáo, chúng tôi thấy phẫn nộ nhưng khi ra tòa nhìn bị cáo lại thấy rất tội.
Đặt giả thiết nếu bị cáo được sinh ra có sự quan tâm đầu đủ của người thân thì có lẽ cuộc đời bị cáo đã khác. Dẫu không thể đổ lỗi tội ác cho hoàn cảnh nhưng một lần nữa, vụ án này đã đặt ra trách nhiệm của xã hội và gia đình đối với việc giáo dục con em mình”.
Xuất phát từ công tác tiếp nhận, giáo dục các đối tượng trẻ vị thành niên cơ nhỡ, không nơi nương tựa, đa số đều có những hoàn cảnh éo le của Trung tâm Giáo dục lao động xã hội tỉnh Bình Định, ông Lê Văn Liễn - Phó Giám đốc phụ trách đã từng nhìn nhận: “Bên cạnh sự tác động từ mặt trái của xã hội phát triển, nguyên nhân chính là do thiếu sự quan tâm của gia đình. Vì vậy, tôi nghĩ, các bậc làm cha, làm mẹ cần phải nghĩ thấu đáo về nguyên nhân của nguy cơ trẻ vị thành niên phạm tội để phòng tránh cho con cái ngay chính trong gia đình mình, trước khi nói đến trách nhiệm của nhà trường và xã hội”.
.